Cập nhật: 30/01/2014 14:39:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo nhiều Tham tán thương mại, năm nay hàng Việt Nam có nhiều cơ hội hơn khi xuất khẩu vào các thị trường Mỹ Latinh, Nhật,EU, Mỹ...

Nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu năm 2014

Tại Kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về chỉ tiêu xuất khẩu năm 2014 tăng 10%, nhập siêu khoảng 6%. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, “đây là nhiệm vụ to lớn và đầy thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các Bộ, ngành, Hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp”. Song khi chính thức bước sang Năm mới Giáp Ngọ 2014, tín hiệu khả quan từ kinh tế thế giới và trong nước, nhiều dự báo tin tưởng rằng, xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục có nhiều triển vọng về tăng trưởng và là điểm sáng cho nền kinh tế.

Xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% năm 2014

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm 2014, ngân hàng HSBC dự báo rằng, những điểm sáng chính yếu của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 sẽ vẫn là các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu. Với các điều kiện toàn cầu đang được cải thiện và những hiệp định thương mại đang trong quá trình đàm phán, các công ty chuyên xuất khẩu sẽ có một năm tăng trưởng mạnh nữa.

HSBC còn cho rằng, với việc tăng cường đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, Việt Nam được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ nhu cầu các nước phương Tây được cải thiện. HSBC kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 20% trong năm 2014 từ mức tăng 15,4% trong năm 2013. Điều này sẽ giúp hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mức 5,6% trong năm 2014 từ mức 5,4% trong năm 2013.

Trong không khí đầu Xuân mới 2014, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng nhận định: Dự báo trong năm 2014, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đang được Bộ Công Thương tích cực đàm phán, ký kết sẽ góp phần mở rộng thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam (như các Hiệp định: TPP; Việt Nam – EU; Việt Nam – EFTA; FTA Việt Nam - Hàn Quốc và FTA Việt Nam và Liên minh Thuế quan Nga – Belarus – Kazakhstan).

Chile-cửa ngõ rất tốt cho hàng Việt vào Mỹ Latinh

Ông Trần Đình Văn, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Chile tin tưởng rằng, năm nay có nhiều cơ hội cho hàng Việt xuất ngoại, triển vọng kết quả cũng sẽ rất tốt. Bởi vì, ngay tại thị trường Chile, năm nay với chính quyền mới, Tổng thống tái đắc cử là bà Michelle Bachelet, chính là người đặt nền móng cho hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Chile. Cùng với đó, năm 2013, đầu tư vào Chile và các nước trong khu vực (như Colombia, vào Brazil, vào Peru, Uruguay) chủ yếu để xây dựng các trung tâm thương mại, siêu thị và chủ yếu làm dịch vụ.

Đây chính là cơ hội cho hàng Việt, vì các trung tâm siêu thị của Chile có thể lấy hàng thẳng từ Việt Nam, chuyển qua Chile, rồi họ làm lại nhãn mác và chuyển sang các quốc gia khác. Khi đó, thuế quan cũng bằng 0, và lưu chuyển cũng rất là dễ dàng.

“Trong xu thế hội nhập khu vực, Chile là cửa ngõ rất tốt cho hàng Việt thâm nhập các thị trường khu vực này. Vì Chile đầu tư ra nước ngoài nhiều nhất Mỹ Latinh. Chile có hệ thống siêu thị ở tất cả các nước Mỹ Latinh và ở Mỹ”- ông Văn nhấn mạnh.

Hơn thế, theo ông Văn, nhiều hàng xuất xứ từ Việt Nam (như: điện thoại, giầy dép, hàng thủ công, mỹ nghệ, phân bón, đồ gỗ...) không chỉ cạnh tranh tốt về chất lượng mà còn được lợi thế về ưu đãi thuế.

Thị trường EU, Mỹ có lực để hấp thụ mạnh hàng Việt

Tại Bỉ và EU, ông Vũ Bá Phú, Tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại các thị trường này, cho biết: Năm vừa qua khối EU đã dần dần qua cơn khủng hoảng kinh tế. Năm 2014, thị trường cũng sẽ được khôi phục. Xuất nhập khẩu của EU trong nội khối và ngoài khối sẽ phát triển.

Vừa qua, các mặt hàng xuất xứ từ Việt Nam như: hàng điện tử, điện thoại, dệt may, da giày... đã tăng trưởng tốt khi xuất khẩu vào các thị trường này. Năm 2014 sẽ tiếp tục có kết quả khả quan. Bởi theo các chuyên gia kinh tế và thương mại của Bỉ khuyến cáo, nếu mặt hàng nào đã thành công trong xâm nhập thị trường của Bỉ thì chắc chắn sẽ thành công trong việc xâm nhập thị trường EU.

