Cập nhật: 24/09/2010 15:16:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời đại công nghệ thông tin với sự bùng nổ của các sản phẩm văn hóa hiện đại như phim ảnh, băng đĩa, ca nhạc, in-tơ-nét, games... đã thâm nhập sâu sắc vào lĩnh vực giải trí của con người, đặc biệt là của thanh thiếu nhi, khiến cho văn hóa đọc đang có nguy cơ ngày càng bị mai một trong giới trẻ.

 

Vậy đâu là lý do để tác phẩm văn học - một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ, nhưng lại đang ngày càng trở nên xa rời đối với trẻ em?

 

Trước hết, có thể thấy, sách viết cho trẻ em hiện nay nhiều mà vẫn thiếu. Trên thị trường tràn lan sách dịch, sách của các tác giả trong nước, sách in đường chính thống, sách in lậu, v.v. với đủ loại mẫu mã, trang trí rất bắt mắt. Trẻ em "bơi" trong biển sách, không biết đâu mà lựa chọn. Người bán chỉ cốt bán được nhiều; người mua không có sự định hướng rõ rệt, thành ra không tìm được những tác phẩm thật sự nên đọc.

 

Mặt khác, cho dù sách nhiều như vậy nhưng cũng rất khó có thể kiếm được những tác phẩm đặc sắc, kiểu như Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Ðất rừng phương Nam của Ðoàn Giỏi, Quê nội của Võ Quảng, Cái tết của Mèo con của Nguyễn Ðình Thi, Góc sân và khoảng trời của Trần Ðăng Khoa... trước kia. Một trong những tác giả tiêu biểu nhất của văn học thiếu nhi Việt Nam cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21 là Nguyễn Nhật Ánh, thì sau Kính vạn hoa, Chuyện xứ Langbiang, Tôi là Bê tô, Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ... các bạn đọc nhí cũng đang chưa biết tìm thứ gì để đọc tiếp.

 

Sách viết cho các em tuy được xuất bản nhiều, nhưng hầu như lượng phát hành chủ yếu chỉ ở các thành phố lớn, các thị xã, thị trấn. Sách đưa về nông thôn rất ít. Có thể nói, sách với trẻ em ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa đang còn là thứ hàng "xa xỉ", kể cả sách của Nhà xuất bản Kim Ðồng được bán với giá rẻ. Một cuộc điều tra của Trung tâm Văn học trẻ em (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) trên quy mô cả nước đã cho kết quả thật bất ngờ. Trong tổng chi phí của gia đình cho một đứa trẻ/một tháng, số tiền dành cho việc mua sách báo chỉ chiếm 2%, thậm chí có bậc phụ huynh còn trả lời là không có tiền dành để mua sách báo. Hệ thống thư viện ở các địa phương cũng như trong nhà trường hầu như không được duy trì. Nếu có, cũng rất nghèo nàn về tác phẩm văn học. Nguồn sách chủ yếu là do sự tài trợ của trung ương, của các nhà xuất bản hoặc sự quyên góp của các cá nhân. Khi được hỏi, vẫn câu trả lời quen thuộc, rằng không có nguồn kinh phí nào để chi cho việc mua sách. Như vậy, có thể nói, trẻ em ở những vùng này luôn luôn bị "đói" sách.

 

Một vấn đề nữa là trẻ em hầu như không được hướng dẫn đọc sách. Cùng với phụ huynh, giáo viên là đối tượng có ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đọc của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, cả hai đối tượng này đều không có sự quan tâm đúng mức tới việc đọc sách của các em. Cũng theo kết quả điều tra nói trên, có tới 80% giáo viên không còn đọc sách thiếu nhi khi họ đã trở thành người lớn. Vì thế, họ cũng không biết học sinh của mình đang đọc và quan tâm tới sách gì. Có tới 72% giáo viên tiểu học và THCS thừa nhận họ hầu như không gợi ý cho học sinh của mình nên đọc sách gì ngoài những tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường, cách lựa chọn một cuốn sách hay hoặc cách đọc sách... Có tới 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không hề đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào kể từ khi con họ biết đọc. Từ kết quả điều tra trên, có thể thấy trẻ em hầu như không hề được định hướng việc đọc sách. Do vậy các em kiếm được cái gì đọc cái ấy, bất kể là cuốn sách đó có ích hay không, trong khi những tác phẩm kinh điển thì lại không hề được biết đến.

 

Cũng phải nói thêm là trẻ em hiện nay có quá ít thời gian để đọc sách. Các em hầu như đều phải tham gia lao động cùng với gia đình. Nếu không thì cũng bị "quản thúc" ở trường hoặc các lớp học thêm. Có nhiều gia đình, vì mong muốn con cái được "đổi đời" nên họ đã dồn lên chúng áp lực học hành quá lớn, vì thế hầu như các em không còn thời gian để vui chơi giải trí và đọc sách.

 

Một lý do không thể không nói tới, đó là những hoạt động xã hội kích thích việc đọc sách của trẻ em hiện nay chưa được chú ý thỏa đáng. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, sự lấn át ồ ạt của nhiều nguồn giải trí khác nhau đã dẫn tới "nguồn giải trí" từ văn học không còn chiếm ưu thế nữa. Dường như văn hóa nghe - nhìn đang có nguy cơ lấn dần văn hóa đọc. Thêm vào đó là sự xuất hiện của các loại truyện có nội dung và tranh minh họa kích thích bạo lực và khêu gợi tình dục, phát triển những tình cảm thiếu lành mạnh đã kích thích sự tò mò của trẻ thơ. Ðây là vấn đề mà những nước đã và đang phát triển hầu như đều gặp phải, và Việt Nam cũng là nước đang phải chịu ảnh hưởng của làn sóng độc hại này. Tuy nhiên, các địa phương, hầu như không có những cơ sở văn hóa và các cán bộ văn hóa để tổ chức giới thiệu sách, hay các cuộc thi đọc sách, thi kể chuyện theo sách, hoặc mời các nhà văn tới giao lưu để tạo thói quen và niềm đam mê đọc sách ở trẻ, đồng thời định hướng đúng đắn thị hiếu đọc sách cho các em. Các nhà phê bình văn học hầu như mới chỉ chú ý tới những "hiện tượng" văn học cho người lớn chứ chưa quan tâm tới những sáng tác cho trẻ em. Những tác phẩm văn học viết cho các em ít được giới thiệu trên báo chí (nói theo ngôn ngữ hiện đại thì văn học thiếu nhi ít được "tiếp thị" trên thị trường). Vì vậy, dường như trẻ em bị "thả nổi" trong vấn đề đọc sách văn học.

 

Ai cũng biết, tương lai của đất nước là thế hệ trẻ thơ ngày hôm nay. Chăm chút cho trẻ thơ là chăm lo cho ngày mai của đất nước. Chính vì thế, định hướng nhân cách cho trẻ em cũng chính là định hướng tương lai cho cả dân tộc trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Trước tình hình tiếp cận với tác phẩm văn học và vấn đề đọc sách của trẻ em hiện nay, thiết nghĩ, việc định hướng lại văn hóa đọc cho các em là điều vô cùng cần thiết. Chăm lo nuôi dưỡng văn hóa đọc ở trẻ em, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người ngay từ thuở ấu thơ là nhiệm vụ chung của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhiệm vụ của mỗi người lớn chúng ta.

 

 

 

Theo  TTXVN/Vietnam+

Tệp đính kèm