Cập nhật: 12/03/2011 10:06:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Khơi dậy và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp là một trong các mục tiêu quan trọng trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá mới ở Thái Bình.

 

Điều này chính là yêu cầu từ thực tiễn, từ cuộc sống của cộng đồng dân cư, từ sự bám rễ và chiều sâu của hoạt động văn hoá ở mỗi làng xã. Không thể chỉ là phong trào nhất thời, chạy theo diện rộng mà chính là giữ gìn giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp làm nền tảng xây dựng văn hoá mới, bền vững trong cái thay đổi đến chóng mặt.

 

Cùng với các địa phương khác trong cả nước, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được tỉnh Thái Bình triển khai từ năm 2000. Ngay từ buổi đầu triển khai, phong trào được ghi nhận là một chủ trương đúng, hợp lòng dân, đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong tỉnh và nhận được sự hưởng ứng, thực hiện tích cực. Nội dung của phong trào được thể hiện trên các mặt công tác trọng tâm: xây dựng tư tưởng đạo đức, nếp sống lối sống; xây dựng phong trào người tốt việc tốt; xây dựng gia đình văn hóa; khu dân cư tiên tiến; xây dựng thôn làng, tổ dân phố, dòng họ, cơ quan đơn vị văn hóa; xây dựng phong trào phát triển kinh tế, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, nhân đạo từ thiện... Liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong quá trình thực hiện phong trào cũng còn gặp những khó khăn. Song 10 năm qua đã có 80 – 90% đám cưới, đám tang, lễ hội trong tỉnh được thực hiện theo nếp sống mới, trang trọng, văn minh, tiết kiệm.

 

Cũng kể từ khi quyết định của UBND tỉnh về thực hiện nếp sống mới được ban hành, công tác xây dựng gia đình văn hoá đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Do tính thiết thực là nền tảng của phong trào xây dựng đời sống văn hoá nên công tác chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện đều được triển khai theo một quy trình thống nhất. Việc tổ chức xét, công nhận, biểu dương khen thưởng danh hiệu “gia đình văn hoá” ở các cấp bảo đảm nguyên tắc, công khai, dân chủ, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, tránh bệnh hình thức và thành tích đã tạo được sự đồng thuận cao trong quần chúng nhân dân.

 

Theo con số thông kê, năm 2001 tỉnh Thái Bình chỉ có 265.000/501.000 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa bằng 52,9% thì đến 2009 số gia đình đạt chuẩn văn hóa lên tới 74%,  năm 2010 đạt trên 75%. 10 năm qua, các huyện, thành phố đã khen thưởng 2.400 lượt hộ gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc. Kết quả xây dựng gia đình văn hoá đã tạo cơ sở vững chắc cho việc duy trì, phát huy hiệu quả cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, đặc biệt là việc thực hiện lồng ghép các nội dung văn hoá. Hàng năm, Thái Bình có 85% số thôn, làng đăng ký xây dựng và giữ vững danh hiệu văn hóa. Trên 850 lượt thôn, làng, tổ dân phố được công nhận và công nhận lại chiếm tỷ lệ 45% tổng số thôn, làng; 1.226 lượt cơ quan trường học, doanh nghiệp, đơn vị được công nhận đơn vị văn hóa...  Tỷ lệ hộ nghèo ở các làng văn hoá chỉ còn dưới một con số, không có hộ đói, hộ giàu ngày càng tăng. 98% đường làng ngõ xóm được cứng hoá; 100% hộ gia đình sử dụng nước sạch; 100% thôn làng văn hoá có đủ các thiết chế văn hoá, thường xuyên duy trì tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể dục thể thao;  bình quân hàng năm, toàn tỉnh có 525/2.048 khu dân cư đạt danh hiệu “khu dân cư tiên tiến”.

 

Kết quả thực hiện phong trào đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người lao động; khơi dậy và phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tinh thần đoàn kết tương thân tương ái ở cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, phong trào đã góp phần phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và quy ước, hương ước của cộng đồng, hăng hái tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các ngành, các cấp phát động. Từ phong trào, đã có 87% khu dân cư được ghi nhận thực hiện tốt nếp sống văn minh; trên 500 lượt giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể được bảo tồn bằng nguồn kinh phí nhân dân tự nguyện góp. 85,5% thôn làng không có tệ nạn xã hội; 63,6% xã, phường đạt chuẩn lành mạnh không tệ nạn xã hội; 80% thôn, làng, tổ dân phố thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; 285/286 xã, phường, thị trấn (99,65%) có nhà văn hoá, 100% có sân chơi thể thao và tiêu chuẩn này ở cấp thôn làng đạt tỷ lệ 73,5%.

 

Có thể khẳng định, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá  ở Thái Bình đã khơi dậy và phát huy các giá trị tốt đẹp, bài trừ các tệ nạn và hình thành nếp sống văn hoá mới. Cũng chính từ thực hiện tốt phong trào, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp được khẳng định; đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được chăm lo và từng bước nâng cao; góp phần không nhỏ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT- XH.

 

 

Theo Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm