Vào thời điểm mới lên sóng, năm 2004, mặc dù không được xếp vào khung “giờ vàng” nhưng MKKS vẫn trở thành hiện tượng truyền hình khi thu hút đông đảo khán giả truyền hình không thua các phim giờ vàng ăn khách. Chưa kể HTV đã cho phát hành đĩa và tiêu thụ đến hơn 60.000 bản (một mức kỷ lục) ngay trong lúc phim vẫn đang phát sóng.
Với 70 tập phim (20 phút/tập), hành trình khám phá dòng Mekong dài hơn 4.800km, chảy qua 6 nước, như đưa khán giả bước từ thế giới này sang thế giới khác của những nền văn hóa mang màu sắc khác nhau. Dòng sông kỳ bí với khung cảnh hoang sơ diễm lệ, những không gian tôn giáo đầy huyền hoặc, những tâm hồn phóng khoáng giữa bảng lảng mây trời hoặc sông nước mênh mông đủ sức níu chân bất cứ ai dù chỉ qua màn ảnh. Như một tất yếu, MKKS trở thành chủ nhân của giải Cánh diều Vàng 2005 cho thể loại phim tài liệu và hàng loạt giải thưởng truyền hình khác; cũng như chinh phục những khán giả khó tính nhất lẫn những ai quen định kiến phim tài liệu Việt Nam chỉ có tuyên truyền với giáo điều. Nhìn lại sự thờ ơ, lạnh nhạt của công chúng với dòng phim tài liệu trước đây - dù phim tài liệu Việt Nam chưa bao giờ bị đánh giá thấp - thì thành công ngoài mong đợi của MKKS đã tạo nên bước ngoặt để thể loại tài liệu, phóng sự truyền hình chuyển mình tìm đến rộng rãi công chúng hơn là chỉ bó hẹp ở một lượng hạn chế khán giả “hàn lâm”.
“Thừa thắng xông lên”, hàng loạt ký sự đường xa: Ký sự hỏa xa - Hành trình xuyên lục địa, Ký sự Amazon, Huyền bí sông Hằng, Hành trình theo chân Bác, Trở lại Volga, Bên dòng Missisipi, Ký sự Tân Đảo, Hành trình theo dấu ba vua… lần lượt lên sóng HTV dần định hình một dòng phim ký sự khám phá “made in Vietnam”. Giám đốc Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS) Nguyễn Việt Hùng, đơn vị sản xuất MKKS và loạt ký sự kể trên, cho biết: “Sự hình thành và phát triển dòng phim ký sự trên HTV là tất yếu, không phải là ý tưởng bất chợt, mới nảy sinh qua thành công của MKKS. Thực tế, TFS đã có nhiều bước thử nghiệm cho dòng phim này mà các phim Trung Hoa du ký, Cuba vẫn sống, Paris hoa lệ… được sản xuất từ năm 2000 trở về trước là những bài học đầu tiên. Từ đó TFS đúc kết nhiều kinh nghiệm và học hỏi thêm để cho ra đời sản phẩm hoàn chỉnh là MKKS. Đã sẵn ý đồ hướng ống kính ra bên ngoài nhằm phát huy thêm “thương hiệu” phim tài liệu TFS, lại được cộng hưởng từ nhu cầu thực tế của khán giả, cũng như được khích lệ từ hiệu ứng MKKS nên HTV và TFS mạnh dạn tiếp tục định hình và phát triển thể loại ký sự khám phá đầy hấp dẫn nhưng cũng rất khó làm này”.
Tác Nghiệp trên dòng Mekong
Nếu MKKS đã “khơi nguồn” cho dòng phim ký sự khám phá của Việt Nam thì các dòng sông khác như Amazon, Volga, sông Hằng… tiếp tục đo lường sự quan tâm của khán giả, phát huy sức hấp dẫn của thể loại. Có cầu thì ắt có cung, TFS không còn giữ thế độc quyền khi nhiều đơn vị bắt đầu để ý đến thể loại truyền hình đang trở thành “mốt” này. Trong đó, Sài Gòn Tiếp thị Film (SGTT) nổi bật là đơn vị chuyên nghiệp, có tâm huyết và tạo được phong cách trong việc theo đuổi dòng phim ký sự đầy rẫy thử thách. Sau ba năm thành lập ban truyền hình, cho ra đời khoảng 300 tập phim mà nổi bật là: Ký sự Vạn Đảo, Đi qua miền Phật tích, Khám phá vùng đất tận cùng thế giới, Khám phá những dòng sông Việt, Những bộ tộc nhỏ bé giữa đại ngàn… phát sóng trong chương trình Bước chân khám phá (trên HTV9) và Việt Nam ngày nay (trên VTV4), dòng phim “discovery Vietnam” của SGTT để lại nhiều dấu ấn ở sự chân thật và gần gũi, sức hút đôi khi không đến từ những vùng đất xa lạ mà từ những trải nghiệm thực tiễn sống động của người làm phim.
