Cập nhật: 18/02/2012 10:40:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đối với mỗi người dân Việt Nam, lễ hội đã trở thành loại hình văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong đời sống tinh thần và tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những nét đẹp văn hoá từ ngàn đời, không ít lễ hội hiện nay đang bộc lộ những biểu hiện tiêu cực, mất đi tính chất tốt đẹp, thiêng liêng vốn có.

Lễ hội là một không gian văn hóa mang đậm tính vùng miền và cũng là truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam. Nhưng khi khai thác và tổ chức các lễ hội, truyền thống tốt đẹp đó dường như chỉ được thể hiện trên giấy tờ và các phương tiện thông tin đại chúng. Gần như các lễ hội hiện nay đều nhấn quá mạnh vào sự khai thác thương mại mà quên đi rằng trẩy hội là một hoạt động văn hóa hướng về cái tâm, cái thiện của con người.

 

Ngày nay, nhiều người đổ về các lễ hội lớn như: Lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Phủ Giày, đền Bà Chúa Kho, đền Hùng, chùa Bái Đính… để cúng bái, cầu may. Vì thế, người dân đã thi nhau đổ tiền của để mua sắm lễ, đốt vàng mã, rồi thi nhau rải tiền lẻ khắp các ban bệ, tượng Phật, thậm chí ném cả xuống ao hồ, giếng trong di tích. Những tờ tiền 200, 500, 1.000 đồng được đổi thành từng cục như viên gạch mộc, cứ “10 ăn 8 hoặc 10 ăn 7”, tức 100.000 đồng tiền chẵn thì đổi được 70.000 hoặc 80.000 đồng loại chuyên dùng để “sắp lễ” (200, 500 đồng). Không biết bao nhiêu tiền lẻ (200 hoặc 500 đồng) được quay vòng cả năm không chán.Ngay cả Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) không phải là một di tích tâm linh nhưng đầu năm nay cũng trở thành nơi người dân kéo vào lễ lạt, cúng bái mưu cầu học hành, đỗ đạt. Ở đây cũng có cảnh khói hương nghi ngút, tiền lẻ được nhét vào miệng những cụ rùa đá, ném lên mái nhà.

 

Trong khi đó, ở khu vực đền Bà Chúa Kho, tỉnh Bắc Ninh xảy ra tình trạng ùn tắc, chen chúc ngay từ đầu năm đến nay do người dân kéo về “vay” lộc. Người dân cho rằng, muốn có một năm làm ăn “vào cầu”, trúng quả phải vay mượn vốn liếng của Bà Chúa Kho.

 

Các bể hóa vàng của đền thờ Bà Chúa Kho, tỉnh Bắc Ninh hầu như rực lửa suốt ngày đêm trong những ngày đầu năm. Người sau tiếp chân người trước, những mâm vàng mã lấp lánh, màu mè lần lượt theo ngọn lửa hóa thành tro và khói. Người muốn phát tài phát lộc thì đầu năm đến làm lễ vay tiền bà chúa, cuối năm trả lễ. Người lại quan niệm dâng chút lễ mọn để xin lộc rơi, lộc vãi. Một mâm lễ vừa phải có giá vài chục, vài trăm ngàn, có mâm lên tới cả triệu bạc. Bắt được tâm lý của khách, hàng trăm chủ tiệm kinh doanh ngoài đền đua nhau “chặt chém” không thương tiếc.

 

Đáng buồn là chính người dân đang làm dung tục hóa các lễ hội. Ở đền Bà Chúa Kho, có người còn bỏ cả đống tiền thật để mua một núi vàng mã đem đốt, trả lễ Bà Chúa Kho. Nhiều gia đình còn hóa cả ô-sin giấy cho người chết.

 

Tại đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Phủ Giày (Nam Định), các loại vàng mã chất đống, ngựa giấy to bằng ngựa thật, hình nhân thế mạng xếp từ bên trong ra ngoài. Ở lễ hội chùa Hương, mặc dù dư luận đã lên án từ nhiều năm nay nhưng hiện nay đủ loại thịt thú rừng, thịt cầy giả thịt thú rừng vẫn vô tư treo lủng lẳng khắp khu Hương Sơn, Bến Đục, thậm chí tấn công lên tận cổng chùa Thiên Trù, làm ô tục cõi Phật.

 

Một hiện tượng không thể không nhắc đến trong các lễ hội hiện nay chính là tệ nạn cờ bạc tràn lan. Tại lễ hội chùa Hương năm nay đã xuất hiện những ổ đánh bạc di động trên suối Yến. Nếu như trước đây, du khách ngồi đò từ đền Trình vào chùa trong để vút tầm mắt thưởng ngoạn “Nam sơn đệ nhất động”, thì bây giờ nhiều Phật tử lại dành khoảng thời gian đó vào các trò đỏ đen.

 

Lễ hội làng Triều Khúc ngay trong ngày khai mạc đã có hàng chục sới gà luôn được người xem bâu kín. Những tiếng hò reo, vỗ tay vang dội khi một trong hai chú gà chọi tung cước vào đối thủ. Giới cá độ liên tục phát giá với lượng “độ” không phải là nhỏ. Những người chấp nhận cuộc chơi sẽ được ghi tên và mức cá cược vào một quyển sổ nhỏ để theo dõi diễn biến buổi cá cược.

 

Mùa hội Lim năm nay, người ta không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến cảnh "chị Hai nhí" mới 3 tuổi, hát đôi ba câu quan họ chưa rành lại trở thành giọng ca chính cho buổi biểu diễn của một câu lạc bộ xứ quan họ. Nhiều người đến hội, vỗ tay tán thưởng và không quên dúi vào tay “chị Hai nhí” những đồng bạc lẻ. Nhiều người còn đứng hẳn phía ngoài, cầm tờ tiền vẫy vẫy để "chị Hai nhí" ra nhận. Lúc nhiều quá thì người lớn, liền anh, liền chị ngồi sau còn ra nhận giúp hoặc lúi húi nhặt tiền "chị Hai nhí" đánh rơi dưới chân. Chứng kiến toàn bộ buổi diễn, không ít du khách ngao ngán bởi chẳng khác nào hình ảnh của mấy em bé bị lợi dụng đi ăn xin ngoài phố!

 

Tham gia trẩy hội để mọi người cùng hướng về cái tâm, cái đức, cái thiện và hiểu biết thêm về cội nguồn. Đây là hoạt động tín ngưỡng tốt đẹp, là truyền thống văn hóa cần phát huy. Mong rằng các cấp quản lý, chính quyền nơi tổ chức lễ hội cần kiên quyết chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm, dẹp bỏ những mặt tiêu cực, để các lễ hội đầu xuân thực sự là sinh hoạt văn hóa tốt đẹp, giữ được những nét đẹp văn hóa đáng quý./.

 

 

Theo Vương Hà/ Đảng cộng sản

Tệp đính kèm