Cập nhật: 16/07/2011 10:15:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Văn hóa phẩm là sản phẩm hàng hóa đặc thù, tác động đến đời sống văn hóa, tinh thần, góp phần hình thành ý thức, nhận thức nhu cầu thẩm mỹ của công chúng. Vì vậy, công tác quản lý văn hóa phẩm đòi hỏi những đặc thù riêng và đặc biệt cần có hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch.

Xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm luôn là hoạt động thường xuyên, liên tục, diễn ra tại khắp nơi, từ biên giới đất liền đến cảng biển, cảng hàng không, từ các dịch vụ chuyển phát bưu chính quốc tế truyền thống đến các dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế theo xu hướng ngày càng phát triển nhanh về quy mô, số lượng và đa dạng do các ứng dụng hiệu quả của tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào việc ghi chép, lưu trữ thông tin, hình ảnh. Vì thế, văn hóa phẩm xuất hiện trên thị trường nước ta ngày càng phong phú, đa dạng, trong đó có các sản phẩm chính như băng đĩa, sách báo, phim ảnh, hàng trang trí nghệ thuật… Thường những sản phẩm này chứa đựng giá trị tinh thần nhiều hơn giá trị vật chất, bởi nó có tác động tức thời và hiệu quả về tư tưởng, tình cảm của những người tiếp cận, sử dụng chúng.

 

Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhờ cải cách thủ tục cấp phép và quy định thông thoáng nên số lượng văn hóa phẩm nhập khẩu vào nước ta là rất lớn, chủng loại phong phú, đa dạng. Trung bình mỗi năm, ngành văn hóa cấp khoảng 5.000 giấy phép với khoảng hơn 6 triệu văn hóa phẩm các loại. Số lượng các văn hóa phẩm vi phạm cũng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng trong năm 2009 là 25.908 đơn vị, năm 2010 là 31.091 đơn vị văn hóa phẩm có nội dung vi phạm như đồi trụy, khiêu dâm, bạo lực, phản động… Phó chánh thanh tra Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Quốc Quỳ chỉ ra một trong những hạn chế của việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm là hệ thống văn bản về quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm kinh doanh và không kinh doanh chưa được đồng bộ, gây khó khăn khi áp dụng giải quyết thủ tục xuất, nhập khẩu. Mặt khác, cách hiểu và cách áp dụng quy định tại mỗi địa phương, đơn vị có khi khác nhau làm phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện.

 

Phó cục trưởng Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Nghiệp đưa ra ví dụ cụ thể về sự không đồng nhất của các văn bản luật trong việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm. Đơn cử như việc xử phạt vi phạm hành chính đối với văn hóa phẩm hiện nay, ngoài quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với hành vi vi phạm nhập khẩu văn hóa phẩm không được phép được quy định tại Nghị định 97/2007/NĐ-CP và Nghị định 18/2009/NĐ- CP, còn có nghị định 75/2010/NĐ-CP ngày 12.7.2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa. Theo quy định tại các nghị định trên thì cơ quan hải quan và cơ quan văn hóa đều có thẩm quyền xử phạt với văn hóa phẩm vi phạm, bên cạnh đó, mức xử phạt của các nghị định nêu trên cũng khác nhau, rất khó thống nhất cơ sở pháp lý và nghị định áp dụng khi xử phạt.

 

Kể từ ngày 1.10.2008, việc cấp phép văn hóa nhập khẩu bao gồm sản phẩm xuất bản do hai sở là Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông. Trên thực tế  một số lô hàng nhập khẩu của đơn vị, cá nhân bao gồm văn hóa phẩm và xuất bản phẩm nên phải xin giấy phép tại hai sở. Việc này khiến một số tổ chức, cá nhân phàn nàn. Bên cạnh đó, thời gian giải quyết cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh tại Sở Thông tin và Truyền thông là 10 ngày làm việc áp dụng theo điều 18b (bổ sung), Nghị định 11/2009/NĐ- CP ngày 10.2.2009 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 111/2005/NĐ-CP ngày 26.8.2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản; trong khi đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện giải quyết cấp phép văn hóa phẩm bao gồm xuất bản phẩm là 2 ngày làm việc theo Nghị định 88 kể từ ngày 7.11.2002. Sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật trên đã gây rất nhiều phiền phức cho cả người dân, doanh nghiệp và chính cơ quan quản lý khi áp dụng luật.

 

Cách hiểu và vận dụng thực hiện Nghị định 88 của các cơ quan quản lý cũng khác nhau, cụ thể là giữa hải quan và cơ quan quản lý văn hóa. Theo cơ quan quản lý văn hóa phẩm xuất nhập khẩu thì để giảm bớt thủ tục hành chính chỉ nên thực hiện theo cơ chế trưng cầu, nghĩa là văn hóa phẩm hải quan xét thấy phải kiểm tra nội dung thì chuyển trưng cầu cơ quan giám định văn hóa phẩm. Theo hải quan, ngoài trưng cầu, trước đó, cơ quan quản lý văn hóa cũng phải cấp giấy phép chuyên ngành để phù hợp với quy định bên lĩnh vực hải quan. Bên cạnh đó, việc trưng cầu thường hải quan chuyển qua một đầu mối tập trung là cơ quan giám định văn hóa phẩm trong khi Nghị định 88 quy định là trưng cầu cơ quan quản lý chuyên ngành, khiến cơ quan văn hóa phải thêm một công đoạn nữa là phân loại và làm thủ tục chuyển cơ quan quản lý chuyên ngành khác thẩm định nội dung. Ví dụ, nội dung tôn giáo phải chuyển Ban Tôn giáo, y tế phải chuyển Sở Y tế, giáo trình dạy học phải chuyển Sở Giáo dục... Chính những sự không đồng nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật cũng như những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn đã khiến cho công tác quản lý văn hóa phẩm xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Việc quản lý văn hóa phẩm - hàng hóa thuộc lĩnh vực nhạy cảm - nên hành lang pháp lý thống nhất là một trong những điều kiện để việc quản lý được thông suốt.

 

Có ý kiến cho rằng, quản lý văn hóa cũng như việc trị thủy một con sông, phải biết hãm con nước quá hung hãn đúng lúc nhưng cũng không được gây trở lực cho dòng chảy sáng tạo. Cùng với việc hội nhập, những thay đổi và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ đang là một thách thức lớn đối với công tác quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, kiểm soát các sản phẩm văn hoá xuất nhập khẩu và lưu hành trên thị trường nội địa. Vì thế, việc quản lý xuất, nhập khẩu văn hóa phẩm ngoài việc cần cái tâm của nhà quản lý thì trên hết, nhà quản lý cũng cần kiến thức nhất định về văn hóa nghệ thuật để thẩm định chính xác giá trị các loại văn hóa phẩm trước khi cho phép phát hành rộng rãi đến công chúng. Công tác quản lý văn hóa phẩm, đặc biệt trong giai đoạn mới phải nhằm mục đích thúc đẩy tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa phong phú, hấp dẫn công chúng, có chất lượng cao, có giá trị tư tưởng tốt và mang tính nhân văn sâu sắc.

 

 

 

Theo Thanh Hà/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm