Cập nhật: 24/09/2011 10:49:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sau hai năm tiến hành, đến nay Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã sưu tầm, phiên âm dịch nghĩa được 300 đạo sắc phong, sắc chỉ với nội dung phong phú.

300 đạo sắc phong, sắc chỉ bao gồm sắc phong Thiên thần, Nhân thần, phong thưởng người có công, các loại thần kỳ địa phương…, tổng cộng gần 700 trang cùng 2 đĩa CD-Rom ghi lại kết quả số hóa toàn bộ các sắc phong, sắc chỉ sưu tầm được.

 

Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đang hướng tới mục tiêu xây dựng một phông dữ liệu về loại hình sắc phong của triều Nguyễn, nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu về loại hình tư liệu đặc biệt này để phục vụ công tác nghiên cứu; đồng thời nhằm bảo tồn một loại hình văn bản quý bằng phương pháp hiện đại, hỗ trợ cho nhân dân địa phương về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống.

 

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân địa phương về tầm quan trọng của sắc phong, sắc chỉ và phương pháp bảo vệ, giữ gìn loại hình văn bản quý này trước các tác động của thời gian, thiên tai hay nạn mất cắp đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.

 

Mặt khác, Trung tâm còn tiếp nhận, bảo quản tốt những sắc phong, sắc chỉ còn lưu giữ trong nhân dân. Nhà sưu tầm cổ vật Đoàn Phước Thuận, Chủ nhiệm Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Phú Yên trao tặng Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế 4 sắc phong thuộc các triều vua nhà Nguyễn là Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân, Khải Định, nội dung sắc phong cho Triệu Việt Vương và công chúa Liễu Hạnh.

 

Đặc biệt, nhà nghiên cứu Phan Thuận An đã tìm thấy tại tủ sánh gia đình ở Phủ Ngọc Sơn Công Chúa (là con Vua Đồng Khánh, em vua Khải Định, cô ruột vua Bảo Đại) 2 tờ Châu bản và 1 văn bản chữ Hán viết trên giấy dó do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ từ hơn 250 năm nay.

 

Hai tờ Châu bản này đều có bút tích Ngự phê của vua Bảo Đại, với nội dung liên quan đến việc ban thưởng cho các cá nhân, tổ chức có công lao trong việc gìn giữ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Tờ Châu bản thứ nhất đề ngày 15/12 năm Bảo Đại thứ 13 (3/2/1939) truy tặng Huy chương Long tinh của Nam triều cho ông Liuis Pontan, Chánh cai đội thượng hạng nhất của đội lính Khố xanh trú đóng tại đảo Hoàng Sa vốn qua đời do bệnh nặng trong quá trình công tác tại Hoàng Sa.

 

Tờ Châu bản thứ 2 đề ngày 27/12 năm Bảo Đại thứ 13 (15/2/1939) tặng Huy chương Long tinh cho đơn vị lính Khố xanh ở Trung Kỳ đã có công trong việc dẹp loạn "man di" ở miền núi và lập đồn thủ ở đảo Hoàng Sa.

Văn bản chữ Hán, viết trên giấy dó, do làng Mỹ Lợi, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc cất giữ từ hơn 250 với nội dung là giải quyết vụ tranh kiện giữa phường Mỹ Toàn (làng Mỹ Lợi ngày nay) và phường An Bằng (làng An Bằng ngày nay) về chiếc ghe của đội Hoàng Sa do quan sở tại phê phó. Văn bản này là minh chứng về việc nhà nước thời Lê đã có biên chế đội Hoàng Sa chuyên trách tuần tiểu và trấn giữ quần đảo Hoàng Sa.

 

Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên-Huế, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh cũng vừa tổ chức triển lãm tài liệu Hán-Nôm tại thành phố Huế.

 

Triển lãm đã giới thiệu trên 15 đầu tài liệu với 50 bản gốc gồm sắc phong, văn bản đất đai, quy chế của phủ các ông hoàng, bà chúa... Bản số hóa, phục chế gồm có 24 sắc phong, hàng trăm trang tài liệu phục chế số hóa đã được thực hiện ở các dòng họ tại thành phố Huế và một số địa phương như gia phả, giấy chứng nhận, bài thi hương, sách thuốc, bộ binh cấp, đề bạt chức vụ quan lại triều Nguyễn.../.

 

 

 

Theo Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)

Tệp đính kèm