Bề mặt thớt chỉ rộng hơn một chiếc khăn tay nhưng chứa đựng nhiều nguy cơ cho sức khỏe. Tuy nhiên, những nguy cơ lớn có thể đến từ một vài điều nhỏ nhặt nhất thường bị các bà nội trợ bỏ qua.
Dù thường xuyên sử dụng chiếc thớt nhưng sẽ rất ít bà nội trợ có thể nhìn thấy hoặc tưởng tượng được những thực thể nhỏ xíu hiện diện trên bề mặt thớt. Chính những thứ nhỏ xíu này lại là những vật thể sẽ tiếp xúc trực tiếp với thức ăn, sẽ theo thức ăn đi vào cơ thể và là nguyên nhân của những nguy cơ xấu đối với sức khỏe.
Nguy cơ sốc phản vệ
Cuộc sống càng phát triển, khoa học càng tiến bộ, các bà nội trợ càng có nhiều cơ hội làm việc một cách nhẹ nhàng hơn. Trong gian bếp xuất hiện ngày càng nhiều công cụ hỗ trợ cho việc nấu nướng, như máy xay, máy ép, lò nướng, lò vi sóng, nào bếp ga, bếp từ... Tuy nhiên, có hiện đại đến đâu đi nữa thì vẫn phải cần những dụng cụ cơ bản không thể thiếu là chén đũa, tô dĩa, ly tách, nồi chảo... và tất nhiên, là dao và thớt.
Ngày nay, chiếc thớt, người bạn quen thuộc mà các bà nội trợ sử dụng mỗi ngày đã đa dạng hơn về màu sắc, kiểu dáng, nguyên liệu... so với chiếc thớt cổ truyền vốn là một đoạn gỗ cắt ngang không qua bất kỳ công đoạn xử lý nào. Mặc dù vậy, thớt vẫn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc hoặc gây ra nhiều loại bệnh tật khác.
Nên dùng thớt riêng cho từng loại thực phẩm
Để tránh những nguy cơ có hại cho sức khỏe, mỗi bà nội trợ phải có ít nhất hai thớt trong một bếp ăn, một dùng cho thức ăn chín, một dùng cho thực phẩm sống, nếu được thì cũng nên có thêm một cái thứ ba dùng cắt trái cây, phô mai... Sau khi sử dụng, thớt phải được chà rửa thật kỹ với xà phòng và nước sạch, hong khô hay phơi nắng, để riêng rẽ từng loại và nên tráng nước sôi trước khi dùng, nhất là với thớt dùng cho thực phẩm chín.
Trên bề mặt thớt chủ yếu là các vụn gỗ hay vụn nhựa chưa kịp rời khỏi mặt thớt trong quá trình chà rửa. Nếu là vụn gỗ thì còn tạm yên tâm vì dù sao đó cũng là thực vật nhưng nếu là vụn nhựa và được làm từ một loại nhựa bất hợp pháp, tức là có sử dụng các phụ gia, nguyên liệu... không an toàn cho con người thì rất là nguy hại.
Nhưng dù là vụn gỗ hay vụn nhựa an toàn thì chúng cũng không phải là thức ăn, nên nếu đi vào cơ thể với một số lượng lớn, sẽ dẫn đến nhiều hậu quả, nhẹ thì nổi vài vết mẩn ngứa dị ứng, nặng hơn thì tiêu chảy đau bụng, còn nặng hơn nữa thì lên cơn khó thở, suyễn, hay thậm chí bị sốc phản vệ. Thớt càng sử dụng lâu ngày, nhóm “dân cư” này càng đông đúc, vì vậy, tốt nhất là nên thay nếu thớt đã cũ và có nhiều vết chặt cắt trên bề mặt. Đừng dại dột tiết kiệm vì nó cũng chỉ xấp xỉ giá một tô phở mà thôi.
Nguy cơ nhiễm trùng, ngộ độc, ung thư
Nhóm ngụ cư thứ hai trên mặt thớt, ít hơn, nhưng lại nguy hiểm hơn, là các vi sinh vật. Họ hàng vi sinh vật gồm có vi trùng, siêu vi, ký sinh trùng... là những kẻ không hề thân thiện với sức khỏe. Trong thực phẩm sống, có rất nhiều vi sinh vật, khi được đặt trên thớt để chế biến chúng sẽ ung dung chuyển đến cư ngụ trên mặt thớt, sinh con đẻ cái và sẽ xâm nhập vào cơ thể nếu lại dùng thớt đó để cắt thực phẩm chín.
Ngay cả khi thực phẩm được nấu nướng thì các độc tố do vi sinh vật tiết ra vẫn tồn tại, dẫn đến các bệnh lý thường gặp là nhiễm trùng tiêu hóa, ngộ độc thức ăn biểu hiện bằng các triệu chứng tiêu chảy cấp, nôn ói, đau bụng, nhức đầu, có khi co giật và hôn mê. Ký sinh trùng ngoài gây ngộ độc cấp, cũng có thể chui lên não, lên gan, gây vàng da u não... Vì vậy, tốt nhất là đừng để các kẻ phá bĩnh này có cơ hội sinh sống trên mặt thớt.
Nhóm ngụ cư thứ ba là nấm mốc. Bản thân nấm mốc cũng gây bệnh, nhưng đáng sợ nhất chính là các độc tố do nấm mốc sản sinh ra và lưu lại trong gan, thận, trong cơ bắp... gây nên tình trạng ngộ độc mãn tính, thậm chí có thể chuyển thành ung thư sau này. Nấm mốc khoái sống nhất trên các thớt ẩm ướt và nứt nẻ. Vì vậy, luôn phải giữ thớt khô ráo tốt nhất là phơi nắng sau mỗi lần dùng và nên thay khi thấy thớt cũ có những vệt màu đen, nâu, hay xanh.
Thạc sĩ - bác sĩ Đào Thị Yến Phi
(Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM)
Theo NLĐ Online