Cập nhật: 08/11/2011 14:24:04 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ra đời từ năm 2004, đến nay Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Viện Âm nhạc, gồm hàng nghìn dữ liệu hình ảnh, âm thanh, văn bản về các loại hình nghệ thuật độc đáo của 54 dân tộc, bước đầu đã được giới thiệu với công chúng, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.

Sưu tầm, lưu trữ, nghiên cứu các tác phẩm, loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống là một trong những biện pháp quan trọng nhằm gìn giữ, phát huy nghệ thuật dân tộc. Nhiệm vụ này cũng được đưa ra trong đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật biểu diễn truyền thống giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, đang được Bộ VH, TT và DL trình Chính phủ phê duyệt. Hiện các di sản nghệ thuật truyền thống đã được sưu tầm, bảo tồn tại các ngân hàng dữ liệu của Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam và tại Viện Âm nhạc. Trong đó, Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam của Viện Âm nhạc được coi là một trong những ngân hàng đầu tiên hình thành được đầy đủ dữ liệu, thông tin liên quan về các thể loại âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các dân tộc trên mọi miền đất nước.

 

Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

 

Hiện phần mềm của hệ thống Ngân hàng dữ liệu âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam cho phép cập nhật những thông tin dưới dạng hình ảnh, âm thanh và văn bản, bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Nội dung truy cập có 3 phần chính, trong đó phần 1 là hệ thống phân loại âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, chia làm 7 mục lớn: âm nhạc dân gian, âm nhạc chuyên nghiệp cổ truyền, âm nhạc cung đình, sân khấu ca kịch truyền thống và diễn xướng dân gian, múa dân gian cổ truyền chuyên nghiệp, múa rối, nhạc cụ và các dàn nhạc chuyên nghiệp. Phần 2 là các chương trình nghe nhìn âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, gồm các chương trình CD, VCD, DVD do Viện Âm nhạc xuất bản. Phần 3, những tài liệu liên quan đến âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, gồm 8 mục: tài liệu nghiên cứu, phê bình, lý luận; hồ sơ lý lịch nghệ nhân và nghệ sỹ; báo cáo điền dã; thư tịch cổ; sách xuất bản; tư liệu ảnh; những bản ký âm; phiếu dữ liệu.

 

Phó viện trưởng Viện Âm nhạc, Ts Nguyễn Bình Định cho biết: thời kỳ đầu, nội dung của Ngân hàng dữ liệu chủ yếu dựa trên cơ sở các băng hình, băng tiếng và văn bản có sẵn trong kho tư liệu của Viện Âm nhạc. Tính đến tháng 7.2010, Viện đã lưu giữ 18.045 bài dân ca, 7.918 bài dân nhạc của 53 dân tộc (dân tộc Chơ ro không có dân ca và dân nhạc), ngoài ra còn có 103 tiết mục diễn xướng dân gian, sân khấu và các lễ hội dân tộc.

 

Nhằm tiếp tục bổ sung và hoàn thiện dữ liệu, hàng năm, Viện Âm nhạc đều tổ chức các chuyến sưu tầm, điền dã, ưu tiên các di sản đang mai một nhanh chóng, có nguy cơ biến mất. Trong các chuyến đi này, Viện cũng kết hợp tổ chức các lớp truyền dạy do các nghệ nhân đảm nhiệm. Gần đây nhất, vào tháng 6.2011, đoàn công tác của Viện đã tiến hành khảo sát, sưu tầm âm nhạc dân gian dân tộc Thái, Lào ở tỉnh Sơn La, tập trung tại các huyện Thuận Châu, Sông Mã. Đoàn đã sưu tầm được một số bài bản dân ca của người Thái do chính các nghệ nhân thể hiện như: Khắp sư, Khắp mo, Khắp báo sao, Khắp bay... một số điệu múa như: Hái bông, Hoa ban... Từ tháng 7 - 10.2011, đoàn tiếp tục khảo sát, sưu tầm âm nhạc dân gian dân tộc Thái, Lào ở 2 huyện Thuận Châu và Sông Mã, đồng thởi mở rộng địa bàn khảo sát đến các huyện Mai Sơn, Mường La, Sốp Cộp thuộc tỉnh Sơn La và một số huyện của tỉnh Điện Biên.

 

Dù vậy, để lưu giữ trong thời gian dài, đồng thời, giúp công chúng dễ dàng tiếp cận tư liệu về âm nhạc dân gian và nghệ thuật biểu diễn truyền thống, các kết quả nghiên cứu, sưu tầm phải được số hóa. Quá trình này mất nhiều thời gian do cần một hệ thống máy móc và những cán bộ có trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, do chưa có một đường truyền dẫn độc lập nên việc đưa dữ liệu của Ngân hàng lên internet còn hạn chế. Trong thời gian tới, Bộ VH, TT và DL sẽ đầu tư nâng cấp máy móc phục vụ việc số hóa của tư liệu. Bên cạnh đó, để khai thác, phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống, theo Ts Nguyễn Bình Định, Viện Âm nhạc sẽ xây dựng một đường truyền lớn trên internet để truyền tải tất cả dữ liệu của Ngân hàng, góp phần quảng bá rộng rãi nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Viện cũng đang có ý tưởng tổ chức các câu lạc bộ cho người yêu nghệ thuật truyền thống, chương trình nói chuyện giới thiệu có minh họa về âm nhạc cổ truyền... Tuy nhiên, các chương trình này cần có sự quan tâm, chung tay giúp đỡ của Nhà nước và cả xã hội.

 

 

 

Theo Lê Thủy/Báo điện tử ĐBND

Tệp đính kèm