Cập nhật: 15/10/2009 21:54:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các bác sĩ, nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, nhiễm khuẩn đường tiểu ở trẻ sẽ dần dần làm hỏng bàng quang, niệu quản, rồi tàn phá thận. Bệnh lặp lại nhiều lần sẽ làm hỏng thận, gây ra sẹo thận, suy thận.

Trẻ sơ sinh cũng bị viêm

Bé Tin (3 tháng tuổi) được bố mẹ đưa đến khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội khám vì bị sốt. Sau khi tiến hành một số mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu, bố mẹ bé Tin bàng hoàng khi bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

 

Bố mẹ bé Tin cho biết, cháu bị sốt 3 ngày nay. Gia đình cực kỳ hoang mang lo lắng vì đang trong thời điểm xuất hiện dịch cúm A/H1N1 và dịch sốt xuất huyết. Trước khi đến bệnh viện, bé Tin đã được bố mẹ đưa đến một phòng khám tư nhân. Sau khi loại bỏ các dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp, vị bác sĩ này đã khuyên gia đình đưa bé Tin đến bệnh viện để làm một số xét nghiệm liên quan đến đường tiết niệu.

 

Tương tự, trên trang webtretho, nhiều bà mẹ trẻ đã viết trên diễn đàn bày tỏ sự ngỡ ngàng, không tin dù bác sĩ đã kết luận bé bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Thậm chí có bà mẹ cầm đơn thuốc của bác sĩ kê, tần ngần đứng trước cửa hiệu thuốc rồi lại về tay không vì không thể tin nổi đứa trẻ vừa sinh chưa đầy tháng đã mắc căn bệnh này.

 

Theo các chuyên gia y tế, nhiễm khuẩn đường tiết niệu rất hay gặp ở trẻ em, đứng hàng thứ 3 sau các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể để lại nhiều biến chứng và di chứng nặng nề. Hiện có 3 thể nhiễm khuẩn đường tiểu với các biểu hiện lâm sàng như: Viêm thận, bể thận hay nhiễm khuẩn đường tiểu trên; viêm bàng quang hay nhiễm khuẩn đường tiểu dưới và nhiễm khuẩn đường tiểu không có triệu chứng.

 

Theo TS Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Trung tâm Nam học và hiếm muộn Hà Nội, nguyên nhân gây bệnh nhiễm khuẩn đường tiết niệu chủ yếu là các vi khuẩn gram âm như E.coli, virus, nấm... Ngoài ra, một số dị dạng ở bộ phận sinh dục trẻ cũng gây nên tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

 

TS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ thường xuyên đóng bỉm sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn và khó phát hiện nhiễm khuẩn hơn đối với trẻ không đóng bỉm. Bởi khi đóng bỉm, phân và nước tiểu dễ lẫn nhau, tăng nguy cơ nhiễm trùng do phân dễ chui lên đường tiểu, nhất là ở trẻ gái. Ngoài ra, khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiểu thường có biểu hiện những vết đục khi nước tiểu khô. Tuy nhiên vì bỉm giấy dùng xong thường bỏ đi ngay nên các bậc phụ huynh thường khó phát hiện nhiễm khuẩn đường tiểu sớm ở con trẻ.

 

Đóng bỉm - bé gái dễ mắc bệnh hơn

TS Lê Vương Văn Vệ cho rằng, bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu hay gặp ở trẻ gái hơn trẻ trai vì đường tiểu ở trẻ gái ngắn, vi khuẩn từ ngoài dễ dàng xâm nhập đi ngược dòng theo niệu đạo lên bàng quang gây viêm bàng quang, rồi từ bàng quang theo niệu quản lên thận gây viêm đài bể thận. Ở những trẻ hay cởi truồng, mặc quần thủng đít ngồi lê la dưới đất cũng hay mắc chứng bệnh này.

 

Vì vậy, các bác sĩ thường lưu ý các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ cởi truồng ngồi lê la dưới đất, không được lau chùi ngược từ hậu môn qua “vùng kín” của bé gái sau khi đi vệ sinh vì động tác này sẽ vô tình đem vi khuẩn có nhiều trong phân gây ra như vi khuẩn E.coli từ hậu môn đến lỗ tiểu gây viêm nhiễm đường tiết niệu.

 

Để phòng bệnh, cha mẹ nên cho trẻ uống đủ nước, uống nhiều nước trái cây để trẻ tăng sức đề kháng và đi tiểu nhiều sẽ tống ra ngoài những vi khuẩn đang ngược lên bàng quang theo thành niệu đạo. Việc thường xuyên đi tiểu ở trẻ cũng giải phóng tình trạng nước tiểu cũ bị ứ đọng thường xuyên trong bàng quang khiến cho vi khuẩn có môi trường thuận lợi để sinh sôi nảy nở.

 

Biểu hiện dễ nhận thấy nhất của bệnh này là trẻ khó chịu, khóc giữa chừng hoặc khóc trước khi đi tiểu. Ở bé trai, nhiễm khuẩn hay gặp trong trường hợp có dị dạng đường tiểu, phần da của bộ phận dẫn tiểu bị túm lại, lỗ tiểu nhỏ. Khi đi tiểu, nước không ra được ngay mà ứ lại, đầu ra bị phồng lên thành một cục giống bong bóng. Chỉ đến khi nước tiểu căng quá mới xì ra.

 

Ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có thể gặp sốt nóng hoặc ngược lại là hạ thân nhiệt, hoặc sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, trẻ bú kém, biếng ăn, nôn mửa hoặc tiêu chảy, cũng có thể chỉ đơn thuần là không tăng cân... bệnh nhi có thể đái ít, đái buốt, nước tiểu đục. Ngoài ra, trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiểu thường hay tự ý sờ vào bộ phận sinh dục của mình, nên các bậc cha mẹ rất dễ nhận biết bệnh của con thông qua triệu chứng “bàn tay khai” rất đặc trưng của mùi nước tiểu. 

 

 

Theo Giadinh.net.vn

Tệp đính kèm