Cập nhật: 04/08/2014 14:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiến lược sẽ đánh dấu sự chuyển hướng dứt khoát từ ưu tiên sản xuất sang tiêu thụ, theo đó các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ hướng đến mục tiêu chính là mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài đối với hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản.

Trung tuần tháng 7/2014, Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản công bố chiến lược cải cách nông nghiệp nhằm thay đổi hoàn toàn bộ mặt ngành nông nghiệp nước này trong vòng 10 năm tới.

Bộ trưởng Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp Nhật Bản, Hayashi Yoshimasa cho biết, chiến lược cải cách nông nghiệp mới đã đánh dấu sự chuyển hướng dứt khoát của Nhật Bản từ ưu tiên sản xuất sang tiêu thụ.

Theo đó, các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ hướng đến mục tiêu chính là mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài đối với hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản.

Chiến lược sẽ đánh dấu sự chuyển hướng dứt khoát từ ưu tiên sản xuất sang tiêu thụ, theo đó các chương trình hỗ trợ của Chính phủ sẽ hướng đến mục tiêu chính là mở rộng quy mô thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường nước ngoài đối với hàng hóa nông nghiệp Nhật Bản.

Chính phủ cũng chủ trương hoàn chỉnh hệ thống phân phối, tăng cường sử dụng công nghệ sạch và robot trong sản xuất nông nghiệp; tăng cường xuất khẩu lương thực đã qua chế biến và gia tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản ước tính thị trường thực phẩm toàn cầu sẽ tăng gấp đôi quy mô trong 10 năm tới để đạt mức 6,8 nghìn tỷ USD vào năm 2024 và Nhật Bản cần giành được thị phần lớn hơn trong thị trường này.

Do đó, trong chiến lược cải cách nông nghiệp vừa công bố, mục tiêu quan trọng nhất là tăng hiệu quả sử dụng đất và tập trung đất đai vào các nhà sản xuất lớn để giảm chi phí sản xuất, qua đó giảm giá thành.

Trong 20 năm qua, diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang tại Nhật Bản đã gia tăng đáng kể. Chính phủ đã lập một ủy ban chịu trách nhiệm thu hồi đất đai bị bỏ hoang và cho các công ty lớn thuê để canh tác. Nhật Bản cũng sẽ hủy bỏ trợ cấp sản xuất gạo trong vòng 4 năm tới nhằm đẩy nhanh việc tập trung hóa đất nông nghiệp.

Bộ trưởng Hayashi Yoshimasa, cho biết: “Hiện nay trừ đảo Hokkaido, diện tích thửa ruộng canh tác bình quân ở Nhật Bản là 2,3 ha. Quy mô như vậy là quá nhỏ và phải tăng lên. Một chiếc máy nông nghiệp có thể hoạt động tốt trên quy mô 15 ha và chúng tôi muốn diện tích mỗi thửa ruộng canh tác cũng phải tăng lên để tận dụng tối đa khả năng vận hành của máy móc”.

Theo các chuyên gia phân tích, các biện pháp quyết liệt là rất cần thiết, thậm chí là cấp thiết, trong bối cảnh ngành nông nghiệp Nhật Bản đang suy yếu do hiện tượng “già hóa” ở nông dân và diện tích đất canh tác bỏ hoang gia tăng.

Các số liệu thống kê năm 2005 cho thấy có 380.000 ha đất nông nghiệp ở Nhật Bản bị bỏ hoang, chiếm 8% trong tổng diện tích đất nông nghiệp của nước này và tăng mạnh so với con số khoảng 130.000 ha trong giai đoạn 1975-1985.

Tình trạng thiếu lao động và hiện tượng “già hóa” lao động trong ngành nông nghiệp là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự gia tăng diện tích đất hoang hóa. Năm 2010, độ tuổi trung bình của lao động trong ngành nông nghiệp ở Nhật Bản là 70 tuổi, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á. Hệ quả là Nhật Bản không thể đảm bảo tự cung, tự cấp về lương thực.

Năm 2006, tỷ lệ tự cung, tự cấp lương thực (căn cứ vào chỉ tiêu calorie) của Nhật Bản rơi xuống mức rất thấp 39%. Trong khi tỷ lệ này tại Pháp là 130%, Mỹ là 119%, Đức là 91% và Anh là 74%.

Mặt khác, do khả năng cạnh tranh thấp nên ngành Nông nghiệp Nhật Bản được bảo hộ ở một mức độ rất cao. Chính sách bảo hộ nông nghiệp đã được Chính phủ nước này theo đuổi từ lâu bất chấp có những lời chỉ trích và hành động phản ứng gay gắt từ phía các đối tác kinh tế.

Song song với các kế hoạch trên, Nhật Bản cũng chủ trương hoàn chỉnh hệ thống phân phối, tăng cường sử dụng công nghệ sạch và robot trong sản xuất nông nghiệp.

Thúc đẩy sự phổ biến của văn hóa ẩm thực Nhật Bản trên thế giới, tăng cường xuất khẩu lương thực đã qua chế biến và gia tăng sức cạnh tranh của các mặt hàng nông nghiệp là các điểm nổi bật trong chiến lược cải cách nông nghiệp của Chính phủ Nhật Bản. Với kế họach này, Chính phủ Nhật Bản hướng đến việc đưa ngành nông nghiệp từ chỗ phải phụ thuộc vào trợ cấp tài chính của Chính phủ trở thành lĩnh vực cạnh tranh thế mạnh của kinh tế Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, không chóng thì chầy, Nhật Bản cũng cần phải cải cách ngành Nông nghiệp một cách quyết liệt, bởi vì, Tokyo dự định sẽ tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Về nguyên tắc, các nước tham gia TPP sẽ phải dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với tất cả các sản phẩm trong vòng 10 năm. Nếu Nhật Bản không tiến hành cải cách ngành Nông nghiệp mà vẫn tham gia TPP, nhiều khả năng các nông sản nhập khẩu giá rẻ hơn sẽ tràn ngập “xứ sở hoa anh đào”.

Trong số tất cả các chương trình cải cách sau Thế chiến 2, có lẽ Cuộc cải cách ruộng đất năm 1946 là thành công nhất trong việc tạo ra những thay đổi cơ bản và rộng khắp ở Nhật Bản. Việc phân phối lại đất đai một cách mạnh mẽ đã gần như chấm dứt tình trạng thuê đất vào năm 1949 và kết quả là khoảng 90% đất canh tác do chính người sở hữu tự trồng cấy.

Dường như nông nghiệp Nhật Bản không thể thành công nếu không có sự phổ biến của máy móc, hóa chất và những thiết bị giúp tiết kiệm lao động. Hiện tại việc canh tác hầu như được làm bằng máy. Các phương pháp canh tác truyền thống nhanh chóng nhường chỗ cho các máy cày, máy ủi và nhiều loại máy móc khác.

Nhờ tất cả những yếu tố đó, tổng sản lượng gạo của Nhật Bản tăng từ 9,5 triệu tấn trong năm 1950 lên 13 triệu tấn vào năm 1975. Song mức tiêu thụ gạo tính theo đầu người đã giảm đi và Chính phủ đang lo ngại với nhiều vấn đề như sản xuất quá nhiều và tồn kho quá lớn. Các nông dân được khuyến khích, có khi được trợ cấp, để chuyển từ trồng gạo sang các loại khác. Chính sách điều chỉnh sản xuất của chính phủ đã khiến bị thiếu gạo vào năm 1993 vì sản lượng gạo quá thấp. Những thay đổi về thói quen ăn uống của người Nhật cũng làm tăng mức sản xuất thịt, các sản phẩm sữa và rau quả.

Chỉ trong vòng 1 thế hệ, nền nông nghiệp truyền thống của Nhật Bản, dựa trên phương pháp thâm canh và đòi hỏi nhiều lao động, đã chuyển thành một hệ thống cần nhiều vốn và chủ yếu sử dụng máy móc, và nói chung kỹ thuật mới của nông nghiệp Nhật Bản được coi là hình mẫu cho các nước đang phát triển khác ở châu Á.

Theo Nguyễn Chiến/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm