Cập nhật: 13/04/2010 14:16:39 Article Rating
Xem cỡ chữ

Có rất nhiều loại virut tấn công cơ thể theo các cách thức khác nhau để gây bệnh cho con người. Virut cúm lây lan qua không khí khi người mang mầm bệnh ho hoặc hắt hơi.

Một số loại lây qua đường ăn uống có thể gây rối loạn tiêu hóa. Nhưng HIV là một loại virut gây ra bệnh lý AIDS dẫn đến tử vong và hiện vẫn chưa có thuốc nào chữa khỏi...

 

Cơ chế hoạt động của HIV

 

HIV là một loại virut gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy yếu dần mà mất khả năng chống lại bệnh tật. "Đáp ứng miễn dịch" là khả năng của cơ thể chống lại bệnh tật. Khả năng này có được  là nhờ hệ thống  miễn dịch. Hệ thống  miễn dịch gồm nhiều thành phần, trong đó có "tế bào có chức năng bảo vệ" còn gọi là "bạch cầu" bao gồm cả tế bào CD4 (một loại tế bào bạch cầu). HIV tấn công hệ thống miễn dịch bằng cách tiêu diệt CD4, là tế bào đóng vai trò chủ chốt trong việc triệt tiêu các mầm bệnh hoặc nhiễm khuẩn. Sau một thời gian, HIV âm thầm nhưng liên tục phá vỡ tế bào bạch cầu khiến hệ miễn dịch mất dần chức năng bảo vệ cơ thể. Hậu quả kéo theo là các loại bệnh lý, nhiễm  khuẩn vốn trước rất khó tấn công nay ồ ạt xâm nhập cơ thể. Người nhiễm HIV sẽ tử vong khi hệ miễn dịch của họ bị "đánh sập" hoàn toàn do nhiều nguyên nhân khác nhau.

 

Quá trình tấn công hệ miễn dịch của virut có thể kéo dài nhiều năm. Trong thời kỳ này người nhiễm HIV không có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào, nhưng nguy cơ lây cho người khác là rất cao.

 

AIDS là gì?

 

Hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS) là một tập hợp nhiều triệu chứng của một loại bệnh. Trong trường hợp của AIDS, những triệu chứng này là hậu quả của hệ miễn dịch suy kiệt. Khi bị HIV tàn phá (không còn đủ tế bào CD4), hệ miễn dịch mất khả năng bảo vệ cơ thể, vì thế cơ thể dễ nhiễm "các nhiễm trùng cơ hội" và khối u. Đây chính là những bệnh lý liên quan đến HIV. Lúc này cơ thể người nhiễm dễ bị tổn thương và nhiễm nhiều loại bệnh lý như lao, viêm phổi và các dạng ung thư. Không như các loại bệnh khác, người bị AIDS có các biểu hiện lâm sàng khác nhau tùy vào loại nhiễm trùng cơ hội mà họ mắc phải. Vì lý do này ta không thể chẩn đoán AIDS dựa vào một triệu chứng hoặc dấu hiệu đơn lẻ mà phải do một bác sĩ chuyên khoa thực hiện.

 

Khi một người mới nhiễm HIV, họ trông vẫn khỏe mạnh bình thường như bao người khác. Nếu không được điều trị và sau một thời gian hệ miễn dịch bị HIV liên tục tấn công, người nhiễm sẽ có những biểu hiện triệu chứng và bệnh lý, cơ thể suy yếu dần. Sau cùng sẽ tiến triển đến giai đoạn cuối cùng là AIDS.

 

Chúng ta không thể quan sát hoặc "cảm nhận" một người có nhiễm HIV hay không qua hình dáng bên ngoài của họ  mà cần phải làm xét nghiệm (ví dụ như xét nghiệm máu) mới xác định được tình trạng nhiễm HIV. Vì người nhiễm HIV không có biểu hiện triệu chứng hay bệnh lý trong một thời gian dài. Đây chính là giai đoạn nhiễm "không triệu chứng". Sau một thời gian, khi HIV có khả năng phá hủy hệ miễn dịch, người nhiễm sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng do virut gây ra. Lúc này họ chuyển sang giai đoạn nhiễm "có triệu chứng". Những dấu hiệu của AIDS cũng bắt đầu khởi phát trong thời kỳ này. Nếu không được điều trị, chăm sóc và hỗ trợ thì khả năng tử vong của người trong giai đoạn AIDS rất cao.

 

Nhiều người không biết mình bị nhiễm HIV/AIDS, vì vậy mà lây truyền virut ra bên ngoài một cách không ý thức. Nhiễm HIV cũng làm tăng nguy cơ mắc các nhiễm  khuẩn lây truyên qua đường tình dục.

 

Nhiễm HIV bao lâu thì chuyển sang AIDS?

 

Điều đó còn tùy thuộc vào thể trạng (cơ địa) và tinh thần của mỗi người. Ngoài ra những yếu tố khác cũng góp phần đáng kể như mức độ chăm sóc, hỗ trợ, lối sống, chế độ nghỉ ngơi, vận động, dinh dưỡng hợp lý, yếu tố tinh thần... Thời gian này có thể kéo dài từ 3 - 10 năm, thường là 9-10 năm. Tuy nhiên do thuốc điều trị ngày càng sẵn có, nếu được chăm sóc y tế tốt, được tiếp cận thuốc đặc trị, người nhiễm có thể duy trì cuộc sống khỏe mạnh, có ý nghĩa trên 20 năm.

 

Nếu như chuyển sang giai đoạn AIDS mà không được tiếp cận điều trị, chăm sóc y tế tốt, người nhiễm thường sống thêm được 1 năm. Ngược lại nếu được chăm sóc y tế và điều trị thuốc ARV họ sẽ duy trì được sự sống trong một thời gian dài tính bằng năm. Ngày nay, nhiều người được tiếp cận thuốc đặc trị và thuốc giúp làm giảm nồng độ HIV trong cơ thể khiến hệ miễn dịch được phục hồi, người nhiễm trở lại giai đoạn không triệu chứng.

 

Ai có thể nhiễm HIV?

 

Một số người cho rằng ai đó trông mập mạp, khỏe mạnh hoặc thuộc tầng lớp cao trong xã hội thì không thể bị nhiễm HIV. Ngược lại, ai trông nghèo đói, thuộc nhóm mại dâm hay tiêm chích ma túy mới có thể bị nhiễm. Đây là một suy nghĩ sai lầm.

 

HIV không phân biệt giai tầng xã hội, không phân biệt kẻ mập, người gầy. HIV lây lan do hành vi và những ai thực hiện những hành vi nguy cơ hoặc tiếp xúc với nguồn lây đều có thể bị nhiễm. Nhiễm HIV không liên quan đến giai cấp, bề ngoài, tuổi tác, học vấn, nghề nghiệp, dân tộc hay bất kỳ yếu tố nào khác. Ngoại lệ duy nhất là trẻ em. Các em mặc dù không thực hiện hành vi nguy cơ cao nào vẫn có thể lây nhiễm từ mẹ có HIV dương tính.

 

 

 

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm