Cập nhật: 21/07/2011 15:48:32 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nếu như việc cho ra đời những bộ phim giải trí thị trường có thể gặp thuận lợi về mọi mặt từ kịch bản, trường quay đến sự tiếp nhận của công chúng thì để có một bộ phim chính luận, ê-kíp sản xuất phải đối mặt với đủ mọi khó khăn, trong đó khó nhất là khâu chọn bối cảnh, mượn trường quay…

 

 

Dân không thích, chính quyền sợ...

 

Có lẽ không đoàn làm phim chính luận nào lại không than thở chuyện khó mượn bối cảnh. Dòng phim này chủ yếu đề cập những vấn đề tiêu cực, nhạy cảm, những mặt trái của xã hội nên các đạo diễn thường phải nhọc công tìm, chọn bối cảnh thật, có tính thuyết phục cao để lột tả hết nội dung phim. Cũng vì thế mà rất khó mượn được bối cảnh.

 

Đạo diễn phim Chủ tịch tỉnh Bùi Huy Thuần kể: “Nhiều phim, tôi và ê-kíp của mình phải mất mấy tháng trời để tìm bối cảnh. Có phim cho đến tận những ngày cuối cùng mới quay được cảnh chính, như Ngôi biệt thự màu tro lạnh đang phát sóng chẳng hạn. Không một nhà dân nào chịu “chứa chấp” chúng tôi. Họ không muốn người xem nghĩ rằng chính nhà mình là nhà của quan tham, lại còn có mấy cái xác chết trong đó. Với phim Chủ tịch tỉnh cũng thế. Đi tới tỉnh nào, khi biết đây là phim nói về việc chạy chức chạy quyền của các quan chức đầu tỉnh, họ đều lảng. May thay, cuối cùng có Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Ninh đồng ý giúp đỡ. Họ cho mượn cả phòng làm việc của chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh và các bối cảnh khác trong suốt quá trình quay. Tuy nhiên, để “giữ gìn hình ảnh” cho tỉnh và tránh gây cho khán giả những hiểu lầm không đáng có, chúng tôi đã phải hư cấu thêm nhiều chi tiết.

 

Không “gặp may” như đoàn làm phim Chủ tịch tỉnh, đoàn làm phim Vùng đất không yên tĩnh của đạo diễn Nhâm Minh Hiền đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt để có được bối cảnh trường quay. Anh cho biết: “Vì phim phê phán một nhà máy xả nước thải độc hại vào môi trường nên không có công ty nào đồng ý cho đoàn làm phim mượn bối cảnh hay sử dụng hình ảnh đơn vị họ. Cuối cùng, đoàn đã phải tự dựng bối cảnh một nhà máy hoàn toàn mới, rất kỳ công và tốn kém”.

 

Lý giải cho những khó khăn, vất vả này, các nhà làm phim đều bảo, đó là vì kinh phí cho mỗi tập phim chính luận quá eo hẹp và cũng vì cách làm phim của chúng ta đến nay vẫn ở dạng bán chuyên nghiệp. Từ một chuyện tưởng đơn giản nhất là bối cảnh cũng phải phụ thuộc vào “lòng hảo tâm” của người dân và chính quyền các địa phương. Chẳng thế mà, bao thế hệ các nhà làm phim Việt vẫn cứ nuôi mơ ước: Giá như… có cái trường quay!

 

Vì gai góc nên “khó nhằn”

 

Không chỉ bởi mỗi nỗi khổ trường quay mà những người trong nghề lại gán cho các bộ phim thuộc dòng chính luận cái tên “phim 3K”: ngoài Khổ còn có Khô và Khó.

 

Chuyện khó để có được một kịch bản hay cho dòng phim chính luận cũng là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Bởi những biên kịch chuyên về mảng này không nhiều. Và dù là những cây viết lão luyện nhất thì cũng phải mất nhiều năm, thậm chí cả đời mới “đẻ” được một kịch bản hay. Để có được kịch bản “hôi hổi chất thời sự” như Chạy án từng gây chấn động dư luận cách đây vài năm, nhà văn, nhà báo Nguyễn Như Phong đã phải tích lũy kinh nghiệm làm báo cả đời từ những vụ việc thực tế. "Viết kịch bản phim chính luận đòi hỏi nhà biên kịch phải có nhãn quan sâu, hiểu biết rộng, trình độ chính trị vững vàng, có khả năng khái quát các vấn đề nóng của xã hội và phải biết xử lý đề tài khéo léo bằng ngôn ngữ điện ảnh. Đây là những yêu cầu quá sức đối với các biên kịch trẻ. Vì thế chẳng có gì lạ khi kịch bản phim chính luận lại ít và khó hay như vậy” - nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả kịch bản của hàng loạt bộ phim chính luận có tiếng như Chuyện làng Nhô, Ma làng, Luật đời, Gió làng Kình… lý giải.

 

Điều kiện sản xuất phim chính luận cũng khó khăn hơn các đề tài khác rất nhiều. Nó thách thức và gây áp lực với cả các đạo diễn có tài, nhà quay phim lành nghề. Vì là dòng phim nặng về lý luận, đường lối nên nếu làm không khéo rất dễ rơi vào khô khan, giáo điều, không hấp dẫn được khán giả. Không khéo nữa còn dễ “động chạm”, dễ “gây tai nạn” và nguy cơ phải đối mặt với búa rìu dư luận hay không qua được khâu kiểm duyệt.

 

Phim chính luận còn rất kén diễn viên cũng như khán giả. Trong khi phim giải trí thì hầu như ai cũng có thể đóng được, ai cũng xem được thì dòng phim này lại chỉ hợp với những đối tượng cụ thể. Đạo diễn Quốc Trọng chia sẻ: “Ví như bộ phim Bí thư tỉnh ủy của tôi chẳng hạn, nhân vật bí thư là nhân vật có thật, nổi tiếng ngoài đời nên không dễ gì để chọn được một diễn viên phù hợp, có những điểm tương đồng về ngoại hình, tính cách. Nếu như anh Dũng Nhi không nhận vai thì không biết phải mất thêm bao nhiêu thời gian, công sức tìm người thay thế bởi không phải ai cũng có thể vào được vai ấy”.

 

Đó là chưa kể những áp lực từ chuyện thù lao, cát-sê và doanh thu quảng cáo đều là những lực cản vô hình và rất lớn đối vi các nhà sản xuất phim chính luận. Thế cho nên, tuy là một món “đặc sản” của ngành truyền hình nhưng phim chính luận lại bị nhiều nhà sản xuất né tránh và những bộ phim có tầm vẫn luôn là của hiếm.

 

 

Theo Lê Thái An/SK & ĐS Online

Tệp đính kèm