Cập nhật: 21/09/2010 16:35:21 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở nước ta hầu như mùa nào cũng có Tết. Mùa Xuân ngoài Tết Nguyên Đán còn có Tết Nguyên Tiêu, mùa Hạ có Tết Đoan Ngọ, mùa Đông có Tết Trùng Thập. Nhưng trong các lễ Tết đó thì trẻ con và cả người lớn đều háo hức đón tết Trung Thu. Tháng Tám trăng thanh gió mát, nước trong veo, nhà nông nhàn nhã.

Vào Rằm tháng Tám, trăng đẹp nhất, nên dân gian làm lễ mở hội ăn tết mừng trăng. Tết trông trăng, phá cỗ ngày xưa vốn là Tết của tất cả mọi người, không riêng gì đối với trẻ em. Thời đó, đêm Trung Thu, mọi nhà đều mở cửa, ai cũng có thể đến thăm nhau, cùng ngắm trăng, ăn cỗ, tuy chỉ là vài món hoa quả, bánh trái đơn sơ.

 

Tết Trung thu độc lập đầu tiên của các cháu:

 

Cách mạng tháng Tám thành công, tết Trung thu đầu tiên của nước nhà độc lập, tuy rất bận nhưng Bác rất vui viết thư gửi tới các cháu ở khắp mọi miền đất nước: "Các cháu vui cười hớn hở, Bác Hồ cũng vui cười hớn hở. Đố các cháu biết vì sao? Một là vì Bác Hồ rất yêu mến các cháu; hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các cháu còn là bầy nô lệ trẻ con mà Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các cháu đã trở thành chủ nhân của một nước độc lập".

 

Đêm trung thu năm đó được tổ chức rất trọng thể và vui vẻ tại bờ hồ Hoàn Kiếm. Dưới ánh điện lấp lánh, hàng ngàn trẻ em tay cầm đèn ông sao, cá chép đứng chật quanh hồ. Sau lễ chào cờ, một bạn thiếu nhi Hà Nội thay mặt các bạn nhỏ cả nước phát biểu, bày tỏ niềm sung sướng được trở thành công dân nhỏ tuổi của nước độc lập.

 

Bác Trần Huy Liệu thay mặt Chính phủ đọc thư của Bác Hồ gửi thiếu niên nhi đồng cả nước và căn dặn các cháu hãy chăm học, chăm làm để xứng đáng với sự quan tâm của Đảng, của Bác. Sau đó các bạn nhỏ được vào Phủ Chủ tịch để đón tết Trung thu cùng với Bác Hồ. Được nghe Bác căn dặn: "Các cháu phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng, phải kính thầy yêu bạn. Các cháu phải thương yêu nước nhà...". Rồi Bác ân cần vui vẻ ngắm nhìn các cháu vui chơi dưới ánh trăng rằm.

 

Đèn kéo quân

 

Ngày xưa khi gần đến Tết Trung Thu nhiều nhà làm đèn kéo quân. Đèn kéo quân còn gọi là đèn cù, hình lục giác hay bát giác, chia làm hai phần. Phần ngoài cao khoảng 60cm, đường kính chừng 50cm. Các mặt được dán căng bằng giấy xuyến chỉ màu trắng (còn gọi là giấy Tàu bạch). Những chiếc nan tre được chuốt kỹ, lắp ráp với nhau và được buộc bằng lạt mềm rất chắc. Những dóng trụ đèn này được quấn bằng các loại giấy màu, giấy kim vàng óng ánh trổ những họa tiết để dán vào phần đầu và chân các trụ đèn khiến cho đèn thêm lộng lẫy.

 

Phần trong đèn có một trục tre tròn, nhỉnh hơn chiếc đầu đũa, phía trên gắn một chiếc chong chóng bằng giấy có nhiều mũi để hứng gió. Các hình tướng sĩ, binh mã, xe pháo… được gắn vào những vòng tre đặt dưới cánh chong chóng.

 

Một cây nến màu đỏ được thắp lên, gắn trên đĩa sứ bên trong, hoặc thay nén bằng một đĩa đèn dầu. Theo nguyên tắc đối lưu, không khí bị đốt nóng sẽ nhẹ bốc hơi lên tạo thành luồng gió luân chuyển làm quay chong chóng khiến các “quân đèn” bị quay theo. Bóng của chúng hiện lên trên các mặt giấy bên ngoài. Điều kỳ thú khi xem đèn kéo quân là ở chỗ mặc dù tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã… đều là hình tĩnh nhưng khi chạy vòng quanh lại gây cho ta ảo giác như chúng biết cử động, ta như đang được xem một trận chiến dồn dập rất hứng thú.

 

Và để gây thêm trí tò mò cho trẻ, các nghệ nhân còn làm hình các con rối có thể cử động được rồi gắn vào đèn kéo quân. Con rối có hai phần, phần tĩnh và phần động, đều được gắn vào mặt ngoài màn giấy. Phần động được gắn vào phần tĩnh bằng khớp nối. Một sợi dây nhỏ được nối rất khéo từ phần động vào trục quay chong chóng. Trên trục quay có cái mấu nhỏ, mỗi vòng mấu đi qua lại kéo sợi dây làm cho con rối giật lên, hạ xuống. Đây là những rối dây đơn giản nhưng lại rất gây ấn tượng cho trẻ thơ.

