Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ “hỗn chiến” gây hậu quả đáng tiếc chỉ vì va quệt nhẹ trên đường; những vụ ùn tắc giao thông do đi không đúng phần đường. Tháng ATGT năm nay có chủ đề “văn hoá giao thông vì sự an toàn của thanh thiếu nhi và cộng đồng”
Từ va chạm nhỏ… đến hậu quả nghiêm trọng
Vụ va quệt nhỏ giữa hai xe máy (Yamaha Nouvo BKS 54Z7-5325 và xe Honda SH BKS 52F3-1626) trên đường Cống Quỳnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh đêm 6/8/2010 đã trở thành vụ ẩu đả lớn khiến 2 người chết, một người bị thương nặng.
Trước đó, khoảng 21h đêm 19/7/2010 tại Hà Nội, nạn nhân Vũ Thanh Hà đi xe máy BKS 29L1-8920 trong lúc đôi co vì va chạm tại ngã tư Kim Mã - Nguyễn Chí Thanh đã bị đối phương (cũng đi xe máy) dùng dao nhọn thủ sẵn trong người đâm 2 nhát vào ngực dẫn đến tử vong.
Những vụ việc tương tự liên tiếp xảy ra thời gian qua đã phần nào đánh giá được nguy cơ, mức độ cũng như diễn biến nguy hiểm trong hành vi, thái độ ứng xử của người tham gia giao thông. Đặc biệt, khi phần lớn những tình huống xung đột xảy ra bởi lý do va chạm phương tiện trên đường đều tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên, người trẻ tuổi. Hiện tượng này cho thấy công tác giáo dục, đấu tranh phòng ngừa, nêu cao ý thức sống, ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông còn rất hạn chế.
Thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (ATGTQG) trong 6 tháng đầu năm 2010 cho thấy, cả nước đã xảy ra 6.835 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.736 người, bị thương 5.057 người. Trong đó, số vụ tai nạn giao thông đường bộ chiếm đa số với 6.559 vụ, làm chết 5.610 người, bị thương 4.885 người, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 524 vụ (8,7%).
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng TNGT gia tăng, một nguyên nhân cơ bản khác không kém phần quan trọng phải kể đến đó là ý thức của người tham gia giao thông, đặc biệt là trong giới trẻ, tuổi thanh thiếu niên. Có lẽ phạm trù “văn hoá giao thông” vẫn chưa được hiểu, áp dụng đúng mức trong xã hội hàng ngày.
Thế nào là tham gia giao thông có văn hóa?
Theo ông Nguyễn Trọng Thái, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGTQG, văn hóa giao thông trước hết phải nói đến ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của mỗi người. Người có văn hóa khi đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm đúng quy định, không phóng nhanh, vượt ẩu, không uống rượu bia khi tham gia giao thông.
Trên thực tế, việc đi xe máy không đội mũ bảo hiểm vẫn còn, hoặc chỉ đội mũ mang tính chất chống đối, không khác gì coi thường tính mạng bản thân cũng như những người xung quanh. Người tham gia giao thông vẫn uống rượu bia khi tham gia giao thông, kể cả người lái xe ô tô. Thanh, thiếu niên tổ chức đua xe, chở ba bốn, lạng lách đánh võng trên đường. Xe chở hàng cồng kềnh, nghênh ngang trên đường. Ở các ngã tư đường phố, người điều khiển xe vẫn vượt đèn đỏ tạo nên xung đột giao thông va chạm rồi gây tai nạn. Thậm chí người gây ra tai nạn không dừng lại để cứu giúp người bị nạn mà lại bỏ chạy. Nhiều trường hợp, khi vi phạm an toàn giao thông, bị công an giao thông nhắc nhở hoặc phạt, không những không chấp hành, người vi phạm còn chống lại người thi hành công vụ… Tất cả những điều nêu trên đều là phi văn hóa.
“Người tham gia giao thông có văn hoá phải là người hiểu và nắm được các quy định của pháp luật về giao thông, tự giác chấp hành quy định khi tham gia giao thông, biết nhường nhịn lẫn nhau, đồng thời biết giúp đỡ những người khác khi tham gia giao thông trên đường - đặc biệt là khi có sự cố như ùn tắc hay TNGT xảy ra thì phải có trách nhiệm hợp tác với cơ quan chức năng trong việc giải quyết các sự cố…tạo thành một thói quen về chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông”
Thượng tá Trần Sơn, Phó trưởng phòng Hướng dẫn Luật và xử lý TNGT, Cục CSGT Đường bộ đường sắt, Bộ Công an.
Cần một xã hội “Văn hóa giao thông”
Năm 2009, xác định ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông chưa cao là nguyên nhân cơ bản dẫn đến gia tăng TNGT và ùn tắc giao thông, Chủ tịch Uỷ ban ATGTQG quyết định lấy chủ đề “Văn hóa giao thông” làm trọng tâm tuyên truyền của Tháng ATGT, nhằm tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của mọi tần lớp nhân dân, lấy đó làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong mỗi người khi tham gia giao thông.
Kết quả sau một tháng triển khai “Tháng An toàn giao thông” với chủ đề “văn hóa giao thông”, và sau một năm đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật giao thông đường bộ mới được ban hành năm 2008, có hiệu lực từ 1/7/2009, ý thức chấp hành pháp luật ATGT trong cộng đồng được nâng lên rõ rệt, vấn đề Văn hóa giao thông đã được dư luận xã hội, cộng đồng, các cơ quan truyền thông quan tâm và chú trọng hơn.
Hôm nay (31/8), các địa phương sẽ đồng loạt tổ chức lễ phát động, ra quân hưởng ứng Tháng ATGT. Kết quả thực hiện Tháng ATGT sẽ được gửi về Uỷ ban ATGTQG trước ngày 5/10/2010 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Năm nay, trước những vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt với các đối tượng là thanh, thiếu niên, liên tiếp xảy ra thời gian qua, Uỷ ban ATGTQG đã quyết định lấy chủ đề của Tháng ATGT năm nay là “Văn hóa giao thông vì sự an toàn của thanh thiếu nhi và cộng đồng”. Ông Nguyễn Trọng Thái- Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGTQG cho biết, Uỷ ban mong muốn, qua Tháng ATGT sẽ từng bước xây dựng được thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, hình thành ý thức tự giác tuân thủ̀ pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là cho đối tượng thanh, thiếu nhi, tạo một môi trường tham gia giao thông trật tự, an toàn, văn minh và thân thiện.
Được biết, thực hiện Chỉ thị số 718/TTg ngày 1/9/1997 về tăng cường chỉ đạo thực hiện các Nghị định số 36, số 39 và số 40 của Chính phủ về trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, Uỷ ban ATGTQG triển khai “Tháng an toàn giao thông” (tháng 9 hàng năm) theo từng chủ đề cụ thể. Tới nay đã có 13 “Tháng An toàn giao thông” được triển khai, về cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đạt được 3 mục tiêu cơ bản là giảm số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT gây ra./.
Theo vovnews.vn