Cập nhật: 24/05/2014 10:19:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Căng thẳng tại Biển Đông do hành động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc có thể khiến nền kinh tế thế giới gánh chịu những tổn thất khôn lường. Và điều này đang đánh động toàn thế giới qua những xung đột trên Biển Đông hiện nay.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị quốc tế "Tương lai châu Á". Ảnh: Nikkei Asian Review.

Đông Nam Á sẽ thành “chiến trường” nếu Trung Quốc gây bất ổn

Đó là phát biểu của Thủ tướng Singapore - ông Lý Hiển Long, trước sự phát triển gây bất ổn trong khu vực. Nhận định của ông Lý Hiển Long phát biểu tại Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” tại Tokyo được kênh truyền hình Channel News Asia loan tải.

Ông Lý Hiển Long khẳng định châu Á có nguy cơ bị chia rẽ, đối đầu, đồng thời đưa ra hai kịch bản cho châu Á. Trong kịch bản thứ nhất, nếu quan hệ Mỹ-Trung trở nên nồng ấm và kinh tế Nhật Bản phục hồi thì châu Á sẽ trải qua một thời kỳ hòa bình, thịnh vượng khi các quốc gia bắt tay nhau vì lợi ích chung. “Một môi trường chiến lược ổn định sẽ thúc đẩy sự hợp tác kinh tế trong khu vực, qua đó tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Điều này sẽ nâng cao mức sống người dân và giữ gìn hòa bình cho khu vực”, ông Lý nhấn mạnh. Trong kịch bản này, theo ông Lý, các quốc gia ASEAN sẽ có thể tăng cường hợp tác, hội nhập trong khi đóng vai trò trung gian cho sự hợp tác giữa các cường quốc.

Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore cũng cảnh báo về một kịch bản khác - một châu Á chia rẽ, đối đầu trong trường hợp sự phát triển của Trung Quốc gây ra bất ổn trong khu vực và ảnh hưởng xấu đến quan hệ Trung-Mỹ. Đó sẽ là một châu Á đầy những tranh chấp lãnh thổ và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Trong kịch bản này, các quốc gia ASEAN ngả về những phe khác nhau, biến Đông Nam Á trở thành “một bãi chiến trường” giữa các cường quốc với nhau. “Sự thụt lùi về kinh tế là không thể tránh khỏi trong một môi trường như vậy. Sẽ có những cuộc tranh chấp thương mại, những cuộc chiến tiền tệ, những vụ trả đũa bảo hộ thương mại. Lợi ích chung sẽ giảm đi, mâu thuẫn sẽ tăng lên và các quốc gia khó kiềm chế hơn khi xảy ra xung đột”, ông Lý cảnh báo.

Thủ tướng Singapore cho rằng trong 20 năm tới, tương lai châu Á gắn kết và thịnh vượng hay chia rẽ và đối đầu đều phụ thuộc vào mối quan hệ Mỹ-Trung. Ông cho rằng vào năm 2034, Mỹ vẫn sẽ là siêu cường hàng đầu thế giới, còn Nhật Bản vẫn sẽ là quốc gia có nền kinh tế hàng đầu với sức mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hai nước này cùng với Trung Quốc sẽ đóng vai trò chủ đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do đó, “thay đổi lớn nhất của châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự trỗi dậy của Trung Quốc, cả về kinh tế và tầm ảnh hưởng”.Ông Lý cảnh báo Chính phủ Trung Quốc phải hết sức thận trọng trong quá trình phát triển của mình: “Những thay đổi của Trung Quốc trong thời gian tới là chưa hề có tiền lệ ở quốc gia nào. Chính phủ Trung Quốc sẽ phải thận trọng, giống như phải đi từng bước qua một dòng sông”.

Tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á vào chiều ngày 22/5 tại Manila, Philippines, Chủ tịch WEF Klaus Schwab đã kêu gọi giải quyết bất đồng Biển Đông, hiện đang là nguy cơ đối với sự ổn định và phát triển kinh tế, bằng biện pháp hòa bình, đối thoại. Thông điệp của Chủ tịch WEF được đưa ra sau bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại phiên toàn thể của WEF Đông Á 2014, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh bất ổn, xung đột ở Biển Đông khiến nền kinh tế thế giới gánh chịu những tổn thất khôn lường. 

Ông Klaus Schwab nêu rõ, “mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng với nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét. Ông Chủ tịch kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại. Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, rất cần cùng nhau bảo đảm cho hòa bình toàn cầu”.Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon hôm qua đưa ra lời kêu gọi giải quyết các bất đồng ở châu Á bằng đối thoại, không hành động đơn phương. Ông Ban Ki-moon đang có chuyến thăm chính thức Trung Quốc dài 5 ngày và tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về “Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á” (CICA) tại Thượng Hải, Trung Quốc.

Trong bài phát biểu tại hội nghị, ông Ban cho rằng một trong những mối lo ngại hiện nay tại châu Á là sự gia tăng của những tranh chấp lãnh thổ ở khu vực có các quốc gia thành viên của CICA. Ông kêu gọi các bên liên quan giải quyết bất đồng bằng đối thoại bởi văn hóa đối thoại đã ăn sâu ở châu Á. Tổng Thư ký LHQ nhận định rằng tương lai của thế giới đang nằm ở châu Á. Lục địa này là nơi có nền kinh tế năng động, đổi mới, nhiều tiềm năng và đang tạo ra những triển vọng lạc quan.

Ngày 21/5, Hạ nghị sỹ Mỹ Madeleine Z. Bordallo ra tuyên bố báo chí bày tỏ quan ngại trước những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho rằng những hành động này gây bất ổn và làm tổn hại các nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực và hy vọng ASEAN có thể xây dựng được khuôn khổ giải quyết hiệu quả các yêu sách và tranh chấp chủ quyền. Bà nhấn mạnh các động thái của Trung Quốc càng phản ánh rõ sự cần thiết của việc Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách "tái cân bằng" chiến lược ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự hiện diện về ngoại giao, quân sự và kinh tế của Mỹ trong khu vực đóng vai trò quan trọng cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định trong tương lai.

Hạ nghị sỹ Madeleine Z. Bordallo là đại diện nữ đầu tiên của đảo Guam tại Hạ viện Mỹ từ năm 2003 và là một trong những người đề xuất các nghị quyết của Hạ viện Mỹ liên quan tới vấn đề Biển Đông.

 

Theo Nguyễn Chiến/Chinhphu.vn

 

 

Tệp đính kèm