Cập nhật: 22/08/2010 10:22:40 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hoạt động phát triển văn học nghệ thuật (VHNT) tại TPHCM rất năng động, sôi nổi với nhiều sáng tạo mới mẻ, đa dạng. Tuy nhiên, VHNT đang thiếu một bộ lọc để chọn lựa và tiếp nhận những khuynh hướng tốt. Chính điều này đã ảnh hưởng đến giới trẻ, làm công chúng trẻ tiếp nhận VHNT bằng cảm tính bản năng, thiếu định hướng thẩm mỹ đúng đắn.

Lo ngại lệch chuẩn

 

Sự phát triển lệch trong văn học cho thấy tiểu thuyết càng ngày càng yếu và ngược lại truyện ngắn phát triển khá mạnh. Thanh niên thường thích truyện tranh, mê xem hình hơn đọc chữ. Trong lĩnh vực âm nhạc, ca khúc đại chúng tung hoành ngang dọc, còn mảng lớn khác như nhạc không lời, hợp xướng… bị bỏ quên. Bên sân khấu lại có vấn đề đặt ra là phải chăng sân khấu hiện nay chỉ còn có tấu hài, hài kịch? Khán giả mê điện ảnh cũng nhận thấy phim truyền hình nhiều tập đang thống trị. Tất cả góp phần khẳng định: VHNT TPHCM phát triển mạnh nhưng không hài hòa. Mà trên hết, chính công chúng trẻ là lực lượng khán giả lớn, có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động phát triển VHNT, đến tư duy, khuynh hướng sáng tác, sáng tạo nghệ thuật của những người sáng tác, những nghệ sĩ biểu diễn.

 

Thực tế, hiện tượng chạy đua theo trào lưu thế giới hiện được coi là mốt của số đông công chúng trẻ. Nó được cụ thể hóa bằng cách thưởng thức VHNT theo kiểu “fast food - thức ăn nhanh” – tiếp nhận nhanh chóng, hưởng thụ nhất thời, cảm nhận bằng bản năng, thay đổi xu hướng thẩm mỹ xoành xoạch…

 

Giáo sư Ca Lê Thuần trăn trở: “Ngày nay, chúng ta rất nên thận trọng với hai lực lượng công chúng trẻ. Thứ nhất, một số thanh niên say mê khoa học công nghệ, điều đó rất tốt, nhưng không nên để sự say mê ấy biến con người thành một cái máy. Sợ nhất là việc con người suy nghĩ máy móc. Thế hệ trẻ rất giỏi khoa học công nghệ thông tin nhưng không được giáo dục VHNT nên thiếu cảm xúc. Thứ hai, giới trẻ không được định hướng nên cái gì cũng xúc động được. Xúc động lung tung cũng rất nguy hiểm. Chính VHNT tạo sự hài hòa, ổn định và tạo cho con người biết cảm xúc, cảm xúc đúng”.

 

Ông cũng lý giải cụ thể, xúc động VHNT là xúc động bằng trái tim thông qua trí tuệ con người. Xúc động theo bản năng là lệch chuẩn. Hiện nay, nhiều tác phẩm đồi trụy hay đánh vào bản năng vì giới trẻ thích bản năng.

 

Lỗi và trách nhiệm thuộc về ai?

 

Thực tế, VHNT tác động rất lớn trong lĩnh vực giáo dục, nhưng giáo dục - đào tạo ở nước ta hiện vẫn chưa phát triển toàn diện hài hòa. Hai bộ môn âm nhạc và mỹ thuật đã và đang được giảng dạy trong các trường học vẫn chưa đủ sức thu hút sự yêu thích của học sinh. Chưa kể, hiệu quả còn quá thấp trong việc giáo dục thẩm mỹ cho các em học sinh từ hai bộ môn này, để giúp các em tiếp nhận, hiểu, cảm thụ và phát huy nó trong cuộc sống thực tế.

 

Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của lực lượng sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn trong việc sáng tạo phục vụ công chúng, nhất là với công chúng trẻ. Tuy lực lượng này có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến khuynh hướng sáng tác, sáng tạo trong biểu diễn của giới văn nghệ sĩ, nhưng không thể vì chạy theo thị hiếu thiếu định hướng của một số đông công chúng trẻ mà quên trách nhiệm, cho ra đời những đứa con tinh thần thiếu sức sống, thiếu chất lượng.

 

GS Ca Lê Thuần đã nhấn mạnh: “Không nên biến VHNT trở thành một thứ hàng hóa, bỏ quên chức năng cao quý của VHNT là góp phần xây dựng con người, xây dựng nhân cách. Chính nó là điều làm cho đời sống tinh thần con người phong phú đa dạng hơn”.

 

Như thế, để VHNT phát triển đúng hướng, nâng cao xu hướng thẩm mỹ của công chúng trẻ thì cần có sự quan tâm nhiều hơn từ các ban ngành chức năng, các nhà lý luận phê bình và các cơ quan thông tin đại chúng. Qua đó, sẽ chỉ rõ cái nào tốt cần khuyến khích, cái nào chưa tốt hoặc xấu cần hạn chế hoặc xóa bỏ… như thế là góp phần định hướng cho đời sống VHNT TPHCM phát triển đúng và đầy đủ hơn./.

 

 

 

Theo báo SGGP Online

Tệp đính kèm