Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân tôn vinh là con người Việt Nam đẹp nhất, là sự kết tinh của những gì ưu tú nhất Việt Nam.
Bác Hồ làm việc tại Nhà sàn
Người là một nhà văn hóa lớn, một nhân vật lỗi lạc trong số các lãnh tụ của Việt Nam, qui tụ những giá trị tốt đẹp nhất làm nên văn hóa của dân tộc Việt Nam, từ tư tưởng và trí tuệ, tâm hồn và tình cảm, đạo đức và lối sống, cốt cách và bản lĩnh Việt Nam.
Chủ tịch HCM có nhiều cống hiến to lớn cho dân tộc VN và cho cả thế giới. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa và khí phách của dân tộc Việt Nam”.
Chính vì thế, trong Khoá họp toàn thể lần thứ XXIV tại Pari (thủ đô nước Cộng hoà Pháp) từ ngày 20/10 đến ngày 20/11/1987, UNESCO đã thông qua Nghị quyết về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nghị quyết này ghi rõ: "Ghi nhận rằng, năm 1990 sẽ được đánh dấu bằng lễ kỷ niệm lần thứ 100 Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng giải phóng dân tộc và là nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”.
Theo PGS-TS Phạm Xanh (Khoa lịch sử -Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), nghị quyết của UNESCO đã bao quát những công lao vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với dân tộc VN và nhân loại tiến bộ.
Còn theo GS-TS Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Bác Hồ là một con người giản dị nhưng thực sự vĩ đại. Sự kết hợp giữa vĩ đại và giản dị trong con người Hồ Chí Minh thể hiện không chỉ trong tư tưởng, sự nghiệp của người mà cả trong văn hóa, đặc biệt là văn hóa ứng xử rất tinh tế của Người. Đó là một trong những điều nổi bật, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân Việt Nam và cả bạn bè quốc tế.Tất cả những biểu hiện ở chủ nghĩa nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện ở sự giải phóng con người, tình yêu thương con người, coi trọng con người, sự khoan dung, sử dụng đúng con người. Tất cả những giá trị đó khi con người hướng tới chính là giá trị chung của toàn nhân loại.Thực hành đạo đức là hết sức quan trọng đối với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh để thực hiện được điều này đã tích lũy những giá trị của nhân loại trong mình. Như chúng ta đã biết: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi rất nhiều nước trên thế giới, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Cho nên trong con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tích lũy những giá trị của nhân loại.
Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng kiệt xuất mà Người còn là một nhà văn hóa lớn, nhà văn hóa kiệt xuất của thế kỷ 20. Nói đến văn hóa là nói đến các giá trị Chân - Thiện - Mỹ, nói tới lối sống, hành vi ứng xử giữa người với người. Sinh thời, Bác Hồ đối xử với cán bộ, đảng viên với nhân dân rất gần gũi và mật thiết, không có khoảng cách nào giữa lãnh tụ với người dân cả. Chính điều này làm tầm vóc vĩ đại Hồ Chí Minh càng nổi bật hơn. Lãnh tụ mà có những bữa ăn hàng ngày như người dân, lãnh tụ đi tát nước chống hạn với dân... để hiểu về đời sống của nhân dân còn lao khổ như thế, bữa cơm chưa no, manh áo chưa lành.
Bác nói là "Sông sâu, bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái, chứ không sợ người ta không theo mình". Bác cũng chủ trương: "Làm sao cho cái hay, cái tốt của mọi người nảy nở như hoa mùa xuân, còn cái ác, cái xấu, cái dở thì mất dần đi rồi tiến tới mất hẳn". Không có sức mạnh bao dung đó, thì không cảm hóa được đông đảo công chúng.
UNESCO vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam vì Người có rất nhiều đóng góp trong sự sáng tạo các giá trị văn hóa của Việt Nam cũng như của nhân loại.
Theo GS Hoàng Chí Bảo, Bác Hồ là người hoạt động xã hội rất phong phú. Cuộc đời của Người trải nghiệm rất sâu sắc và thực sự là một kho tàng sống. Bác là một nhà tư tưởng, một nhà chính luận nên người có những tác phẩm lý luận rất xuất sắc. Bác còn là một nhà văn, một nhà thơ, mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một trong những học trò ưu tú nhất của Bác đã từng nói là: "Tâm hồn của Người lộng gió bốn phương thời đại". Chính vì thế, sáng tạo của Người về văn hóa nên thế giới tôn vinh Người là danh nhân văn hóa kiệt xuất của VN là rất có cơ sở.
Bác là người phát hiện ra vai trò của văn hóa, đó là "văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi". Người tích lũy các tri thức Đông, Tây, kim, cổ, hội tụ tinh hoa của văn hóa thế giới để làm phong phú chính bản thân mình và dân tộc mình. Sinh thời Bác nói: “Phương Đông có gì hay ta cũng học, Phương Tây có gì hay ta cũng học, nhưng học một cách sáng tạo chứ không bắt chước và luôn luôn đề phòng biến mình thành kẻ bắt chước”. Biến tinh hoa của thế giới cùng với dân tộc để làm phong phú mình lên, để xây dựng cho được một nền văn hóa thuần túy Việt Nam.Và chính vì thế, theo PGS-TS Phạm Xanh, bài học lớn nhất mà chúng ta suốt đời học Bác đó là: động cơ và lối sống, động cơ vì nước vì dân và làm tất cả những gì vì hạnh phúc của nhân dân, làm tất cả những gì có thể phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Đây là lẽ sống cao cả nhất của Người và vì thế mà Người hy sinh cả đời mình.
Có lẽ chỉ có duy nhất HCM là một mẫu mực của việc vượt ra khỏi mọi cám dỗ của vòng danh lợi, vượt ra mọi cám dỗ của chủ nghĩa cá nhân, đánh bại chủ nghĩa cá nhân mà người coi là cuộc chiến đấu lâu dài trong cả cuộc đời. Nó như triết lý của nhà phật "vô ngã, vị tha", quên mình đi vì người khác, ở đây là cả dân tộc và nhân loại. Học tập Bác ở động cơ sống cao thượng như vậy thì mới có đủ nghị lực sống, vượt qua mọi khó khăn, vất vả hy sinh để làm trọn sự nghiệp của mình.
GS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, chúng ta cũng cần học phương châm hành động của Bác, lời nói đi đôi với việc làm; sống giản dị, tự nhiên, trung thực như chính cuộc đời mà Bác là một mẫu mực. Điều cần nhất cho chúng ta hiện nay là thực hành dân chủ, trọng dân, trọng pháp để có sức mạnh chống lại chủ nghĩa quan liêu, chống tệ tham nhũng, lãng phí, để đưa sự nghiệp đổi mới ngày càng thành công./.
Theo Mai Hồng/VOV.VN