Mặc dù từng được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt, nhưng với cách làm hiện nay, giờ đây phim tài liệu đành ngậm ngùi ôm một giấc mơ
Phim tài liệu Việt từng có một thời vẻ vang. Còn nhớ năm 1987, hai bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” với thời lượng 50 phút của đạo diễn Trần Văn Thủy luôn ở tình trạng “sốt” vé. Còn hiện nay, nếu không có các hội thảo, liên hoan phim, có lẽ phim tài liệu không có cơ hội được chiếu tại rạp.
Khoảng cách giữa phim nội và phim ngoại
Tháng 6 vừa qua, Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 tại Việt Nam được tổ chức theo một hình thức mới là, mỗi buổi chiếu chọn những bộ phim tài liệu Việt Nam chiếu song song cùng những phim tài liệu của các nước châu Âu có cùng đề tài. Bằng cách đặt này, Ban tổ chức muốn tạo ra những “cuộc đối thoại” giữa các nhà làm phim trong nước với các nhà làm phim châu Âu.
Từ “cuộc đối thoại” này, phim tài liệu “nội” đã bộc lộ những điểm yếu, cho người xem thấy một khoảng cách về chất lượng cũng như hình thức thể hiện giữa phim tài liệu Việt và phim nước ngoài. Phần lớn phim tài liệu Việt quá nhiều lời bình, hình ảnh ít, không hấp dẫn được người xem.
Theo nhà biên kịch Vũ Thu Phong, đây cũng là nhược điểm lớn nhất của phim tài liệu Việt Nam. Người nước ngoài khi làm phim tài liệu, họ thường để cho nhân vật tự kể câu chuyện của mình mà ít dùng lời bình. Như vậy câu chuyện sẽ trở nên khách quan hơn. Các nhà làm phim Việt Nam lại thích “định hướng” khán giả bằng lời bình. Chính vì điều này mà phim tài liệu Việt thường mang tính áp đặt, nội dung tản mạn, không thuyết phục được người xem. Không làm cho khán giả tin vào câu chuyện thể hiện - đó là một thất bại của phim tài liệu Việt Nam.
Còn theo NSND Thế Anh, giống như phim truyện, chất lượng phim tài liệu của chúng ta cũng còn nhiều vấn đề cần bàn, mà yếu tố đầu tiên là thiếu một kịch bản sâu sắc, thiếu tính thực tế. Cùng quan điểm này, Đạo diễn, NSND Đào Trọng Khánh lý giải: “Vấn đề sâu xa hơn là quan điểm làm phim tài liệu của các nhà làm phim Việt Nam. Khi khai thác một vấn đề nào đó, chúng ta vì quá e ngại mà có lúc không đề cao các quan điểm nghệ thuật bằng quan điểm chính trị. Như thế thì phim không hay và bị chủ quan. Trong khi đòi hỏi của phim tài liệu là sự khách quan. Bệnh chung của phim tài liệu, cũng giống như bệnh chung của văn học nghệ thuật hiện nay là nhạt. Một số đạo diễn chưa thực sự tâm huyết, chưa thực sự sống chết với công việc của mình. Một kịch bản vô hồn, đơn giản thì đương nhiên những thước phim cũng sẽ đơn giản”.
“Đất nước không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”
Thông điệp trên của Liên hoan phim tài liệu quốc tế lần thứ 3 tại Hà Nội mới đây đáng để cho tất cả chúng ta suy nghĩ. Thế mạnh của phim tài liệu là trực tiếp phản ánh hiện thực, không hư cấu. Hiện thực là điều tối cao của phim tài liệu. Và hiện thực đó phải có sức mạnh, hấp dẫn người xem. Bí quyết để có phim tài liệu hay chỉ nằm ở việc chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm và kể một cách hấp dẫn, chân thực, làm sao chạm vào những “huyết mạch” của toàn xã hội. Để làm được như vậy, người làm phim tài liệu phải biết nhiều, thấy nhiều, chọn lựa những chi tiết sâu sắc nhất.