Đặc biệt, ông Phú cho biết, năm 2014, thị trường EU bắt đầu khôi phục, những giải pháp về kinh tế, thương mại, an sinh xã hội của EU bắt đầu phát huy tác dụng, sẽ làm tăng sức mua, tăng nhu cầu của thị trường. Với cơ hội thị trường tiềm năng rộng mở này, cùng với sự tích cực của đội ngũ làm công tác tham tán thương mại trong việc kết nối tốt hơn nữa giữa các doanh nghiệp châu Âu với doanh nghiệp Việt Nam, hàng Việt xuất khẩu vào EU sẽ khởi sắc hơn.

Nhiều năm trực tiếp làm công tác tham tán tại Mỹ, nơi thị trường lớn và nhiều tiềm năng cho hàng Việt, ông Đào Trần Nhân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ cho biết: Trong năm 2014, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn và quan trọng của Việt Nam. Đặc biệt là các mặt hàng như thủy sản tôm, cá basa, cá tra, giầy dép, dệt may....

Doanh nghiệp cần chủ động để giành thắng lợi

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: Muốn đạt và vượt mục tiêu xuất khẩu, ngay năm 2014, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý hướng vào các mặt hàng mới. Đó là hàng chế tạo có công nghệ trung bình và công nghệ cao phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu với lợi thế của Việt Nam.

Song song với đó, cũng cần tiếp tục tập trung phát triển xuất khẩu những mặt hàng có lợi thế như: thuỷ sản, nông sản, dệt may, điện tử, các sản phẩm chế tác công nghệ trung bình...

Đặc biệt, Bộ trưởng cho biết, sẽ tập trung phát triển thị trường cho các sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, có giá trị gia tăng cao hoặc các nhóm sản phẩm có tỷ trọng kim ngạch lớn. Trong đó, sẽ tập trung khai thác cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ... đồng thời khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, châu Phi, Trung Đông và Mỹ Latinh.

Dù cơ hội rất rộng, nhưng thách thức nhiều, “doanh nghiệp cần chủ động cập nhật thông tin thế giới và trong nước, nắm bắt thời cơ... để đẩy mạnh xuất khẩu”- Bộ trưởng Hoàng lưu ý.

Ông Đào Trần Nhân cũng lưu ý, thị trường Hoa Kỳ nhiều tiềm năng, nhưng đây không phải là thị trường thương mại thông thường mà có tính chính trị trong việc xuất khẩu hàng hóa vào đây. Các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ thường xuyên dựng lên rào cản thương mại, các vụ kiện chống phá giá, chống trợ cấp với mục tiêu ngăn cản hàng xuất khẩu của Việt Nam, bảo hộ thị trường nội địa của phía Mỹ.

Do vậy, với kinh nghiệm nhiều năm làm thương vụ tại đây, ông Nhân đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này cần biết chủ động ứng phó bất trắc; chủ động tiếp cận các chính sách mới về nhập khẩu của các quốc gia mà doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu hàng hóa vào.

Ông Phú cũng khuyên doanh nghiệp Việt Nam chủ động hơn nữa trong việc kết nối với thương vụ, đại diện Việt Nam tại Bỉ, EU để có hỗ trợ nhiều hơn nữa khi đưa hàng hóa, dịch vụ của mình vào thị trường này.

Còn ông Trần Đình Văn khuyên các doanh nghiệp khi xuất khẩu hàng hóa nên tiếp cận qua kênh thương vụ để được cung cấp thông tin chính thống về thị trường. Hơn nữa, nếu gặp sự cố sẽ được hỗ trợ kịp thời hơn trong xử lý.

Hợp tác phải cùng có lợi mới bền

Ông Văn đặc biệt lưu ý doanh nghiệp Việt Nam rằng, “làm ăn với các doanh nghiệp Mỹ La tinh, họ tôn trọng nguyên tắc hai bên cùng thắng. Nếu doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm cho mình thắng sẽ rất khó làm ăn lâu dài. Hàng hóa Việt Nam có thể vào và cạnh tranh được ở thị trường này, nhưng hàng giá rẻ thì rất khó, còn hàng hóa chất lượng trung bình trở lên sẽ cạnh tranh rất tốt”.

Nhấn mạnh vào khía cạnh gia tăng giá trị hàng hóa trước khi xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú khuyên doanh nghiệp Việt cần “chuyển mạnh mẽ từ cạnh tranh về giá đối với sản phẩm xuất khẩu vào thị trường Bỉ và EU, sang cạnh tranh về năng suất, chất lượng, hiệu quả. Bởi vì thị trường EU, mặc dù chấp nhận giá nhập khẩu rất cao. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm phải rất cao, rất ổn định. Họ cũng đòi hỏi rất cao về chế độ hậu mãi, dịch vụ kèm theo và cam kết về chất lượng sản phẩm rất”./.

Theo Xuân Thân – Thu Thủy/VOV.VN

Tệp đính kèm