Ngày Tết, ăn uống ít kiêng cữ, cộng với thói quen dự trữ thức ăn dễ khiến nhiều người mắc bệnh đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, nguy cơ ngộ độc rượu do vui xuân quá chén cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Từ rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn...
Tết năm nào cũng vậy, trong số những người vào cấp cứu tại các bệnh viện (BV) ở TP.HCM thì luôn có nhiều trường hợp nhập viện vì bị ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế TP.HCM): “Số người bị ngộ độc phải vào viện trong ba ngày Tết chỉ là rất nhỏ so với thực tế. Bởi vì, hầu hết những người bị rối loạn tiêu hóa, hay ngộ độc, tiêu chảy chịu không nổi mới vào viện, do đầu năm tâm lý ai cũng ngại đi BV...”.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa - Trưởng phòng Quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (Sở Y tế TP.HCM) cho rằng: “Trong những ngày Tết, tình trạng ngộ độc tập thể không nhiều như ngày thường, do lực lượng công nhân về quê nghỉ Tết, nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy dạng nhỏ lẻ ở các hộ gia đình thì rất nhiều, con số này không thể thống kê hết được. Dăm ba ngày Tết nhiều người hay bị rối loạn tiêu hóa, ngộ độc, tiêu chảy là do thói quen trữ thức ăn không đúng cách, đó là các gia đình hay để thực phẩm sống và thực phẩm đã chế biến trong cùng một ngăn tủ lạnh, nhưng không đậy riêng, khiến cho thức ăn chín bị nhiễm khuẩn chéo từ thực phẩm sống. Bên cạnh đó là tình trạng ăn uống “thả cửa” trong những ngày Tết cũng khiến cho bụng dạ bị quá tải dễ gây đầy bụng, rối loạn tiêu hóa...”. “Rượu uống vào được thải lọc qua gan, nên uống rượu là cách “nướng gan” nhanh nhất!” Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội)
Ở trẻ nhỏ, bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật (BV Nhi đồng 2, TP.HCM) nói: “Trong mấy ngày Tết, trẻ nhỏ được bố mẹ dẫn đi về quê, đi đây đó, dùng nhiều loại thức ăn lạ so với thường ngày; nhiều gia đình có thói quen kho sẵn thức ăn dự trữ, hâm đi hâm lại nhiều lần nên trẻ dùng rất dễ bị trục trặc đường tiêu hóa. Do vậy, thời điểm ngay sau Tết, năm nào BV cũng tiếp nhận nhiều trẻ bị tiêu chảy là vậy”.
...đến nguy cơ ngộ độc rượu
Được nghỉ mấy ngày xuân, đi đâu cũng bia, rượu, phần lớn người ta hay quá chén, nên chuyện say xỉn rất hay xảy ra. Bà Lê Thị Hồng Hảo, Phó viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) quốc gia cảnh báo: “Bản chất của rượu bao gồm cồn và nước. Có hai loại cồn là cồn metylic và etylic. Rượu chế biến bằng cồn metylic rất nguy hiểm, vì đây là cồn công nghiệp. Cồn metylic gây ngộ độc rất mạnh, những ca tử vong do rượu phần lớn là do uống phải rượu chứa cồn loại này. Chất này rất độc vì thải trừ chậm, chuyển hóa thành formol và acid formic. Do tính độc mạnh như vậy, nên nhiều trường hợp đã tử vong nhanh chóng ngay tại bữa tiệc, hay cuộc nhậu. Với rượu được pha chế bằng cồn được phép sử dụng etylic cũng có thể gây ngộ độc nếu uống quá liều. Liều gây ngộ độc tùy cơ địa mỗi người. Tuy nhiên, liều trung bình được khuyến cáo 1 - 1,5g/lít đã có thể gây say; 4 - 6g/lít có thể gây tử vong”.
Cũng theo bà Hảo: “Rượu được pha chế bị lẫn cồn công nghiệp metylic hầu hết tập trung tại các tỉnh phía Nam”.
Ông Phạm Xuân Đà (Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia) thì cảnh báo về rượu bổ dạng ngâm cây lá, động vật: “Khảo sát của chúng tôi cho thấy, nguy cơ ngộ độc rất cao trong các loại gọi là rượu “bổ” ngâm với cây lá, động vật, nội tạng động vật. Bởi chất lượng các loại rượu này không đảm bảo, công thức pha chế ngâm tẩm theo kiểu “truyền miệng”. Không ít rượu “bổ” được ngâm có lá ngón, là một loại lá chứa chất độc khiến người sử dụng thay vì được “tẩm bổ” lại tử vong. Với loại rượu ngâm động vật, nội tạng động vật cũng rất đáng lo ngại bởi hoàn toàn không kiểm soát được chất lượng”.
“Chúng tôi thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc rượu, nhưng đặc biệt tăng vào những ngày Tết. Có những ca ngộ độc nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Đặc biệt nguy hiểm nếu uống phải rượu giả, rượu kém chất lượng. Rượu uống vào được thải lọc qua gan, nên uống rượu là cách “nướng gan” nhanh nhất!”, ông Nguyễn Kim Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) nói. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm cảnh báo thêm: “Ngoài ngộ độc rượu, thì tình trạng say xỉn do quá chén thường dẫn đến ẩu đả, gây thương tích, mà các BV tiếp nhận rất nhiều trong ba ngày Tết”.
Ở góc độ y học cổ truyền, lương y Huỳnh Văn Quang (Hội Đông y Q.5, TP.HCM) nói: “Mấy ngày Tết, nhiều người hay bị chứng thực tức (tình trạng bội thực do ăn uống quá nhiều, uống nhiều bia lạnh, dùng nhiều thức ăn dầu mỡ, chiên xào...). Có thể giải quyết cái bụng đầy chướng, khó chịu do thực tức bằng cách: lấy 1 chén nước luộc rau muống, vắt vào nửa trái chanh, và 1/2 muỗng cà phê muối, uống hết một lần, rất hay.
Theo Thanh Niên Online