Trong 5 tháng đầu năm, việc kiểm soát lạm phát đã đạt được kết quả hơn mong muốn: CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2%; tháng 5 so với tháng 12/2013, CPI chỉ tăng 1,08%- thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay.
Năm 2014 với mục tiêu tổng quát “Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng hợp lý…”. Qua 5 tháng đầu năm 2014, có thể nêu một số điểm đáng chú ý về “tiến độ” thực hiện và khả năng thực hiện mục tiêu cả năm.Trước hết, xin nói về kiểm soát lạm phát 5 tháng đầu năm. Việc kiểm soát lạm phát đã đạt được kết quả hơn mong muốn. CPI tháng 5 chỉ tăng 0,2%; tháng 5 so với tháng 12/2013, CPI chỉ tăng 1,08%- thấp nhất so với cùng kỳ từ năm 2002 đến nay. Bình quân 4 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 4,72%- thấp hơn so với nhiều tháng trước.
Lạm phát thấp có tác động rất lớn tới KT-XH. Đó là mang lại niềm vui cho người tiêu dùng; sự an tâm của các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách và quản lý, điều hành vĩ mô yên tâm hơn trong việc đề ra và thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, hỗ trợ thị trường. Kết quả của 5 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm CPI sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (7%), có thể còn tăng thấp hơn cả 2 năm trước (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%), thậm chí chỉ ở mức 5-6% như phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 đã đưa ra.
Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu 5 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ 2013 (%). Nguồn số liệu: TCTK. Về ổn định kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô được thể hiện ở nhiều chỉ tiêu, trong đó có 2 nhóm chỉ tiêu chủ yếu là cán cân thanh toán quốc tế và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước.
Cán cân thanh toán quốc tế có nhiều nội dung, trong đó có cán cân thương mại (xuất, nhập khẩu hàng hóa), đầu tư nước ngoài, chi tiêu của khách quốc tế…Xuất khẩu có một số điểm mới. Do có những tháng xuất khẩu đạt hơn 12 tỷ USD nên tổng kim ngạch 5 tháng đã đạt 58,51 tỷ USD, cao hơn mức cả năm 2009 (57,1 tỷ USD), .Khu vực kinh tế trong nước trước đây xuất khẩu thường giảm hoặc tăng thấp, nhưng nay tăng khá cao (11,9%), chứng tỏ khu vực này đã có nỗ lực vươn lên để tận dụng thời cơ mở cửa, hội nhập sâu rộng hơn.
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt 12,12 tỷ USD, chiếm 20,7% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng khá so với cùng kỳ năm trước.Tương tự, mới qua 5 tháng, đã có 12 mặt hàng và 12 thị trường đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Nhiều mặt hàng chủ yếu có tốc độ tăng cao hơn tốc độ chung, trong đó, một số mặt hàng vừa đạt quy mô lớn, vừa tăng khá cao, như điện thoại; dệt may; giày dép; thủy sản; cà phê; hạt tiêu; túi xách, ví, va li, mũ, ô dù; gỗ và sản phẩm gỗ….
Do xuất khẩu tăng cao hơn nhập khẩu (15,4% so với 9,6%), nên 5 tháng đã xuất siêu 1,649 tỷ USD. Kết quả 5 tháng là tín hiệu khả quan để cả năm vượt kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (10%), không những không nhập siêu lớn như kế hoạch (trên 8,7 tỷ USD) mà có thể còn xuất siêu với mức xuất siêu lớn hơn 2 năm trước.
Số liệu 5 tháng cũng cho thấy, lượng ngoại tệ vào Việt Nam đạt kết quả khá. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt 4 tỷ USD. Vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân tăng. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng đạt 3,75 triệu lượt người, tăng 26,1%- là tốc độ tăng rất cao và đạt được ở cả 4 mục đích đến (du lịch, công việc, thăm thân nhân và mục đích khác). Đây là tín hiệu khả quan để du kịch hướng thới kỷ lục mới cả về lượng khách, cả về doanh thu so với năm 2013.
Do cán cân thanh toán quốc tế đạt thặng dư khá, nên Ngân hàng Nhà nước đã mua được và tăng dự trữ ngoại hối lên 35 tỷ USD- cao nhất từ trước tới nay, bảo đảm an toàn tài chính và tính thanh khoản của quốc gia.Về cân đối ngân sách, nếu 2 năm trước gặp khó khăn lớn, nhưng năm nay áp lực đã giảm đi nhiều. Tỷ lệ thực hiện từ đầu năm đến ngày 15/5 năm nay so với dự toán cả năm của tổng thu cao hơn của tổng chi (đạt 41,7% so với đạt 36,8%), trong đó, thu nội địa đạt 421,1%, từ dầu thô đạt 49,9%, cao hơn tỷ lệ thực hiện chung. Tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước của tổng thu cao hơn của tổng chi, trong đó thu nội địa, thu cân đối từ xuất nhập khẩu còn tăng cao hơn. Do vậy, tỷ lệ thực hiện của bội chi so với dự toán năm thấp hơn tỷ lệ thực hiện của tổng thu và của tổng chi; tỷ lệ bội chi/GDP quý I là 4,9%, khả năng cả năm sẽ thấp hơn tỷ lệ 5,3% theo dự toán năm.
Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP từ năm 2013, đã có dấu hiệu thoát đáy với tốc độ tăng 5,42% so với năm trước (năm 2012 tăng 5,25%, mức thấp nhất tính từ năm 2000); quý I/2014, dấu hiệu đó tiếp tục diễn ra với tốc độ cao hơn cùng kỳ 2 năm trước.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 5,9%, đưa IIP 5 tháng tăng 5,6%, cao hơn tốc độ tăng 5,5% của 4 tháng, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo- ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp- tương ứng tăng 7,5%.
Một số yếu tố đầu vào và đầu ra có dấu hiệu được cải thiện. Lượng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước trong tháng 5 đã cao hơn các tháng trước (tháng 5 đạt 16,8 nghìn tỷ đồng; tháng 4 gần 15,54 nghìn tỷ đồng; tháng 3 là 13,6 nghìn tỷ đồng).
Thực hiện nguồn vốn FDI, ODA tiếp tục tăng. Tăng trưởng tín dụng đã khá hơn các tháng trước. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, 5 tháng đã tăng 6%... Hơn nữa, gần như đã thành thông lệ ,tăng trưởng kinh tế của nước ta các quý cuối năm thường cao hơn các quý đầu năm
Tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đó là vốn đầu tư/GDP đạt thấp nhất trong hơn 20 năm qua, trong khi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước 5 tháng vẫn còn giảm (trong đó địa phương giảm nhiều hơn). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn còn tăng thấp….
Một điểm cần chú ý liên quan đến những diễn biến phức tạp từ đầu tháng 5 đến nay, điều này rất cần các doanh nghiệp nghiên cứu, đánh giá để có thể chủ động chọn lựa, mở rộng đầu tư, thị trường xuất nhập khẩu với các đối tác theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa… phù hợp.
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn