Trang Asia Sentinel, qua bài viết "China miscalculates with its drill rig" (Trung Quốc tính sai với giàn khoan của họ), đánh giá Trung Quốc thất bại mọi mặt trong hành vi tạo sóng ở Biển Đông.
Bài báo viết: Giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc coi là lãnh thổ di động của mình, nhưng để vận hành nó thì tốn kém khủng khiếp. Có thể coi giàn khoan này là con quái vật có khả năng ngốn tiền với tốc độ chóng mặt.Theo Yenling Song, một chuyên gia về khai thác tại Singapore, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tốn khoảng 328.000 USD mỗi ngày để cho giàn khoan đứng trên biển chứ chưa hoạt động gì. Ngoài ra, chi phí để nuôi một đội tàu hùng hậu xung quanh giàn khoan để thực hiện cái gọi là “bảo vệ” cũng rất tốn kém. Cuối cùng thì giàn khoan cũng sẽ phải rút khỏi khu vực mà nó đang neo đậu, thăm dò bất hợp pháp, để trở về mà chẳng thu hoạch được gì. Nói tóm lại, về mặt kinh tế thì việc đưa giàn khoan ra Biển Đông của Trung Quốc đã thất bại thảm hại.
Trung Quốc biết rằng việc đưa giàn khoan đi thăm dò phi pháp không mang lại lợi ích về kinh tế nhưng tại sao họ vẫn quyết làm? Bắc Kinh nghĩ rằng việc họ đưa giàn khoan ra đó sẽ là hành động để khẳng định cái mà họ gọi là “chủ quyền trên biển”. Nhưng trên thực tế, sau khi Trung Quốc làm vậy thì không quốc gia nào lên tiếng ủng hộ lập trường của Bắc Kinh về vấn đề này. Cả Mỹ, Nhật và các quốc gia có tiếng nói trong khu vực đều lên án hành vi của Bắc Kinh, thậm chí Mỹ còn dùng từ “khiêu khích”, "ngạo mạn" để mô tả hành vi của Trung Quốc.
Nhân sự vụ này, Philippines, một quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc, cũng tranh thủ nhắc lại việc muốn đưa các tranh chấp với Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Trung Quốc tiếp tục im lặng không dám theo đuổi biện pháp giải quyết vấn đề thông qua tòa án quốc tế nên càng chứng tỏ họ đuối lý ở Biển Đông.
Hành động của Trung Quốc diễn ra chỉ vài ngày trước khi khai mạc Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN. Trung Quốc muốn nhân vụ này để chia rẽ khối ASEAN như họ từng làm khá thành công năm 2012. Khi đó, ASEAN đã không thể đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông trước lời kêu gọi của Philippines (lúc ấy đang tranh chấp bãi Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc). Lần này, Trung Quốc hy vọng họ sẽ giật dây được một vài thành viên ASEAN chống lại tuyên bố chung nhưng không ngờ lại thất bại. Trong hội nghị tại Myamar, các nước ASEAN với 10 thành viên đã lần đầu tiên ra được tuyên bố chung về Biển Đông.
Nói tóm lại, mọi mục tiêu, mọi lợi ích của Trung Quốc đều bị tổn hại nặng nề trong việc đưa giàn khoan ra vùng biển của Việt Nam. Họ không thu thêm được một đồng nào từ dầu mỏ mà chỉ nhận về sự thù địch của láng giềng và càng làm lợi cho Mỹ trong kế hoạch xoay trục về châu Á, chính sách mà Trung Quốc e ngại nhất từ Mỹ.
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 22/5, Giáo sư Carl Thayer, từ Học viện Quốc phòng Australia nói: Khi có mặt ở Hà Nội vào thời điểm tranh chấp xung quanh giàn khoan mới bắt đầu, tôi đã nói chuyện với một số nhà ngoại giao nước ngoài và họ nói rằng các đồng nghiệp của họ ở Bắc Kinh cho biết CNOOC ban đầu được yêu cầu tiến vào khu vực lô 142-143 và CNOOC đã từ chối với lý do quá tốn kém. Tuy nhiên cuối cùng họ vẫn nhận được lệnh phải tiến vào đó và được cho biết nhiệm vụ thăm dò dầu khí không phải là vấn đề ưu tiên.
Trung Quốc đã dự phòng phương án tháo gỡ căng thẳng bằng cách tuyên bố sẽ chỉ đặt giàn khoan ở vị trí này từ ngày 2/5 đến ngày 15/8. Tuy nhiên điều mà chúng ta chưa nghĩ đến là khi giàn khoan này thôi hoạt động và rời đi, Trung Quốc có thể đưa một giàn khác nhỏ hơn để thế chỗ dưới sự canh gác chặt chẽ. Bên cạnh đó, thời điểm mà Trung Quốc tuyên bố sẽ rút lui giàn khoan vào tháng 8 có thể chỉ đơn thuần là do để tránh mùa bão thường xảy ra từ tháng 9-10 trong khu vực.Trung Quốc rõ ràng là đang phải chi rất nhiều, không chỉ cho giàn khoan đắt tiền của họ, mà còn cho cả hơn một trăm tàu đang hoạt động quanh đó - quy mô chưa từng thấy từ sau Thế chiến II. Điều này cho thấy đây không chỉ đơn thuần là hoạt động thăm dò dầu khí.
Trung Quốc đã phải trải qua bao nhiêu phiền phức như hiện nay, chỉ để khai thác những nguồn nhiên liệu rất có hạn như thế, rõ ràng không phải là một cách huy động vốn hiệu quả. Từ đó có thể thấy điều này là nhằm một mục đích khác. Tôi nghĩ là chúng ta đã không thấy hết được tính nghiêm trọng của việc thành lập Thành phố Tam Sa và đồn trú quân ở đó, cũng như ban hành luật đánh bắt trên các vùng biển quanh đảo Hoàng Sa và Phú Lâm. Trung Quốc đang muốn có một điểm tựa vững chắc ở phía Bắc Biển Đông để từ đó tiếp tục tiến về phía Nam.
Tờ Telegraph của Anh mới đây có bài bình luận cho rằng Trung Quốc tự rút dao đâm mình khi đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam. Bài bình luận viết: Trung Quốc đang tích cực bổ sung nguồn dự trữ dầu mỏ chiến lược của mình với một tốc độ kỷ lục nhằm can thiệp trên quy mô đủ lớn để tạo một xung lực mạnh mẽ thông qua thị trường dầu thô thế giới. Động thái này dường như có liên hệ chặt chẽ với những căng thẳng ở Biển Đông khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trị giá cả tỷ USD - Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5 này và việc phương Tây chuẩn bị các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Các nhà phân tích kinh tế nhận định rằng Trung Quốc đang lặng lẽ xây dựng một vùng đệm chống lại nguy cơ bị tổn thương từ sự thay đổi thất thường của giá dầu và sự gián đoạn nguồn cung.
Các quan chức Trung Quốc đang ngày càng lo lắng khi sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của nước này đang tiếp tục tăng, đạt mức 60% trong năm nay. Đây được coi là dòng nguy hiểm. Các nhà lập kế hoạch của Trung Quốc đã nghiên cứu chặt chẽ những gì sẽ xảy ra trong một cuộc xung đột toàn cầu kiểu như chiến tranh toàn diện ở Trung Đông, đóng cửa vịnh Hormuz. Đông Á sẽ chịu tổn thương nhiều hơn so với Mỹ nếu nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông bị gián đoạn.
Để thực hiện mục tiêu trên của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để khai thác dầu mỏ ở Biển Đông, nhằm bổ sung vào kho dự trữ của mình. Các nhà bình luận quốc tế cho rằng Trung Quốc đang tự rút dao đâm vào chính mình khi hành động này đã làm Biển Đông dậy sóng, tạo ra một phản ứng mạnh mẽ ở Việt Nam cũng như cộng đồng quốc tế, khiến cho hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của nước này bị sứt mẻ.
Theo Nguyễn Chiến/Chinhphu.vn