Việt Nam đặt mục tiêu 145 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014. Các nghiên cứu cho thấy, mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, nhờ việc mở rộng thị trường, cũng như các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán để tiến tới ký kết với các đối tác.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu, trong hội nhập quốc tế và kinh tế đối ngoại, trước hết cần tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu. Trong đó, cần thực hiện hiệu quả việc mở rộng thị trường truyền thống để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chủ lực. Đồng thời, tranh thủ các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương đã có để đưa hàng hóa của Việt Nam thâm nhập các thị trường mới.
Cùng với nền tảng tăng trưởng vượt kế hoạch của năm 2013 khi tổng kim ngạch tăng trưởng 15,3%, (ước đạt 132 tỷ USD, vượt chỉ tiêu 126 tỷ USD mà Quốc hội đề ra), công tác xuất khẩu năm 2014 được giới chuyên môn dự báo sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đang đàm phán.
Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, năm 2014, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng khá từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Năm 2014, Việt Nam đặt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 10%. Tuy nhiên, Trung tâm nghiên cứu BIDV còn lạc quan hơn khi đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2014 sẽ tăng trưởng 13-14%, đạt mức 148-150 tỷ USD.
Theo Trung tâm nghiên cứu BIDV, triển vọng xuất khẩu năm 2014 rất khả quan do các chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu ngày càng được hoàn thiện. Bên cạnh đó, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn thuộc hàng tiêu dùng thiết yếu nên ít thuộc diện cắt giảm tại các thị trường chủ chốt (Mỹ, EU...) khi người tiêu dùng tại các thị trường này tiết giảm chi tiêu.
Mặt khác, hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử-máy tính-linh kiện và dệt may-giày dép (chiếm tổng tỷ trọng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu) vẫn có triển vọng tăng trưởng rất khả quan, hầu hết các doanh nghiệp dệt may, giày dép đã nhận được đơn hằng quý I và quý II/2014.
Đặc biệt, nhiều cơ hội mới sẽ mở ra cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam với một loạt hiệp định hợp tác sắp được ký kết. Trong đó, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các nước thành viên trong đó có Việt Nam đang nỗ lực kết thúc các vòng đàm phán được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu.
Một hiệp định quan trọng khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hoàn tất 5 vòng đàm phán và dự kiến sẽ kết thúc đàm phán trong năm 2014.
Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN khoảng 35 tỷ USD, tuy nhiên quan hệ thương mại của Việt Nam với ASEAN còn hạn chế so với tiềm năng. Khi cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào năm 2015, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo lộ trình cam kết, đến năm 2015, có tới 90% các dòng thuế giảm xuống 0%, phần lớn các dòng thuế sẽ đưa về 0% vào năm 2018... đây là những cơ hội để doanh nghiệp Việt mở rộng xuất khẩu vào thị trường ASEAN trong thời gian tới.
Nhiều cơ hội mới đang mở ra cho xuất khẩu Việt Nam trong năm 2014.
Theo chinhphu.vn