Cập nhật: 23/02/2011 16:01:35 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong hai ngày 23-24.2 tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH (2000- 2010).

Hội nghị không chỉ nhìn lại chặng đường 10 năm qua với những kết quả đã đạt được, đề ra mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện phong trào đến năm 2015 mà còn là dịp tôn vinh, khen thưởng hơn 500 tập thể, gia đình, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào giai đoạn 2000 -2010.

 

10 năm và những kết quả

 

10 năm qua, kể từ sau lễ ra mắt và phát động triển khai phong trào vào năm 2000 tại tỉnh Quảng Nam, phong trào TDĐKXDĐSVH đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện; được các tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, ngày càng phát triển sâu rộng và đạt nhiều thành tựu quan trọng.

 

Kết quả thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH là kết quả chung trong công tác chỉ đạo triển khai và thực hiện phong trào từ TƯ đến các địa phương; được thể hiện thông qua các phong trào cụ thể theo kế hoạch, chương trình thực hiện phong trào do BCĐ TƯ đề ra:

 

- Phong trào xây dựng “Người tốt, việc tốt” góp phần tích cực vào hình thành nhân cách con người trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

 

- Phong trào xây dựng GĐVH góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, đời sống kinh tế - xã hội.

 

- Phong trào xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa góp phần nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần của người dân ở các cộng đồng dân cư

 

- Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

 

- Xây dựng đời sống văn hóa trong các đoàn thể.

 

- Xây dựng công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

 

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có tiến bộ.

 

- Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được duy trì và phát triển.

 

Khẳng định sự đúng đắn

 

Qua 10 năm thực hiện, Phong trào TDĐKXDĐSVH đã thực sự đi vào đời sống, trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn của quần chúng, ngày càng phát triển mạnh mẽ, mang lại những thành tựu to lớn, toàn diện và sâu sắc; khẳng định sự đúng đắn về chủ trương phát động phong trào.

 

- Phong trào đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục văn hóa, các hoạt động chỉ đạo triển khai và thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các tầng lớp nhân dân và toàn xã hội về văn hóa, về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa trong giai đoạn mới được nâng lên. Nhiều giá trị văn hóa; các quy định pháp luật và quy chế, quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thâm nhập vào đời sống, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng dân cư, cho mỗi gia đình và cá nhân.

 

- Vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng đời sống văn hóa được phát huy: Phong trào TDĐKXDĐSVH được đưa vào Nghị quyết của các cấp ủy Đảng; kế hoạch của chính quyền các cấp. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành và thực hiện có hiệu quả; mức đầu tư ngân sách nhà nước ở các cấp cho xây dựng đời sống văn hóa đều tăng. Các ngành, đoàn thể trong hệ thống chính trị từ TƯ đến địa phương, cơ sở đều vào cuộc thực hiện phong trào.

 

- Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa văn hóa: Nhân dân trong cả nước tham gia thực hiện phong trào ngày càng đông đảo; đóng góp to lớn vào xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội, các thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; mô hình, điển hình tiên tiến về xã hội hóa văn hóa xuất hiện ngày càng nhiều, tạo nên sự đa dạng về nội dung và phương thức tổ chức xây dựng đời sống văn hóa, phát huy sức sáng tạo văn hóa của nhân dân trên các địa bàn.

 

Pano, tranh cổ động tại Cung văn hóa Lao động Hữu nghị Hà Nội. Ảnh: Tr. Huấn

 

- Phong trào TDĐKXDĐSVH thông qua các phong trào và nội dung văn hóa cụ thể đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội một cách bền vững: Truyền thống đoàn kết và đạo lý dân tộc được phát huy; Xây dựng con người về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nếp sống được chú trọng; Vai trò, vị trí của gia đình và cộng đồng được nâng lên trong xây dựng đời sống văn hóa; tình làng, nghĩa xóm được củng cố, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều tiến bộ; nhiều giá trị văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy; hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục duy trì, phát triển, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân...

 

Những con số

 

- 10 năm qua, đã có trên 1.200.000 gương “Người tốt, việc tốt” được khen thưởng, suy tôn ở các cấp.

 

- Số GĐVH được công nhận:

 

+ Năm 2000: 8.670.665 gia đình.

 

+ Năm 2010: 16.026.599/22.628.167 gia đình (đạt tỷ lệ 70,8%).

 

- Làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được công nhận:

 

+ Năm 2000: 17.651 làng văn hóa, tổ văn hóa.

 

+ Năm 2010: 58.284 làng văn hóa, tổ văn hóa (đạt tỷ lệ 67%).

 

- Tổng số khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt nếp sống trong việc cưới, việc tang và lễ hội: 120.158 đơn vị (đạt tỷ lệ 66,1%).

 

- Tổng số làng, thôn, ấp, bản thực hiện tốt vệ sinh môi trường: 71.555 (đạt tỷ lệ 61,6%).

 

- Tổng số xã làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội: 5.694/11.102 (đạt tỷ lệ 51,2%)..

 

- Tổng số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận đạt chuẩn văn hóa:

 

+ Năm 2000: 8.707 đơn vị.

 

+ Năm 2010: 37.971đơn vị (đạt tỷ lệ 57,9%).

 

Những yếu kém

 

Bên cạnh những thành tựu, Phong trào TDĐKXDĐSVH ở nhiều nơi còn bộc lộ những yếu kém cần khắc phục, đó là:

 

- Phát triển chưa đồng đều giữa các khu vực, vùng miền

 

- Chất lượng của các phong trào cụ thể trong Phong trào TDĐKXDĐSVH còn nhiều yếu kém.

 

- Nhiều nội dung văn hóa trong Phong trào TDĐKXDĐSVH chưa được thực hiện đầy đủ, kết quả còn thấp.

 

Đẩy mạnh thực hiện phong trào giai đoạn 2011-2015

 

Chỉ tiêu phấn đấu giai đoạn 2011-2015 được đưa ra là:

 

- 70% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu GĐVH.

 

- 60% làng, thôn, ấp, bản...; tổ dân phố, khu phố, cụm dân cư... được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”.

 

- 70% đơn vị (cơ quan, công sở, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân...), đạt chuẩn văn hóa.

 

- 10% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

 

- 30% trở lên người dân tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ và luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.

 

 

Theo Báo Văn hóa Online

Tệp đính kèm