Sốt là một trong 3 dấu hiệu nhận biết đặc biệt của bệnh sốt rét nhưng với mỗi loại ký sinh trùng gây bệnh, biểu hiện của sốt lại có những đặc điểm khác nhau. Nếu có thể phân biệt được những kiểu sốt ở những giai đoạn khác nhau của bệnh như sốt rét sơ nhiễm, tái phát hay tái nhiễm thì sẽ có biện pháp điều trị thích hợp.
Triệu chứng sốt trong bệnh sốt rét
Biểu hiện bệnh lý của bệnh sốt rét có liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới chu kỳ phát triển của ký sinh trùng sốt rét trong hồng cầu. Mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào chủng loại, thể loại, mật độ ký sinh trùng và mức độ miễn dịch của cơ thể. Triệu chứng sốt trong bệnh sốt rét do các thể hoa thị (rosaces) của ký sinh trùng khi vỡ ra giải phóng vào máu sắc tố sốt rét (hemozoine), yếu tố này được xem như là một chí nhiệt tố tác động lên trung tâm điều hòa nhiệt độ ở hành não tương tự một nội độc tố. Chu kỳ cơn sốt tùy thuộc vào chu kỳ phát triển vô tính trong hồng cầu của chủng loại ký sinh trùng. Chu kỳ này ở thời kỳ sơ nhiễm thường không đồng nhịp, dần dần về sau xảy ra đồng nhịp hơn. Vì vậy ở những bệnh nhân mới bị mắc sốt rét lần đầu, còn gọi là sốt rét sơ nhiễm, thường triệu chứng sốt không có chu kỳ ở giai đoạn đầu. Ở những bệnh nhân sốt rét tái phát, cơn sốt xảy ra có chu kỳ. Cơn sốt thường xuất hiện khi đạt ngưỡng chí nhiệt tố. Ở người chưa có miễn dịch, ngưỡng ký sinh trùng gây sốt thường thấp hơn người đã có miễn dịch một phần. Gần đây, có những quan niệm còn cho rằng cơ chế gây sốt của cytokin do đại thực bào tiết ra và yếu tố gây hoại tử cũng có liên quan đến cơn sốt.
Cơn sốt trong các thể loại bệnh sốt rét
Chủng loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét với các thể loại bệnh khác nhau như sốt rét sơ nhiễm, sốt rét tái phát, sốt rét tái nhiễm. Tùy theo thể loại bệnh, triệu chứng sốt khi bị mắc bệnh sốt rét cũng có những biểu hiện khác khau.
Sốt rét sơ nhiễm: Thường gặp ở những người mới đi từ vùng không có sốt rét vào vùng có sốt rét lưu hành, đối tượng này chưa có miễn dịch sốt rét. Ở trong vùng sốt rét lưu hành, trẻ em từ 4 tháng tuổi đến 2-4 tuổi có khả năng bị sốt rét sơ nhiễm. Giai đoạn đầu hay gặp triệu chứng mệt mỏi cơ khớp, nhức đầu, chán ăn, đắng miệng, gai lạnh sống lưng, ngáp vặt, thậm chí ở một số bệnh nhân bị tiêu chảy; lúc này đã xuất hiện dấu hiệu sốt nhẹ. Sốt tăng nhanh trong vài ngày rồi trở thành sốt liên tục với nhiệt độ cao 39 - 40oC hoặc dao động không đều. Có khi cơn sốt chồng lên nhau với 2-3 đỉnh trong một ngày, các đỉnh đồng nhịp với các đợt hồng cầu bị vỡ và thể hoa thị tung vào máu “merozoite”. Trong giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển, các “merozoites” từ gan vào máu chưa đồng nhịp nên sốt chưa thành cơn có chu kỳ. Ở giai đoạn sau đó, nếu không được điều trị, sau từ 8-15 ngày, triệu chứng sốt chuyển dần thành cơn sốt với 3 giai đoạn rét, nóng, vã mồ hôi và xảy ra có chu kỳ; khi đã sang giai đoạn có chu kỳ, cơn sốt cũng có 3 giai đoạn như cơn sốt rét tái phát. Trong sốt rét sơ nhiễm, thời gian của mỗi cơn sốt kéo dài trung bình từ 6-12 giờ. Cả hai chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum và Plasmodium vivax đều gây cơn sốt có chu kỳ cách nhau 2 ngày (48 giờ). Riêng đối với Plasmodium falciparum có thể gặp cơn sốt hằng ngày (cách 24 giờ) khi có hai lứa ký sinh trùng trở lên phát triển so le, không đồng nhịp. Ngoài ra, sốt rét sơ nhiễm còn có các đặc điểm khác như xuất hiện triệu chứng nhiễm trùng nhiễm độc, rối loạn thần kinh thực vật thường nặng hơn sốt rét tái phát. Bệnh nhân có cơn rét run bần bật, nổi da gà, tái xanh; cơn nóng sốt dữ đội kèm theo nhức đầu nặng, nôn mửa, có khi vật vã, mê sảng, nhịp thở nhanh, mạch nhảy mạnh, đau bụng, tiêu chảy, cuối cùng mồ hôi vã như tắm. Trong sốt rét sơ nhiễm, hồng cầu có thể chưa giảm nhiều, lách có thể chưa sờ thấy dưới bờ sườn, mật độ ký sinh trùng thường cao và chưa thấy thể giao bào trong 8-10 ngày đầu đối với Plasmodium falciparun và 2 ngày đầu đối với Plasmodium vivax. Sốt rét sơ nhiễm do Plasmodium falciparum trong giai đoạn sơ nhiễm 6 tháng đầu có thể chuyển thành nặng, sốt rét thể ác tính, sốt rét đái huyết cầu tố.
