Qua nửa năm, những chỉ số liên quan đến lĩnh vực lao động đã phản ánh xu hướng chuyển biến tích cực của nền kinh tế.
Ảnh minh họa
Số người làm việc tại 1/7/2014 tăng 9,9 triệu người so với 1/7/2005, bình quân 1 năm tăng 0,99 triệu người, hay tăng trên 23,1%, bình quân 1 năm tăng trên 2,1%. Đây là kết quả tích cực do sự nỗ lực tìm việc làm của người lao động; sự cố gắng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh; sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình việc làm, xuất khẩu lao động; là kết quả chung của việc chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp, sang cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập.
Riêng về xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm nay đạt kết quả tích cực, với hơn 55.000 người, đạt 63,5% kế hoạch cả năm, góp phần đưa tổng số người Việt Nam làm việc lên trên 400.000 người, ở tại 40 nước và vùng lãnh thổ.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi 6 tháng đầu năm 2014 là 2,14%, trong đó của quý II thấp hơn của quý I (2,07% so với 2,21%). Tỷ lệ thiếu việc làm là 2,63%, trong đó của quý II thấp hơn của quý I (2,47% so với 2,78%). Tỷ lệ thiếu việc làm của khu vực nông thôn là 3,2%, thấp hơn tỷ lệ 3,37% của quý I/2014 và 3,23% của quý IV/2013. Đây là kết quả của xu hướng tăng trưởng kinh tế cao lên của quý II so với quý I và của 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động đang làm việc theo nhóm ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.
Nhìn chung, tỷ trọng lao động đang làm việc trong nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản đã giảm xuống từ năm 2005 đến 2013. Đó là xu hướng tích cực phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, tỷ trọng tại 1/7/2014 của nhóm ngành này đã tăng lên một phần do nông nghiệp có tác động thu hút trở lại số lao động đang gặp khó khăn về công ăn việc làm ở nhóm ngành công nghiệp-xây dựng. Tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành công nghiệp-xây dựng nhìn chung đã tăng lên. Đó là xu hướng phù hợp và tích cực.
Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá thực tế của Việt Nam thuộc loại khá và có xu hướng tăng lên từ năm 2013 đến năm nay. Các nguyên nhân của xu hướng này là tốc độ tăng GDP có xu hướng cao lên và cao hơn tốc độ tăng số lượng lao động; tỷ lệ lao động trong nhóm ngành có năng suất lao động cao tăng lên. Năm 2013, năng suất lao động chung đạt 68,7 triệu đồng/người, trong đó nhóm ngành nông, lâm nghiệp-thủy sản chiếm 46,8% tổng số lao động (năm 2010 là 49,5%), với năng suất lao động 27 triệu đồng/người (năm 2010 là 16,8 triệu đồng); nhóm ngành công nghiệp-xây dựng chiếm 21,2% tổng số lao động (năm 2010 là 20,9%), với năng suất lao động 124,1 triệu đồng/người (năm 2010 là 78,9 triệu đồng); nhóm ngành dịch vụ chiếm 32% tổng số lao động (năm 2010 là 29,6%), với năng suất lao động 92,9 triệu đồng/người (năm 2010 là 56,9 triệu đồng).
Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở Việt Nam không cao, ngay cả trong mấy năm khó khăn vừa qua, một phần do Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên, có nông nghiệp và nông thôn rộng lớn làm trụ vững, tỷ lệ kinh tế phi chính thức còn lớn, chính sách bảo hiểm thất nghiệp mới được thực hiện mấy năm và chưa thật rộng rãi… Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở lớp trẻ (15-24 tuổi) còn cao (6 tháng là 6,32%, trong đó thành thị 11,67%, nông thôn 4,54%).
Vì vậy, để phát huy được ưu thế của thời kỳ dân số vàng (đã bước vào được 8 năm), không còn cách nào khác là phải tăng cường đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ cấu phù hợp để phát huy tối đa nguồn nội lực quý giá này trong xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, chủ động hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo Minh Ngọc/Chinhphu.vn