Lai tạo giống phong lan Hồ Điệp tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh: PHẠM KIM NGÂN
Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), cả nước hiện có 16.300 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp phép đầu tư với tổng vốn 237 tỷ USD, trong đó đầu tư vào nông nghiệp chỉ có hơn 500 dự án, chiếm 3,36 tỷ USD. Vậy làm thế nào để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, vốn được coi là "trụ cột" của nền kinh tế nước ta?
Vốn giảm do đâu?
Hiện tượng vốn FDI vào nông nghiệp không chỉ giảm từ đầu 2014 tới nay mà đã giảm từ nhiều năm trước! Nếu cách đây mười năm, FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 15% tổng vốn đầu tư FDI của cả nước thì hiện nay chỉ chiếm chưa đến 0,5%. Tính riêng bốn tháng đầu 2014, vốn FDI vào nông nghiệp chỉ chiếm 0,25%/tổng số vốn FDI vào toàn bộ nền kinh tế.
Chung quanh việc giảm thu hút vốn FDI mới vào lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây, không ít ý kiến cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nội tại. Nền nông nghiệp Việt Nam đang tự "chặn cửa" FDI của chính mình bởi những yếu kém với hàng loạt yếu tố, như: kết cấu hạ tầng tại các vùng đầu tư nông nghiệp còn yếu kém, không thuận tiện, tập trung như các khu công nghiệp. Nhất là đối với ngành lâm nghiệp, do chủ yếu phát triển tại các vùng, miền địa hình đồi núi, giao thông vận tải khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp FDI e ngại. Bên cạnh đó, số lượng người lao động có tay nghề, được đào tạo bài bản về lĩnh vực nông nghiệp hiện nay còn rất thấp.
Ở tầm vĩ mô, việc có quá nhiều đầu mối liên quan giữa Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Bộ Công thương... trong khâu phối hợp xét duyệt thủ tục cấp phép đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh... cũng là một trong những nguyên nhân cản trở FDI vào nông nghiệp bởi các nhà đầu tư nản lòng. Chưa hết, yếu tố nữa là vấn đề bảo đảm cân bằng lợi ích giữa người nông dân, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp FDI cho đến nay vẫn chưa được giải quyết tốt.
Tuy nhiên, không ít người cho rằng: Về lâu dài, lĩnh vực này có một tương lai lạc quan, thậm chí có khả năng tăng mạnh. Bởi, khi tham gia đàm phán Hiệp định Ðối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam đã nhận được thiện ý của nhiều quốc gia muốn trở thành đối tác quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là như Nhật Bản, nước này muốn đầu tư có quy mô vào nền nông nghiệp Việt Nam ở cả góc độ vốn lẫn khoa học - công nghệ.
Sử dụng hiệu quả đồng vốn
Ðể tìm giải pháp thích hợp vực dậy lĩnh vực này, Bộ NN và PTNT đã xây dựng Dự thảo Ðề án tăng cường thu hút và quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 để lấy ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp. Bộ trưởng NN và PTNT Cao Ðức Phát cho biết: Cần rà soát lại cơ chế chính sách để thật sự khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân Việt Nam. Muốn thế, cần tạo môi trường đầu tư thuận lợi, bớt thủ tục, giảm chi phí, không để tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và triển khai trong thực tế. Ðặc biệt, chính sách phải rõ ràng, minh bạch, nhất quán, ổn định, để nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài.
Tuy nhiên, quyết tâm ở tầm vĩ mô là chưa đủ, bởi xét một cách toàn diện, muốn đổi thay hiện trạng, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả guồng máy, trong đó, các cơ quan, bộ, ngành cũng như các cấp chính quyền, địa phương phải có sự phối hợp cải cách mạnh mẽ, tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất có thể, giảm thiểu các thủ tục gây rườm rà, tốn kém cho doanh nghiệp đầu tư. Mặt khác, muốn thu hút hay giữ chân nhà đầu tư, ngoài hành lang pháp lý, môi trường đầu tư thông thoáng, còn cần tạo ra một đội ngũ các doanh nghiệp trong nước có thương hiệu và uy tín, có tư cách pháp nhân đầy đủ, bảo đảm độ tin cậy đứng ra hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, chứ không thể để diễn ra tình trạng nhà đầu tư hợp tác với các hộ nông dân đơn lẻ, thiếu cơ sở pháp lý căn bản, vì thế dẫn đến nhiều trường hợp không mang lại hiệu quả kinh tế.
Công tác xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải được tái khởi động và thúc đẩy quyết liệt. Theo các nghiên cứu, cứ một USD chi cho xúc tiến đầu tư sẽ làm tăng luồng vốn FDI thêm 189 USD. Khi xác định mục tiêu thực hiện xúc tiến đầu tư theo ngành, vốn FDI sẽ tăng 155% so với không xác định mục tiêu theo ngành. Ðiểm lưu ý là, xúc tiến đầu tư thành công không thể chỉ dựa vào một cơ quan duy nhất mà cần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan. Nhà đầu tư sẽ đánh giá mức độ coi trọng FDI của Nhà nước bằng cách theo dõi các cơ quan nhà nước phối hợp và hoạt động hiệu quả đến mức nào, từ đó dự tính khả năng thành công khi đầu tư. Do đó, muốn đạt hiệu quả thu hút FDI cao, các cơ quan nhà nước cần bảo đảm sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ hơn nữa trong nhiều lĩnh vực.
Hy vọng, khi cả hai giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả những khoản đầu tư này được thực hiện song hành và thông suốt, dòng vốn FDI vào nông nghiệp sẽ tăng trở lại.
Theo TÂM THỜI/Báo Nhân dân điện tử