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) lại chọn cho mình hướng đi riêng ở thể tài khoa học khám phá thiên nhiên, và đã bước đầu gặt hái thành công qua những Rùa xanh Côn Đảo, Chuyện loài rắn, Tiếng gọi voọc Cát Bà… phát sóng trong chương trình Những mảnh ghép cuộc sống trên VTV2 (mà cảnh quay đẹp đến nỗi bị nghi là “đạo” từ Discovery Channel). Bên cạnh đó, tuy không ồ ạt như thời sản xuất gameshow nhưng một số đơn vị tư nhân cũng cho thấy sự nghiêm túc trong việc tiếp cận thể loại vốn nhiều tốn kém này như: Công ty BHD với Ký sự Tân Đảo, Hành trình theo dấu ba vua (kết hợp với TFS), Công ty Lasta với chương trình truyền hình thực tế Hành trình lên đỉnh Everest, Dolphin media với Ký sự Thăng Long (kết hợp với VTV), Mekong Film với dự án Khám phá Việt Nam…
Các đài tỉnh cũng dành sự quan tâm không nhỏ cho ký sự truyền hình. Đi đầu phải kể đến Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) với chương trình Nhịp sống đồng bằng (ra đời từ năm 2005) phản ánh sinh động những sinh hoạt văn hóa, xã hội của người dân đồng bằng sông Cửu Long được khán giả đồng bằng rất yêu thích. Đến nay với những: Ký sự vùng biên, Ký sự trên đất bạn, Ấn tượng Tây Nguyên, Hành trình theo dòng Vĩnh Tế…, THVL là một trong số ít đài tỉnh “chịu chơi” tự sản xuất ký sự phục vụ phát sóng. Thời gian gần đây, Đài Truyền hình Đồng Tháp cũng gây được sự chú ý với những ký sự dài như: Đồng Tháp - Đất và người, Thương quá Lào ơi!, Qua miền ký ức (đi xuyên Đồng Tháp Mười trên ghe bầu)… Khu vực phía Bắc, Đài Truyền hình Thái Nguyên có các ký sự Người Thái Nguyên ở Thủ đô, Những nẻo đường Việt Bắc…
Năm 2010 được xem là năm “được mùa” của ký sự về Hà Nội khi hàng loạt dự án được khởi động nhằm chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội: Thăng Long - Hà Nội: ngàn năm thương nhớ (TFS), Đường về Thăng Long - Hà Nội (dài 34 tập, đang giữ kỷ lục về phim ký sự dài nhất của Đài Truyền hình Đồng Tháp), Ký sự Thăng Long (VTV và Dolphin Media), có cả những ký sự nhập vai là Thăng Long nhân kiệt, Ký sự Thiên Đô, Đường về thành Thăng Long…
Vẫn chỉ là khởi đầu
“Vài năm trở lại đây, có vẻ phim ký sự đang là một thể loại thời thượng khi nhiều nơi, nhiều người làm, với đủ đề tài: văn hóa lịch sử, thiên nhiên môi trường, khoa học khám phá, cả nội dung thiên về chính trị… Đây là tín hiệu đáng mừng cho thể loại ký sự khám phá vốn đòi hỏi nhiều công sức mà lại kén khán giả này. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới ở giai đoạn “vỡ hoang” thôi, vẫn cần thêm nhiều thời gian để dòng phim tài liệu ký sự Việt Nam có thể khẳng định được giá trị của mình”, nhà biên kịch Nguyễn Hồ, nguyên Giám đốc TFS, người đã tham gia thực hiện nhiều ký sự như Trung Hoa du ký, MKKS, Ký sự Tân Đảo, Hành trình theo dấu ba vua…, nhận xét.
Thực tế, thời gian qua, ký sự khám phá “made in Vietnam” chỉ nở rộ về lượng chứ chưa thực sự có bước tiến về chất. Đến nay, MKKS vẫn được xem là “đỉnh cao”. Không còn tìm thấy sự tươi mới, chất khám phá đầy quyến rũ như đã bắt gặp ở MKKS nữa, mà sự dàn trải, hình thức, hơi hướng “cưỡi ngựa xem hoa” bàng bạc trong những ký sự về sau. Chất lượng trồi sụt của các ký sự “hậu MKKS” đã đặt ra nhiều dấu hỏi cho sự phát triển của thể loại này. Vẫn còn đó một Huyền bí sông Hằng thực sự huyền bí, một Bên dòng Missisipi mới mẻ ngay cả với chính người Mỹ… nhưng Ký sự hỏa xa, Ký sự Amazon… đã thấy lan man và kiểu “du lịch qua màn ảnh nhỏ”. Được trông đợi nhiều nhất nhưng Hành trình theo chân Bác lại gây thất vọng lớn khi chẳng đem lại mấy thông tin mới mẻ cho người xem về quá trình hoạt động của Bác ở nước ngoài, mà từ tập này sang tập khác khán giả chỉ thấy MC “dạo phố” và đọc những lời cảm nghĩ sáo mòn…
Tất nhiên không thể đòi hỏi mọi ký sự đều phải đạt “ngưỡng” của MKKS, tác phẩm “đỉnh cao” của TFS phải mất 5 năm mới hoàn thành (trong khi các ký sự về sau chỉ được thực hiện trong vài tháng). Nhưng khán giả vẫn khó tính.Trong thời buổi mà mỗi cái click chuột đã bày ra trước mắt mọi người những chân trời kiến thức, những thước phim discovery “hàng hiệu” dễ dàng tìm thấy trên mạng, đòi hỏi nhà làm phim phải thực sự “khám phá” ngay trên những vùng đất tưởng như quen thuộc nhất. Tiếc thay phim ký sự Việt Nam vẫn chưa chạm được vào bề sâu này. Nếu không có Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội thì có lẽ những nhà làm phim ký sự vẫn còn rong ruổi mãi nơi xa chứ chưa mấy ai chịu quay về khám phá mảnh đất quê hương…
Việt Nam đã có dòng phim ký sự khám phá (discovery) nhưng liệu dòng phim hấp dẫn này có tiếp tục phát triển hay sẽ đến hồi lụi tàn thì còn cần thêm thời gian kiểm chứng cũng như trông cậy vào tài năng và tâm huyết của người làm phim.
Theo thethaovanhoa online