Cập nhật: 31/01/2012 10:59:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế đang được coi là một yêu cầu và xu thế tất yếu để phát triển. Vai trò của ngoại giao văn hoá ngày càng được coi trọng. Ngoại giao Văn hóa Việt Nam cũng đã bước đầu đạt được một số kết quả nổi bật, góp phần củng cố vững chắc hơn nữa vào chiến lược Ngoại giao.

Ngoại giao văn hóa được coi là trụ cột thứ ba của ngành Ngoại giao, cùng với hai trụ cột chính là chính trị và kinh tế. Ngoại giao văn hóa có thể hiểu là việc sử dụng các giá trị văn hóa, hình thức văn hóa, lợi thế văn hóa để thúc đẩy quan hệ với các quốc gia khác. Đồng thời, sử dụng nội dung ngoại giao, quan hệ ngoại giao để tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc; giao lưu, trao đổi để các quốc gia, các dân tộc ngày càng hiểu biết và tôn trọng các giá trị văn hóa và bản sắc của nhau.

 

Tiếp xúc, trao đổi để phát triển

 

Mọi hoạt động đối ngoại kinh tế, chính trị đến văn hóa luôn khẳng định vị trí, bản sắc dân tộc, nâng cao vị thế đất nước nhất là trong quan hệ với các nước lớn, các nước láng giềng, các nước bạn bè. Toàn cầu hóa là một xu thế không thể cưỡng lại đối với tất cả các quốc gia. Chủ động để hội nhập chính là một thái độ tích cực, khôn ngoan, khẳng định đường hướng có chiến lược, có chiến thuật, có kế hoạch cho từng bước đi của mỗi quốc gia. Chủ động hội nhập sẽ khai thác được nhiều nhất những thuận lợi, những cơ hội để dân tộc có nhiều lợi ích nhất; hạn chế được đến mức thấp nhất những thách thức, những tiêu cực nảy sinh.

 

Trong thế giới hội nhập như hiện nay, nếu một nền văn hóa tự giam hãm mình vào truyền thống – dù là tốt đẹp, mà không chịu giao lưu, tiếp thu, không chấp nhận những sắc thái mới và làm giàu thêm bản thân cũng có nghĩa là tự chặn đường phát triển của mình. Bên cạnh đó, biết cách đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa chính là “thời cơ vàng” để học hỏi được nhiều điều hay, tiếp thu được nhiều điều tốt, chọn lọc được những tinh hoa văn hóa của các quốc gia, dân tộc trên thế giới để làm giàu và phong phú thêm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Mặt khác, thực hiện tốt các hoạt động ngoại giao văn hóa còn tạo ra chất xúc tác thúc đẩy ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế không ngừng phát triển, xây dựng công cụ quảng bá mạnh mẽ nền văn hóa Việt Nam, nhất là quảng bá các giá trị di sản văn hóa của dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

 

Đảng và Nhà nước ta luôn xác định văn hoá là nền tảng tinh thần, cũng là mục tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Việc mở rộng, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Tháng 7 năm 1998 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 5 (khoá VIII) ra Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Và trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa được đúc kết cô đọng hơn, cụ thể hơn, tập trung vào 4 nội dung quan trọng. Trong 4 nội dung đó, nội dung thứ tư được đặt ra là: Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về văn hoá. Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hoá, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực văn hoá, báo chí, xuất bản. Xây dựng một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hoá Việt Nam ra nước ngoài. Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hoá của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế về bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả các sản phẩm văn hoá. Xây dựng cơ chế, chế tài ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hoá sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng, nhất là thế hệ trẻ.

 

Có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc phát triển, mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế về văn hoá. Bởi các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế giúp chúng ta đạt được các mục tiêu mà chính sách văn hoá đặt ra, đó là tiếp thu tinh hóa văn hoá của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hoá truyền thống, góp phần xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, trước các yếu tố mới nảy sinh trong chuyển dịch của văn hóa - văn minh nhân loại và nhất là những trước quá trình mở cửa giao lưu “ồ ạt” như hiện nay đòi hỏi cần có một bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo.

 

Những thành công bước đầu

 

Trong quá trình quảng bá hình ảnh đất nước và giao lưu hợp tác văn hóa với các nước, Việt Nam đã tiếp nhận được nhiều điều tốt đẹp của tinh hoa văn hóa thế giới. Bước đầu, Việt Nam đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa các nền văn hóa thế giới cũng như đã học được kinh nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet trong các hoạt động quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam; kinh nghiệm trong việc tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan, quan chức chính phủ và công chúng thông qua việc sử dụng và ứng dụng giao tiếp và kỹ thuật số; nắm bắt và vận dụng có hiệu quả kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt thông qua UNESCO trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển đất nước.

 

Bên cạnh đó, trong những năm qua Việt Nam đã cho xuất bản nhiều ấn phẩm văn hóa đa phương tiện, đa ngôn ngữ. Xây dựng một số ấn phẩm tuyên truyền nhằm quảng bá cho du lịch Việt Nam như tranh ảnh, sách báo, ấn phẩm thủ công mỹ nghệ… để cung cấp cho các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài trưng bày, giới thiệu. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được thông điệp văn hóa của quốc gia để giới thiệu với bạn bè quốc tế: “VietNam, the hidden charm” (Việt Nam, vẻ đẹp tiềm ẩn). Việt Nam cũng đã tập trung quảng bá hình ảnh đất nước thông qua việc tôn vinh các lãnh tụ, các danh nhân văn hóa như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du; tổ chức được nhiều chiến dịch xúc tiến du lịch quốc gia, quảng bá địa phương, các sự kiện lớn thu hút khách du lịch nước ngoài để quảng bá văn hóa dân tộc và thúc đẩy kinh tế các địa phương trong nước như: Festival Huế, Festival biển Vũng Tàu, Festival hoa Đà Lạt...

 

Năm 2011 cũng đánh dấu sự chuyển hướng trong việc giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hợp tác với Công ty Sports Revolution để quảng bá cho du lịch Việt Nam trên bảng điện tử tại các sân vận động trong Giải bóng đá Ngoại hạng Anh. Những hình ảnh giới thiệu du lịch Việt Nam, đặc biệt là những hình ảnh về du lịch biển được quảng cáo trên kênh truyền hình BBC. Với hoạt động quảng bá này, hình ảnh Việt Nam đã được giới thiệu tại 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong năm 2011, Việt Nam cũng tổ chức hơn 10 tuần văn hóa Việt Nam được tại các nước như: Pháp, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc… đã làm cho bạn bè quốc tế hiểu nhiều hơn về bản sắc văn hóa Việt Nam. Các chương trình nghệ thuật quốc tế tổ chức tại Việt Nam như: Toyota classic, Hennessy hay Đại nhạc hội Việt Nhật… cũng gây được tiếng vang nhất định, tạo ra một bộ mặt văn hóa đa dạng.

 

Đặc biệt, nhờ làm tốt công tác ngoại giao văn hóa mà chỉ trong vòng 2 năm, 2010 và 2011, nhiều di sản văn hóa của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Trong đó có 2 Di sản văn hoá thế giới gồm: Khu Di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long (được công nhận năm 2010), Di tích Thành nhà Hồ (được công nhận năm 2011). Di sản văn hóa phi vật thể là: Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại (được công nhận năm 2010); 82 Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, Di sản Tư liệu Thế giới (được công nhận năm 2010); hát Xoan Phú Thọ, Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (được công nhận năm 2011). Vừa qua Vịnh Hạ Long - di sản hai lần được UNESCO vinh danh - một lần nữa trở thành niềm tự hào của Việt Nam khi lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

 

Tuy nhiên, nhiều mầu sắc và phong vị văn hóa của Việt Nam chưa được quảng bá sâu mà còn chỉ dừng lại ở “bề nổi”. Nguyên nhân chính là do chúng ta còn tồn tại nhiều hạn chế trong công tác văn hóa đối ngoại như về chiến lược, về đội ngũ cán bộ, về phương tiện truyền tải văn hóa… Nhìn chung, các sản phẩm văn hóa của Việt Nam đem giới thiệu ra các nước chưa thật sự sâu sắc; những sản phẩm giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài như sách, báo, CD... còn nghèo nàn về nội dung, đơn điệu về hình thức. Bên cạnh đó, một cách quảng bá văn hóa được nhiều nước hiện nay làm rất tốt là quảng bá hình ảnh đất nước qua phim ảnh, âm nhạc, ẩm thực… nhưng Việt Nam lại chưa tận dụng tốt điều này.

 

Trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay, việc mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế nói chung và ngoại giao văn hóa nói riêng là một yêu cầu tất yếu để phát triển. Dù còn một số hạn chế, nhưng thời gian qua, công tác ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Hơn lúc nào hết, trong những năm tới chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ngoại giao văn hóa để góp phần thiết thực vào việc quảng bá hiệu quả hình ảnh một đất nước Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và giàu tiềm năng đến bạn bè quốc tế.

 

 

 

 

Theo Hồng Ngọc/Báo Điện Tử ĐCSVN

 

Tệp đính kèm