Cập nhật: 30/06/2014 16:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Báo Thái Lan nhận định vũ khí giàn khoan là một thứ vũ khí độc nhất vô nhị, lạ lùng mà Bắc Kinh sử dụng để lấn biển.

Trong bối cảnh Việt Nam và các thành của ASEAN đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những căng thẳng trên biển với Trung Quốc thông qua việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, dư luận khu vực và quốc tế tiếp tục chỉ trích giới chức ở Bắc Kinh không có động thái thực chất nào thúc đẩy tiến trình này.

 

Ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc khiến nhiều nước xa lánh nước này (ảnh: SCMP)

Theo thông tin truyền thông trong khu vực, chính sách ngoại giao pháo hạm giữa thế kỷ 21 của Trung Quốc là trở ngại chính trên con đường xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trang tin South China Morning Post của Hong Kong hôm nay (30/6) đăng bài bình luận của ông Mark Valencia, học giả Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, Hải Nam, Trung Quốc cho rằng, ASEAN và Trung Quốc khó có thể đạt được Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Theo ông Valencia, cuộc họp lần thứ 11 giữa ASEAN và Trung Quốc về việc thi hành Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) tuần trước (24-25/6) ở Bali, Indonesia, là bước tiến triển tốt. Nhưng thực tế 12 năm sau khi văn bản không mang tính ràng buộc pháp lý này ra đời, đến nay, các bên vẫn chỉ thảo luận nguyên tắc chủ chốt chung như tăng cường lòng tin chính trị, cam kết tuân thủ Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, cũng như Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác năm 1976, tôn trọng độc lập và chủ quyền của mỗi nước. Ông Valencia nhận định, còn rất nhiều trở ngại cơ bản khiến ASEAN và Trung Quốc khó đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, hay thậm chí là một văn bản có tính ràng buộc yếu hơn. Theo chuyên gia về Biển Đông này, ASEAN cần phải đoàn kết trong việc xây dựng và giải thích Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Cùng ngày, trang tin điện tử của tờ Bưu điện Bangkok có bài viết mang tựa đề “Trung Quốc cần phải đàm phán”. Trang tin uy tín của Thái Lan chỉ ra rằng, “phương pháp thông thường của Trung Quốc khi đối mặt với những bất đồng là đơn giản gạt đi và bác bỏ việc thảo luận những vấn đề này, thậm chí sử dụng vũ lực để áp chế nếu cần thiết”.Báo Thái Lan nêu rõ, “Bắc Kinh chủ ý châm ngòi tranh chấp, cụ thể là với Việt Nam” bằng kế hoạch thăm dò dầu khí của giàn khoan Hải Dương - 981. Bưu điện Bangkok gọi giàn khoan này là “một công cụ lạ lùng trong chính sách ngoại giao trên biển”, nhưng Trung Quốc lại đang dùng “thứ vũ khí độc nhất vô nhị này” để đẩy xa tham vọng của Bắc Kinh và đối đầu với những nước có liên quan.

Báo Thái Lan nhận định, mục tiêu mà hình thức ngoại giao pháo hạm giữa thế kỷ 21 này nhắm tới rõ ràng là Việt Nam và Philippines.Theo trang Bưu điện Bangkok, “Trung Quốc cần phải biến chính sách ngoại giao giàn khoan không khoan nhượng của mình trở thành các cuộc thảo luận thực chất”. Báo Thái Lan chỉ ra rằng, “bằng việc tham gia đàm phán với ASEAN và các thành viên ASEAN, Trung Quốc có thể đưa ra phương án giàn xếp tranh chấp hiện nay một cách thỏa đáng hơn”.

Trang tin The Diplomat của Nhật Bản hôm nay (30/6) cũng có bình luận với tựa đề “Trung Quốc để giàn khoan làm công việc đàm phán”. Bài báo chỉ trích cách tiếp cận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc đối với các nước láng giềng là “cho gì thì nhận nấy hoặc không được gì cả”. The Diplomat cho rằng, hành động “như một cường quốc thuộc địa thế kỷ 16” của Trung Quốc đã không để lại khoảng trống nào cho các cuộc thương lượng. Bằng chứng mà The Diplomat chỉ ra là sự thất bại của cuộc họp nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc tại Bali, Indonesia, tuần qua. Theo  The Diplomat, “có lẽ đã đến lúc ngừng các cuộc đối thoại cho đến khi Trung Quốc có cách tiếp cận thực tế hơn và có lợi cho một cường quốc chân chính trong thế kỷ 21”.Rõ ràng, hành động của Trung Quốc đang đi ngược lại những tuyên bố hoa mỹ về “sự trỗi dậy hòa bình” mà Bắc Kinh rêu rao với toàn thế giới.

Hôm 29/6, trang tin South China Morning Post của Hong Kong cũng đăng ý kiến của Phó Giáo sư Li Mingjiang của Singapore cho rằng, giờ đây Trung Quốc không thể xóa bỏ được hình ảnh hung hăng của mình. Ông Li nhận định, đang tồn tại 1 nhận thức rằng "những gì Trung Quốc làm khác xa với những gì họ nói”./.

  

Theo Diệu Hương/VOV.VN

 

Tệp đính kèm