Hai đối tượng Tạ Minh Tư và Trương Khải Nhạc người Ðài Loan (Trung Quốc) trong đường dây lừa đảo qua điện thoại bị công an bắt giữ. Ảnh: CTV
Dư luận đang hết sức lo ngại trước tình trạng gần đây liên tiếp xảy ra các vụ giả danh công an để lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt tài sản của công dân. Ðể giúp bạn đọc chủ động phòng ngừa, không trở thành những nạn nhân tiếp theo, chúng tôi làm rõ phương thức, thủ đoạn lừa đảo của loại tội phạm này cùng những cảnh báo từ phía các cơ quan chức năng.
Là người từng bị đối tượng lừa đảo "giăng bẫy" nhằm chiếm đoạt tiền, người viết bài xin kể tóm tắt sự việc như sau: Khoảng 14 giờ ngày 23-6, tôi nhận được điện thoại gọi vào số cố định tại nhà riêng, giọng một phụ nữ thông báo: Chị đang nợ 8 triệu 930 nghìn đồng cước điện thoại, trong hai ngày phải thanh toán số tiền nợ trên, nếu thắc mắc thì ấn phím số 0 hoặc số 9 để được giải đáp. Bất ngờ vì số tiền nợ cước lớn và vô lý, tôi nhấn phím số 9 thì được nữ "nhân viên tổng đài" giải đáp: Chị đang đứng tên một thuê bao khác đăng ký tại TP Hồ Chí Minh cho nên phát sinh số tiền cước trên, đồng thời cho biết sẽ kết nối ngay với cơ quan công an TP Hồ Chí Minh để xác minh, làm rõ sự việc. Tiếp đó, ở đầu dây bên kia, một người đàn ông nói giọng miền nam tự xưng là đại úy công an, có nhiệm vụ tiếp nhận phản ánh của tôi và phối hợp các bộ phận chức năng để kiểm tra thông tin, đề nghị tôi cho biết số điện thoại di động để liên lạc. Sau đó, người này gọi cho tôi bằng số máy +83 9231168, đề nghị tôi kiểm tra số điện thoại này qua tổng đài 1080 để biết mình đang làm việc với cơ quan công an. Làm theo hướng dẫn, tôi nhận được trả lời, đây là số máy của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TP Hồ Chí Minh). Người đàn ông tự xưng là đại úy công an đó cho biết, tên và số chứng minh nhân dân của tôi không chỉ đăng ký một số thuê bao điện thoại ở TP Hồ Chí Minh mà còn là chủ một tài khoản trị giá sáu tỷ đồng tại Ngân hàng Sacombank, hiện đang bị phong tỏa do có liên quan đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, người sử dụng thẻ này để mua bán hàng trăm bánh hê-rô-in là đối tượng Nguyễn Văn Hùng đã bị bắt. Ðồng thời, người này đề nghị tôi cung cấp thêm một số thông tin cá nhân để phục vụ công tác điều tra, gồm: nơi ở, nghề nghiệp, tài sản cá nhân có giá trị hơn 50 triệu đồng, thẻ tín dụng, sổ tiết kiệm... và không được tiết lộ thông tin cho bất cứ ai vì sẽ làm ảnh hưởng công tác điều tra. Tuy nhiên, tôi cho biết, tôi đang có việc gấp, sẽ trả lời sau, rồi tắt máy. Lúc đó, tôi cũng hoang mang, bởi cách thức hỏi, lý lẽ, ngôn từ của người này rất có "nghiệp vụ công an", cùng những cuộc điện đàm, những thông tin các đối tượng trao đổi với nhau mà tôi nghe được qua điện thoại cũng giống môi trường cơ quan công an đang làm việc.
Cũng với kịch bản như trên, ngày 9-5, đối tượng giả danh công an đã gọi điện đến số máy cố định tại phòng làm việc của ông A (các nạn nhân xin được giấu tên), là tiến sĩ, giảng viên của một trường cao đẳng ở quận Long Biên (Hà Nội). Khi thuyết phục được ông A tin mình là công an, được ông cho biết có một sổ tiết kiệm trị giá 200 triệu đồng, đối tượng đã yêu cầu ông chuyển toàn bộ số tiền trong sổ tiết kiệm vào tài khoản của "cơ quan công an" để "xác minh nguồn gốc", nếu là "tiền sạch" thì sau 24 giờ sẽ được nhận lại. Ðể chứng minh mình trong sạch, ông A cố gắng làm theo mọi chỉ dẫn của đối tượng. Trên đường đi và trong suốt ba giờ đồng hồ ngồi trong ngân hàng chờ làm thủ tục, đối tượng yêu cầu ông A không được tắt máy điện thoại để giữ liên lạc, cho tới khi ông hoàn tất thủ tục chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Ngày 20-6, bà N, 60 tuổi, ở quận Ðống Ða (Hà Nội) trở thành nạn nhân tiếp theo khi đồng ý chuyển 200 triệu đồng vào tài khoản của bọn chúng. Ngày 23-6, ông T, 69 tuổi, giáo viên nghỉ hưu ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng bị đối tượng giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt 720 triệu đồng tiền tiết kiệm cũng với phương thức, thủ đoạn kể trên...
Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội cho biết, đã có gần 40 trường hợp ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước bị lừa đảo bằng thủ đoạn giả danh công an lừa đảo qua điện thoại, chiếm đoạt gần bảy tỷ đồng. Tính riêng địa bàn Hà Nội, trong vòng hai tháng qua, có 16 trường hợp bị hại có đơn trình báo. Theo ghi nhận từ Trung tâm dịch vụ khách hàng của VNPT Hà Nội, thời gian qua, một số khách hàng phản ánh đến trung tâm hiện tượng giả danh nhân viên trung tâm thông báo khách hàng nợ cước điện thoại. Có khách hàng sử dụng điện thoại có tính năng thông báo đầu số gọi đến đã phát hiện cuộc gọi được thực hiện từ Ma-lai-xi-a.
Theo nhận định của cơ quan công an, loại tội phạm này đang gia tăng ở hầu khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước, điển hình là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Bến Tre, Thái Nguyên... Các đối tượng này hoạt động có tổ chức, quy mô lớn, có tính chất quốc tế, thường xuyên thay đổi địa điểm hoạt động, chia làm ba nhóm hoạt động: nhóm 1- Thiết lập hệ thống tổng đài để điện thoại lừa đảo; nhóm 2- Thu mua thẻ ATM; nhóm 3- Rút tiền. Khi các đối tượng hoạt động lừa đảo ở Việt Nam thì đặt hệ thống tổng đài ở nước ngoài. Thủ đoạn của các đối tượng là điện thoại vào máy cố định, giả danh nhân viên bưu điện thông báo nợ cước điện thoại, nếu khách hàng thắc mắc thì chuyển máy đến "cơ quan công an", rồi giả danh công an để khai thác thông tin cá nhân, đe dọa người bị hại liên quan đến một vụ án nghiêm trọng, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn để "phục vụ công tác điều tra". Loại tội phạm này sử dụng công nghệ cao giả lập số điện thoại của một số đơn vị công an các tỉnh, thành phố để người bị hại dễ dàng tin. Nếu người bị hại ở Hà Nội thì các đối tượng mạo danh cơ quan Công an TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Mục đích là để người bị hại khó tiếp xúc người giả danh công an, chỉ liên lạc trực tuyến qua điện thoại. Những cuộc gọi trên đều có liên quan đến các tổng đài từ nước ngoài về Việt Nam qua kết nối VoIP (một công nghệ cho phép truyền âm thanh thời gian thực qua băng thông in-tơ-nét và các kết nối IP). Sử dụng phương thức, thủ đoạn này, nhóm tội phạm không chỉ dễ dàng chiếm đoạt tiền, tài sản của người bị hại mà còn tạo dư luận xấu, gây nghi ngờ trong nhân dân, ảnh hưởng uy tín của cơ quan công an.
Phân tích nguyên nhân vì sao chỉ trong một thời gian ngắn nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao, giả danh công an, đã lừa đảo được nhiều người, thiếu tá Lê Ngọc Trí, Ðội trưởng Ðội 5, PC 50, Công an Hà Nội cho rằng: Bên cạnh yếu tố chủ quan là người dân thiếu cảnh giác, cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật, còn có nguyên nhân là sự quản lý lỏng lẻo của một số cơ quan chức năng. Từ việc quản lý giới "tin tặc", các diễn đàn "tin tặc", việc truy cập khai thác thông tin trên mạng, đến việc mua bán, sử dụng "sim rác" điện thoại đều bị buông lỏng, không kiểm soát được. Rồi việc mở tài khoản, thẻ ATM và chuyển giao cho người khác sử dụng mà không có những ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ thẻ. Ðó là những cơ hội để loại tội phạm công nghệ cao gia tăng.
Trường hợp của ông A, ở quận Long Biên (Hà Nội), sau khi hoàn tất việc chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo, ông đã biết mình bị lừa. Ngay sau đó, ông đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản nhưng theo quy định thì phải có văn bản đề nghị của cơ quan công an. Ðể có được văn bản đề nghị của cơ quan công an, ông A phải đến cơ quan công an trình báo sự việc. Vì vậy, phải một ngày sau, khi đã hoàn tất các thủ tục, tài khoản của đối tượng mới bị phong tỏa. Lúc này, nhóm tội phạm đã kịp rút 50 triệu đồng, địa điểm rút tiền tại Ma-lai-xi-a. Từ sự việc này cho thấy, nếu có sự phối hợp kịp thời, nhanh nhạy hơn giữa ngân hàng và cơ quan công an, thì người bị hại có nhiều cơ hội nhận lại được tiền hơn. Bên cạnh đó, nếu các ngân hàng chủ động hơn trong việc phát hiện, thông báo kịp thời với cơ quan công an những giao dịch bất thường, những tài khoản đáng ngờ, thì có thể ngăn chặn được hành vi chiếm đoạt tiền của người bị hại.
Vừa qua, trong quá trình điều tra, phá án, Ðội 5, Phòng PC50, Công an Hà Nội phối hợp Công an Ðà Nẵng đã bắt giữ một đối tượng ở Ðà Nẵng thu mua 18 thẻ ATM để phục vụ hoạt động lừa đảo, giá mua mỗi thẻ từ một đến 1,8 triệu đồng. Ðáng chú ý là hầu hết các chủ thẻ đều không hay biết những chiếc thẻ mang tên mình đang được sử dụng vào mục đích phạm tội. Tiếp đó, ngày 3-7, đơn vị này bắt quả tang hai đối tượng người Ðài Loan, nằm trong đường dây tội phạm chuyên giả danh công an, đang thực hiện hành vi rút tiền bằng thẻ ATM mang tên người khác để chiếm đoạt. Khám xét đối tượng, cơ quan công an thu giữ được 54 thẻ rút tiền, phần lớn đứng tên người nước ngoài... Có thể thấy, việc các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi cần giao dịch. Tuy nhiên, việc dễ dàng mở tài khoản rồi chuyển giao quyền sử dụng cho người khác mà không phải chịu sự ràng buộc nào về trách nhiệm đang là "kẽ hở" để các đối tượng xấu lợi dụng. Ngân hàng cần có những quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm của người mở tài khoản, đồng thời quản lý chặt chẽ hơn việc chuyển giao quyền sử dụng tài khoản cho người khác. Với đối tượng mở tài khoản là người nước ngoài, ngân hàng cần có những quy định riêng để quản lý chặt chẽ hơn.
Theo khuyến cáo của cơ quan công an, để phòng ngừa hiệu quả thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại thì người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi nghe điện thoại của người lạ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản, thẻ tín dụng... Trường hợp có người tự xưng là công an thì người dân cần đề nghị cho biết tên, nơi làm việc, giấy mời hoặc giấy triệu tập để trực tiếp liên hệ với cơ quan, đơn vị đó... Người dân không cung cấp số điện thoại riêng, thông tin cá nhân cho bất kỳ ai khi chưa biết rõ họ là ai và sử dụng vào mục đích gì; không mua, bán, chuyển giao tài khoản cá nhân hoặc cho mượn giấy chứng minh nhân dân. Người dân cũng cần cẩn trọng khi chia sẻ những thông tin cá nhân trên mạng in-tơ-nét, nhất là các trang mạng xã hội, để tránh bị khai thác thông tin cá nhân để lừa đảo. Nếu nghi vấn hoặc phát hiện cá nhân, tổ chức nào hoạt động lừa đảo hoặc số tài khoản nào được yêu cầu chuyển nộp tiền không có lý do chính đáng thì cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất. Hiện nay, đối tượng mua bán thẻ tín dụng đã lan đến cả học sinh, sinh viên. Vì vậy, các trường học cũng nên đưa các khuyến cáo vào chương trình học ngoại khóa để các em ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình khi làm thẻ, không tuỳ tiện chuyển giao quyền sử dụng thẻ cho người khác, tránh bị kẻ xấu lợi dụng.
Theo ANH THƠ/Báo Nhân dân điện tử