|
Ký sinh trùng Plasmodium falciparum. |
Sốt rét tái phát: Do nhiều nguyên nhân như ký sinh trùng thể vô tính trong hồng cầu sót lại từ đợt trước tiếp tục phát triển, vượt ngưỡng gây sốt. Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax gây tái phát gần trung bình sau 7-14 ngày, còn gọi là bột phát. Đối với những người đã có một lần miễn dịch, khi bị nhiễm Plasmodium falciparum thì sốt tái phát có thể xuất hiện sau 3 - 6 tháng. Nếu bị nhiễm Plasmodium vivax, thể ngủ của ký sinh trùng trong gan hoạt hóa phát triển và phóng thích vào máu các “merozoites” gan gây tái phát xa sau vài tuần, có thể từ 9 -10 tháng. Sốt rét tái phát thường xảy ra ở đối tượng bệnh nhân sốt rét do nhiễm Plasmodium falciparum kháng thuốc điều trị nên không diệt hết thể vô tính trong máu, do nhiễm Plasmodium vivax không được dùng thuốc primaquine diệt thể ngủ trong gan, do tiền sử có cơn sốt rét vì đã bị nhiễm ký sinh trùng Plasmodium falciparum trước đó 1-2 năm, Plasmodium vivax trước đó 1,5-3 năm. Sốt rét tái phát tùy thuộc vào thời gian ký sinh trùng tồn tại trong cơ thể người, thường gặp trong điều kiện lao động nặng nhọc và trong thời kỳ sốt rét sơ nhiễm 6 tháng đầu. Sốt rét tái phát thường biểu hiện triệu chứng sốt thành cơn điển hình với 3 giai đoạn rét run, nóng sốt, vã mồ hôi và có chu kỳ ngay từ lúc khởi phát nhưng không phải ở bệnh nhân nào cũng có đủ 3 giai đoạn điển hình này. Cơn sốt tái phát kéo dài trung bình khoảng 2-4 giờ, ngắn hơn cơn sốt rét sơ nhiễm. Hết cơn sốt, bệnh nhân làm việc, ăn, ngủ trở lại bình thường cho đến khi có cơn sốt quay lại theo chu kỳ. Cơn sốt rét tái phát có xu hướng ngắn dần lại và nhẹ ở người lớn tuổi, có tiền sử sốt rét nhiều năm sống tại vùng sốt rét lưu hành.
- Sốt rét tái nhiễm: Xảy ra ở những bệnh nhân từ lâu chỉ có những cơn sốt nhẹ, nay cơn sốt nặng liên tục nhiều ngày tương tự như sốt rét sơ nhiễm. Mật độ ký sinh trùng thường cao, không thấy thể giao bào ngay từ đầu cùng một lúc với thể tư dưỡng như trong trường hợp sốt rét tái phát. Sốt rét tái nhiễm hay gặp ở những bệnh nhân khi chuyển đến vùng sốt rét và khi sinh sống ở vùng sốt rét lưu hành nặng, diễn biến tình trạng bệnh lý cũng thường nặng. Xác định và chẩn đoán sốt rét tái nhiễm tương đối dễ dàng nếu phát hiện được chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị nhiễm hiện tại khác với chủng loại ký sinh trùng bị nhiễm lần trước. Ở những người đã bị mắc sốt rét trước kia nhưng đã được điều trị khỏi bệnh, tiệt căn và có nhiều năm không bị tái phát thì sốt rét tái nhiễm có bệnh cảnh lâm sàng gống như sốt rét sơ nhiễm mặc dù chủng loại ký sinh trùng sốt rét được phát hiện hiện tại giống như chủng loại ký sinh trùng bị nhiễm trước đó.
Cơn sốt trong bệnh sốt rét xảy ra tùy thuộc vào các thể bệnh mắc phải như sốt rét sơ nhiễm, sốt rét tái phát, sốt rét tái nhiễm với chủng loại ký sinh trùng sốt rét gây bệnh khác nhau. Vì vậy cần hiểu rõ tính chất đặc điểm của cơn sốt đối với từng loại thể bệnh để nhận biết, phân biệt trước bệnh cảnh lâm sàng nhằm có hướng phát hiện, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, hiệu quả, sớm phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
Sốt rét sơ nhiễm có thể gây sốt cao liên tục, sốt dao động, sốt chồng cơn, sốt 2 cơn một ngày; thể nhẹ có triệu chứng nghèo nàn thường gặp với chủng loại Plasmodium vivax; cũng có thể sốt rét sơ nhiễm nhưng không gây sốt có liên quan đến những chủng Plasmodium vivax có thời gian ủ bệnh dài.
Theo suckhoedoisong.