Cập nhật: 01/03/2011 15:44:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lễ hội được nhìn nhận như bảo tàng sống về đời sống cư dân bản địa. Mỗi dịp xuân về, hàng nghìn lễ hội diễn ra trên khắp cả nước là cơ hội để thu hút khách du lịch. Tuy vậy, lễ hội ở Việt Nam mới chỉ hấp dẫn khách nội địa.

Theo thống kê của Bộ VH, TT và DL, trên cả nước có trên 8.000 lễ hội từ quy mô làng, xã đến quốc gia, trong đó khoảng 70% lễ hội do cấp xã quản lý, chỉ thu hút sự tham gia cộng đồng dân cư quanh vùng. Một số lễ hội quy mô cấp vùng thu hút khá đông khách thập phương như: chợ Viềng, phủ Giày, đền Trần (Nam Định), Hội Lim (Bắc Ninh), Hội Chùa Hương, Hội đền Gióng, Lễ hội Cổ Loa (Hà Nội), Lễ hội chùa Bái Đính (Ninh Bình), Hội xuân Yên Tử (Quảng Ninh), Hội đầm Ô Loan (Phú Yên), Bà Chúa Xứ (An Giang)... Tuy nhiên, Phó giám đốc Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan cho biết, đối tượng khách du lịch lễ hội chủ yếu là khách nội địa và Việt kiều. Công ty đang triển khai tour lễ hội kết hợp du xuân chủ yếu phục vụ khách đoàn từ miền Nam. Từ sau Tết Nguyên đán, số lượng khách tham gia chương trình này tăng lên 2 - 3 đoàn/tuần, trong đó tour du xuân kết hợp lễ hội tại cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Sa Pa (Lào Cai) khá hấp dẫn khách phương Nam.

 

Nhìn vào lịch trình tour các doanh nghiệp du lịch lữ hành miền Bắc đang chào bán cũng dễ nhận thấy chủ yếu dành cho thị trường nội địa và nhắm vào khách đoàn, đến những địa danh nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính, Côn Sơn - Kiếp Bạc... trong thời gian ngắn (trung bình 1 - 2 ngày) và tập trung nhiều vào cuối tuần. Khách phương Nam cũng thường gắn kết chương trình du xuân với các điểm du lịch cố định từ trước và coi đây là yếu tố kết hợp trong chương trình để thêm đa dạng. Trưởng phòng lữ hành của Công ty Du lịch Mai Linh Lại Văn Quân cho biết thêm, du lịch lễ hội gắn với tín ngưỡng, tâm linh... Bên cạnh nghi thức, phần hội có một số trò chơi mang bản sắc từng vùng miền. Do đó, du lịch lễ hội chỉ hấp dẫn khách nội. Với cự ly ngắn và trung bình, đi lại trong ngày nên đa phần người dân tự tổ chức đi, còn với công ty du lịch chỉ phục vụ khách đoàn hoặc theo yêu cầu của khách.

 

Tại sao khách du lịch quốc tế không mặn mà với lễ hội truyền thống Việt Nam? Giám đốc Chi nhánh Công ty du lịch Phượng Hoàng tại Hà Nội Đặng Thị Thọ lý giải: do các lễ hội thường quá đông người, dẫn đến lộn xộn, giao thông ùn tắc, môi trường ô nhiễm... Hơn thế, đối với khách phương Tây, tổ chức tour tham gia lễ hội rất khó do chương trình tour thường lên lịch trước 6 tháng, lịch trình đi chỉ khoảng hơn 10 ngày, trong đó nếu đi riêng lễ hội sẽ mất hẳn 1 ngày. Cũng với thời gian đó, nếu đi thăm quan những nơi khác, họ đi được nhiều điểm hơn. Bên cạnh đó, dịp đầu xuân, đến đâu cũng có lễ hội, nên trên hành trình, nếu gặp lễ hội nào, hướng dẫn viên sẽ giới thiệu kết hợp.

 

Tâm lý người nước ngoài khi đi du lịch thường tránh những nơi quá đông, an toàn và tìm hiểu, trò chuyện, giao lưu với người dân bản xứ. “Với cái nhìn của người làm du lịch, chúng tôi muốn đưa khách gần gũi hơn với người dân, cảm nhận được cuộc sống, văn hóa người dân địa phương. Để đạt được mục đích đó thì du lịch cộng đồng là hình thức hiệu quả hơn. Chẳng hạn, khách muốn tìm hiểu văn hóa, nghi lễ vùng đồng bằng sông Hồng, chúng tôi tổ chức tour đi Bắc Ninh với chùa Bút Tháp, đền Đô, nghe hát quan họ... hay đi Hải Phòng tìm hiểu về rối nước, rối cạn, nghe ca trù”, bà Đặng Thị Thọ nhấn mạnh. “Với tình trạng tổ chức lễ hội như hiện nay, trong 10 năm tới vẫn chưa thể hấp dẫn khách quốc tế”.

 

 

 

Theo Báo điện tử Đại biểu ND

 

Tệp đính kèm