Hà Nội của chúng ta đã bước sang một trang mới trong một tâm thế nghìn năm có một. Trong suốt những ngày qua, người dân cả nước đã tụ hội về Thủ đô yêu dấu - trái tim của cả nước để chứng kiến không khí của ngày Đại lễ, chứng kiến thời khắc thiêng liêng của nghìn năm sông núi giao hòa và mang theo cả những ước nguyện, những kỳ vọng cho Hà Nội sau 1000 năm tuổi.
Chúng ta phải làm gì cho Hà Nội sau những ngày Đại lễ không chỉ là mong mỏi của những người sinh ra ở Hà Nội, đang sống ở Hà Nội mà đó còn là sự trăn trở của người con đất Việt chung dòng máu Lạc Hồng trên khắp dải đất hình chữ S khi hướng về mảnh đất rồng thiêng.
Hôm qua là một ngày đặc biệt của Hà Nội, ngày mà cả dân tộc Việt Nam hướng về Thủ đô. Sau lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất từ trước đến nay diễn ra tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, người dân lại háo hức chờ đợi đêm nghệ thuật “Thăng Long Hà Nội - thành phố rồng bay” tại sân vận động Quốc gia Mỹ Đình.
Chưa bao giờ mọi ngả đường hướng về sân vận động Mỹ Đình lại đông đến vậy. Các con đường tắt nối từ đường Phạm Hùng, từ bến xe Mỹ Đình đi qua làng Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Đình Thôn ra sân vận động Mỹ Đình đã tấp nập, rộn ràng từ sáng bởi nhiều người dân các tỉnh về dự ngày lễ chính đã chủ động đi từ sớm, có những người đã đến từ đêm trước nghỉ lại nhà người thân hoặc thuê trọ tại khu vực quanh sân vận động Mỹ Đình khiến cho khu dân cư ở nơi đây vốn thường bình lặng bỗng rôm rả như ngày Tết.
Cho đến trước giờ đêm nghệ thuật diễn ra vài tiếng đồng hồ, khu vực sân vận động Mỹ Đình đã chật cứng, tất cả mọi ngả đường đến sân vận động đều tắc nghẽn. Ai cũng muốn tận mắt được chứng kiến đêm nghệ thuật đặc biệt này, kể cả những người không có vé vào sân cũng đổ về đây, họ sẵn sàng đứng bên ngoài sân để cảm nhận hết ý nghĩa của ngày Đại lễ và chờ đợi màn pháo hoa nghệ thuật nghìn năm có một. Và thật xúc động khi được hỏi họ đều trả lời rằng dù không được vào sân vận động nhưng họ đã được đi nhiều nơi của Hà Nội, được đến Thủ đô và gặp những người Thủ đô là vui lắm rồi. Thế mới biết, hình ảnh Hà Nội trong mắt họ thật thiêng liêng, thật đẹp. Nghe họ nói mà những người Hà Nội muốn trào nước mắt. Hà Nội phải làm gì, những người dân Hà Nội phải làm gì để đáp lại niềm tin yêu của người dân cả nước.
Phải nói rằng, trong những ngày qua, thành phố đã làm hết mình cho những ngày Đại lễ thành công, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân. Đi khắp mọi ngả đường của Hà Nội trong những ngày qua đâu đâu cũng thấy không khí của Đại lễ, bất cứ nơi nào cũng thấy diện mạo của Hà Nội đang đổi thay từng ngày.
Chính không khí ấy đã đánh thức, đã khơi dậy niềm tự hào của những người Hà Nội về mảnh đất Thăng Long có bề dày lịch sử nghìn năm để từ đó họ biết trân trọng hơn những giá trị của Hà Nội. Nhưng dấu ấn một nghìn năm không phải chỉ dừng lại ở 10 ngày Đại lễ mà quan trọng là Hà Nội cần phải làm gì để thế hệ hôm nay nối tiếp các bậc tiền nhân xây dựng Thủ đô Hà Nội đi lên với sức vóc mới, vị thế mới. 10 ngày kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã khép lại, Đại lễ không chỉ là dịp khẳng định lại giá trị của Hà Nội mà mỗi chúng ta còn phải thấy được trách nhiệm giữ gìn, phát huy những giá trị đó để Thủ đô xứng đáng là trái tim của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa và trí tuệ của cả nước.
Theo Báo điện tử An ninh thủ đô