Quan trọng hơn nữa là đừng tuân thủ thói quen “ngày ba bữa, đúng giờ hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, vì người già không nên ăn quá no.
Nếu chỉ dựa vào tuổi đời, có thể tạm chia người cao tuổi vào ba nhóm:
- Nhóm “mới lão” bao gồm quý ông, bà trong độ tuổi từ 65 đến 75.
- Nhóm “lão lâu năm” là những đối tượng đã đếm được hơn 75 mùa Xuân.
- Nhóm “lão làng” với các cụ đã ngoài... 85.
Cả 3 nhóm đều có chung một điểm tương đồng với cường độ tiệm tiến thấy rõ theo độ tuổi. Đó là nhóm nào cũng có hệ tiêu hóa muốn nhanh chân “về hưu” nên dù có khi vẫn ăn nhiều được nhưng lại không khỏe vì không... tiêu!
Không có gì khó hiểu. Song song với tình trạng thiếu nước do cơ thể dễ mất nước hơn lúc còn thanh xuân thì ở người già dịch tiêu hóa cũng không được bài tiết dồi dào như lúc trẻ. Thêm vào đó là dấu hiệu khô miệng do thiếu nước bọt ở tối thiểu 1/4 người lớn tuổi. Tình trạng này càng đáng nói hơn nữa ở nước mình - nơi nhiều người lớn tuổi có thói quen ăn trầu, hút thuốc, uống trà đậm, nhưng lại ít uống nước.
Do đó, sau khi rà lại chất lượng của hàm răng người già, khẩu phần cần được thiết kế sao cho thích hợp với khả năng tiêu hóa của người cao tuổi. Nếu ép người lớn tuổi uống nước cho nhiều thì đó là một biện pháp tuy đúng về mặt lý thuyết nhưng không có giá trị thực tiễn, vì nhiều người không thể uống nước nếu không khát. Nhưng đợi đến khát mới uống thì quá muộn nếu muốn bảo vệ tế bào. Thay vì biện pháp uống nước, nên có khẩu phần lúc nào cũng có món lỏng như canh, cháo và nhất là trái cây, để người lớn tuổi vừa dễ ăn vừa ăn mà như... uống!
Quan trọng hơn nữa là đừng tuân thủ thói quen “ngày ba bữa, đúng giờ hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, vì người già không nên ăn quá no. Lượng thức ăn quá nhiều trong đường tiêu hóa là đòn bẩy cho phản ứng lên men trong khung ruột khiến gia chủ mau mệt, đầy hơi, khó tiêu sau bữa ăn. Ngược lại, nên chia thành nhiều bữa nhỏ với lần nào cũng có rau quả để cung cấp chất xơ đều đặn cho khung ruột.
Không những thế, nhờ nhiều bữa ăn nhỏ mà bớt gánh nặng cho tim. Tại sao phải ăn thật no để rồi mệt cầm canh? Tại sao không ăn theo kiểu “liệu cơm gắp mắm” để miếng nào đáng tiền miếng nấy về mặt biến dưỡng?
Có một điều chắc chắn: Nhờ vào nhiều công trình nghiên cứu gần đây về bệnh lý của người cao tuổi mà khẳng định được chế độ dinh dưỡng phù hợp với hệ tiêu hóa của người già là yếu tố quyết định để giảm thiểu nguy cơ của bệnh tim mạch, ung thư... Tuổi càng cao miếng ăn càng quan trọng. Cho nên báo hiếu không có nghĩa chỉ trong mùa Vu Lan!
Theo Người Lao Động