Nhiều năm trước, phim tài liệu vốn là một thế mạnh của điện ảnh Việt và là niềm tự hào của điện ảnh Việt Nam, với nhiều giải thưởng quan trọng tại các liên hoan phim quốc tế lớn. Lê Mạnh Thích là đạo diễn nổi tiếng của thể loại phim tài liệu, giành nhiều giải thưởng cao quý trong nước và quốc tế như: phim tài liệu “Đường dây lên sông Đà” đoạt giải Bồ câu vàng tại LHP tại Đức (1982), phim “Chìm nổi Sông Hương” giành danh hiệu "Kịch bản xuất sắc" tại LHP Nhật Bản (1995). Tại Thượng Hải năm 1996, phim “Cuộc hội ngộ sau 30 năm” của ông đoạt giải "Phim tài liệu xuất sắc" trong LHP Truyền hình châu Á - Thái Bình Dương. Năm 1998, đạo diễn Lê Mạnh Thích lại mang về Kỷ niệm chương dành cho "Phim ngắn hay nhất" tại LHP châu Á - Thái Bình Dương (Đài Loan) với phim “Trở lại Ngư Thủy”. Hay đạo diễn Lại Văn Sinh đoạt giải "Phim tài liệu xuất sắc" nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương năm 2000 - tổ chức tại Việt Nam với phim “Chị Năm khùng”; đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Minh Hải đã giành giải "Phim tài liệu xuất sắc" với bộ phim “Luôn ở bên con” tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ nhất tháng 10/2010.
Để phim tài liệu Việt tiến kịp xu thế chung của phim tài liệu thế giới hiện nay thì còn quá nhiều việc phải bàn. Đạo diễn Nguyễn Như Vũ - người có nhiều phim giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế cho rằng: Phim tài liệu là câu chuyện thật, hình ảnh thật, nhân vật thật. Muốn làm một bộ phim có thời lượng lớn thì phải tìm được vấn đề hay, nóng, phải va đập với cuộc sống, gây được sự háo hức, thú vị với khán giả…
Nhưng ngay cả trong phim tài liệu hiện nay, chúng ta cũng vẫn né tránh những vấn đề nóng. Theo Đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh, cách tư duy của người làm phim tài liệu ở Việt Nam còn đi theo lối mòn. “Nếu anh nhìn nhận lịch sử, văn hóa và những hiểu biết khác ở tầm thấp, không đạt đến cái “siêu việt” thì phim anh không thể hay. Tôi cảm giác như chúng ta mới chỉ tư duy theo “chiều ngang”, chứ chưa theo chiều “thẳng đứng”, nên phim thiếu sự đột phá, thiếu những xúc cảm bất ngờ... Sự sáng tạo, đổi mới phải được nằm trong chính tư duy của người làm phim thì mới làm khán giả thăng hoa”, Đạo diễn - NSND Đào Trọng Khánh trăn trở.
Nhiều phim tài liệu của các đạo diễn nước ngoài mang tới dự liên hoan phần lớn đã được chiếu chính thức ngoài rạp, bán vé và đạt doanh thu rất tốt. Có những phim doanh thu còn cao hơn một bộ phim truyện nhựa bình thường ở các nước châu Âu. Chẳng hạn như các bộ phim “Sự biến đổi của một nhà ga”, “Dòng sông Congo” của đạo diễn người Bỉ T.Michell không những đoạt giải thưởng cao mà còn thành công cả về mặt doanh thu. Còn với phim tài liệu Việt, mặc dù từng được coi là niềm tự hào của điện ảnh Việt, nhưng với cách làm hiện nay, giờ đây vẫn còn ngậm ngùi ôm một giấc mơ được... ra rạp./.
Theo Mai Hồng - Lê Thu/
Báo TNVN/ vovnews.vn