 

Chiếc đèn cá chép

 

Đó là chiếc đèn mang hình dáng con cá chép. Người ta kể rằng vào đời Tống có con cá chép biến thành tinh, đến Tết Trung Thu lại biến thành người, hãm hại dân chúng. Bao Thanh Thiên liền tâu với vua chỉ dụ cho dân chúng làm đèn cá chép treo trên cửa nhà để yêu tinh thấy cùng giống mình, sợ sẽ bỏ đi.

 

Còn có sự tích kể rằng: Đèn cá chép bắt nguồn từ cá chép vượt Vũ môn quan trên sông Dương Tử ở Trung Hoa để hóa thành Rồng. Trên sông có một ghềnh nước lớn  tên là Vũ Môn (hoặc Long Môn). Hàng năm họ hàng nhà cá chép về đấy thi nhau nhảy qua ghềnh. Con nào vượt qua được sẽ hóa thành Rồng.

 

Tương truyền ở nước ta tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cũng có Vũ Môn và có cá chép thi vượt ghềnh mỗi năm. Từ đó tục chơi đèn cá chép là do các bậc cha mẹ cầu mong con mình sẽ vượt Vũ Môn như cá chép để thi cử đỗ đạt. Đó cũng là ước mong chính đáng của cha mẹ hy vọng con mình sẽ thông minh, học hành tấn tới.

 

Múa Lân hay còn gọi là múa Sư tử vào tết Trung thu là một tục lệ xuất xứ từ Trung Hoa hàng ngàn năm trước. Theo sách Tàu thì "Kỳ" là tên con sư tử đực, "Lân" là tên con sư tử cái. Người ta không phân biệt chúng là đực hay cái nên gọi chung là Kỳ Lân. Theo dân gian, Kỳ Lân là con vật thần thoại, mình hươu, móng ngựa, đuôi bò, miệng rộng, mũi to, có một sừng trên trán, lông trên lưng màu ngũ sắc, lông dưới bụng màu vàng.

 

Đó là con vật rất hiền (còn gọi là nhân thú), không đạp lên cỏ cây, không làm hại vật sống. Kỳ Lân chỉ xuất hiện khi có Thánh nhân ra đời hoặc dưới thời thái bình thịnh trị. Như vậy trò múa Lân trong đêm Trung Thu tượng trưng cho sự xuất hiện của Kỳ Lân, cũng là sự cầu mong đất nước thái bình, thịnh trị, nhà nhà gặp nhiều may mắn. Có thể thấy từ xa xưa, dân gian đã quan niệm đồ chơi cũng góp phần giáo dục con người, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ ước vọng về một tương lai tươi đẹp.

 

Bánh Trung thu 

 

Dịp Tết Trung thu có rất nhiều loại bánh, nhưng phần lớn là bánh hình tròn tượng trưng cho mặt trăng và bánh hình vuông tượng trưng cho mặt đất. Có nhiều truyền thuyết trong dân gian về chiếc bánh Trung thu, nhưng có một truyền thuyết được phổ biến nhiều nhất, đó là vào những năm cuối triều Nguyên (Trung Quốc), bọn thống trị phong kiến áp bức bóc lột nhân dân rất tàn khốc, khiến dân chúng bất bình và nuôi ý chí phản kháng mãnh liệt.

 

Ít lâu sau, có hai vị thủ lĩnh là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá tổ chức nông dân vùng lên khởi nghĩa chống lại bè lũ phong kiến thống trị tàn bạo. Để có thể truyền tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những cái bánh hình tròn, trong có nhét một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm Rằm tháng Tám.

 

Những chiếc bánh Trung thu được người ta chuyển cho nhau và trở thành một phương tiện liên lạc. Từ đó, tin tức về cuộc khởi nghĩa được truyền đi khắp nơi và cuộc khởi nghĩa đã thành công, đập tan sự áp bức bóc lột của bọn phong kiến thống trị.

 

Sau này, cứ vào ngày Rằm tháng Tám là người dân Trung Quốc lại làm bánh Trung thu để kỷ niệm sự kiện ấy. Như vậy, tục ăn bánh Trung thu trong ngày Rằm tháng Tám có xuất xứ từ Trung Quốc và được lưu truyền tới ngày nay. Còn có truyền thuyết khác lại kể rằng: Bánh Trung thu có từ thời nhà Đường (Trung Quốc). Nó được coi như một thứ đồ lễ cúng thần Mặt trăng. Ngày đó, ở kinh thành Trường An đã có những cửa hiệu bán bánh Trung thu...

 

Ngày nay, vào dịp Tết Trung thu, ở nước ta cũng như một số nước vùng Đông Nam Á, người ta thấy có nhiều loại bánh, nhiều loại đồ chơi đủ màu sắc với những hình dáng bắt mắt, hiện đại, đắt tiền, có cái giá hàng mấy trăm cho đến cả triệu đồng chỉ đáp ứng cho trẻ con nhà giàu. Tiếc thay, những chiếc bánh, chiếc đèn xa xỉ đó ngày càng xa rời các loại bánh, loại đèn dân dã , cổ truyền mang hồn dân tộc./.

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm