Với số DN đăng ký thành lập mới tăng 16%, DN giải thể giảm 32,8%, sản xuất phân phối, điện, nước, gas là những ngành có xu hướng tốt lên trong 7 tháng năm 2014.
Ảnh: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng năm 2014, ngành có xu hướng tốt lên khi có số DN đăng ký thành lập mới tăng trong khi DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013 là: Sản xuất phân phối, điện, nước, gas (tăng 16%; giảm 32,8%); hoạt động dịch vụ khác (tăng 0,5%; giảm 17,2%).
Bên cạnh đó, một số ngành đang có sự tái cơ cấu mạnh mẽ, thể hiện qua sự biến động tăng số lượng DN gia nhập cũng như số DN rút lui khỏi thị trường so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (thành lập mới tăng 43,8%, dừng hoạt động tăng 22,1%); kinh doanh bất động sản (tăng 26,7%, tăng 11,1%); thông tin và truyền thông (tăng 14,4%, tăng 28,9%); y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 14,3%, tăng 20,8%).
Ngược lại với xu hướng trên, một số ngành then chốt của nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn so với cùng kỳ năm trước, đó là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô và xe máy (thành lập mới giảm 16,5%; dừng hoạt động tăng 12,1%); dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (giảm 11,6%; tăng 6,6%); xây dựng (giảm 9,2%; tăng 9,6%).
Quá trình sàng lọc DN tại Tây Nguyên diễn ra mạnh mẽ
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho biết, trong 7 tháng năm 2014, khu vực DN tại các vùng kinh tế trong cả nước có sự chuyển biến rất khác nhau.
Tại Tây Nguyên, quá trình gia nhập, sàng lọc và đào thải DN diễn ra mạnh mẽ với xu hướng biến động cùng tăng của số lượng DN đăng ký thành lập mới (tăng 24,5%) và số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (tăng 11,4%) so với cùng kỳ năm trước. Điển hình một số địa phương như: Gia Lai (tăng tương ứng 17% và 32,5%); Lâm Đồng (tăng 56,3% và 57%).
Cộng đồng DN tại các vùng Đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ và ĐBSCL lại đang thể hiện một bức tranh còn nhiều khó khăn khi số lượng DN thành lập mới tiếp tục có chiều hướng giảm; đồng thời số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Điển hình là một số địa phương như Quảng Ninh (giảm 14,9%; tăng 14,4%), Hòa Bình (giảm 27,6%; tăng 68,4%), Hà Tĩnh (giảm 8,2%; tăng 43,8%), TPHCM (giảm 8,7%; tăng 13,9%), Long An (giảm 19,1%; tăng 29,2%), Cần Thơ (giảm 22,9%; tăng 11,1%).
Trong bức tranh còn nhiều khó khăn của cộng đồng DN trong cả nước, một số địa phương dù có kết quả xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2013 ở mức khá (PCI 2013 – VCCI) nhưng lại đang có những tín hiệu tích cực khi số lượng DN thành lập mới tăng và số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động giảm so với cùng kỳ năm 2013.
Cụ thể như: Bình Phước (tăng 43,4%; giảm 44%), Bà Rịa-Vũng Tàu (tăng 7,5%; giảm 25,2%), Đắk Nông (tăng 84,7%; giảm 16,4%).
Trong 7 tháng năm 2014, cả nước có 42.398 DN đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 262.442 tỷ đồng, giảm 7% về số DN và tăng 17,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Số lao động dự kiến được tạo công việc làm của các DN thành lập mới trong 7 tháng là 629.161 lao động, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về số DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc ngừng hoạt động chờ đóng mã số DN hoặc không đăng ký của cả nước là 37.612 DN, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động trong 7 tháng đầu năm 2014, cả nước có 9.428 DN ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động, giảm 6,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo Diệp Lân/Chinhphu.vn