Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm trong dịp tết, vì điều này có thể gây ngộ độc thực phẩm.
Sáng mồng 2 các siêu thị đã mở cửa, do vậy các gia đình không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm. Bác sĩ Nguyễn Thị Hoa, trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, đã khuyên người tiêu dùng như vậy.
Lựa chọn thực phẩm tươi sống
Bác sĩ Lê Thị Kim Quý - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - lưu ý thời tiết những ngày tết thường nóng bức, nên sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn phát sinh, gây bệnh. Do vậy, việc dự trữ thức ăn trong nhiều ngày rất dễ bị ôi, thiu, lên mốc, nhất là những loại đồ nguội, bánh chưng. Chưa kể thức ăn không được bảo quản đúng cách, hoặc trong thực phẩm chế biến sẵn có chứa độc tố, hóa chất, phẩm màu độc hại sẽ gây rối loạn tiêu hóa, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm.
Theo bác sĩ Hoa, chỉ mua thực phẩm khi biết rõ nguồn gốc. Thực phẩm được kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, còn hạn sử dụng, điều kiện bảo quản đúng, không chất phụ gia trái phép, nhãn hàng có uy tín. Với bánh, mứt, kẹo có thể mua nhiều vì để được lâu. Các thực phẩm chế biến sẵn như bánh chưng, bánh tét, giò chả... nên mua ở những cửa hàng quen lâu năm, hàng mới làm và cần được bảo quản trong tủ lạnh.
Với thực phẩm tươi sống, như thịt heo, theo bác sĩ Kim Quý nên chọn thịt đã được kiểm dịch, thịt tươi mới màu hồng, mỡ trắng hồng, da trắng sạch, mùi còn tươi, ấn thịt vào chắc và đàn hồi, nếu có xương thì thịt dính chặt vào xương.
Tôm, cá là những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và rất tốt nếu còn tươi, nhưng khi bị ươn sẽ khó lưu trữ. Cá tươi có màu hồng, mang cá đỏ hồng, ấn thịt chắc và đàn hồi, bụng không bể. Tôm tươi đầu còn dính chặt vào thân, thịt chắc, dính vào vỏ. Khi chưa sử dụng, những loại thực phẩm này cần đông lạnh ngay.
Đối với thịt gia cầm không nên mua gà, vịt sống và tự giết mổ tại nhà hay ở chợ. Chỉ mua thịt, trứng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Với rau, trái cây, khi mua nên chọn rau còn cuống lá, không nên mua các loại rau còn rễ, bám đất vì nguồn vi sinh từ đất dễ gây hư hỏng rau, trái.
Bác sĩ Hoa nhấn mạnh rau, củ, quả là nguồn thực phẩm cung cấp vitamin, nước và chất xơ cho cơ thể, giúp cân đối khẩu phần ăn vốn nhiều đạm và chất béo trong dịp tết. Nên mua loại có vỏ còn nguyên, tươi láng, màu tự nhiên, không giập nát. Chỉ gọt vỏ trước khi chế biến hoặc trước khi ăn. Nếu mua các loại đã được bảo quản trong tủ lạnh thì về nhà cũng phải bảo quản trong tủ lạnh. Với các loại rau củ quả không gọt vỏ, khi ăn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.
Thực phẩm sống |
Thực phẩm | Nhiệt độ | Thời gian bảo quản |
Thịt | 4-5OC -18OC (ngăn đá) | 1-2 ngày 10-20 ngày |
Cá | -18OC (ngăn đá) | 10-20 ngày |
Trứng | -2-2,5OC | Vài tháng |
Rau tươi | 8OC | 2-3 ngày |
Thực phẩm đã nấu chín |
Thịt | 0-4O C | 1-2 ngày |
Sữa tươi đã mở nắp | 1-2O C | 1-2 ngày |
Kem | 1-2O C | 1-2 ngày |
Thịt heo chiên nướng | 4-5OC | 3-5 ngày |
Canh | 4-5OC | 1-2 ngày |
Dưa giá | Nhiệt độ nhà | 5-10 ngày |
Dưa món mặn, cà pháo | Nhiệt độ nhà | Vài tuần |
Cách bảo quản thực phẩm
Theo bác sĩ Kim Quý, thịt, cá tươi sống cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, bịch nilông, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá. Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Với trẻ nhỏ, bữa ăn cần chế biến riêng, do vậy nên chia tôm, thịt, cá thành từng phần tương đương khẩu phần ăn một bữa của trẻ (30-50gam). Trước khi chế biến nên để ngăn mát rã đông 4-5 giờ. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.
Muốn bảo quản rau được lâu, sau khi bỏ lá sâu, lá giập, cắt bỏ phần rễ thì rửa sạch rau cho vào bao xốp, cột kín rồi xếp vào ngăn tủ mát. Rửa sạch trái cây, để ráo, sau đó cho vào bao xốp cột kín rồi cất vào tủ lạnh.
Đối với thức ăn nấu chín cần để nguội hẳn, đậy kín và cất vào tủ lạnh. Cần bảo quản thức ăn sống và chín vào những hộp riêng biệt. Việc bảo quản kín sẽ giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi sinh sang các món ăn khác.
Theo Tuổi Trẻ Online