Theo phóng viên TTXVN tại Praha, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Cộng hòa Séc từ ngày 17-20/9, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn dẫn đầu đã hội đàm với Chủ tịch Thượng viện, Phó Chủ tịch Hạ viện, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc. Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Séc Trương Mạnh Sơn đã tham dự tất cả các hoạt động của đoàn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn hội đàm với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc, Tomas Kuchta. (Ảnh: TTXVN)
Tại các cuộc hội đàm riêng biệt với Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech và Phó Chủ tịch Hạ viện Vojtech Filip, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Huỳnh Ngọc Sơn đánh giá cao thành tựu mà Cộng hòa Séc đạt được trong thời gian qua, nêu rõ vai trò và vị thế ngày càng lớn mạnh của nước chủ nhà trong Liên minh châu Âu (EU) và trên thế giới.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn hoan nghênh việc Séc công nhận người Việt gốc Séc là cộng đồng dân tộc thiểu số thứ 14, coi đây là bằng chứng về tình hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi biết ơn sự giúp đỡ hiệu quả mà Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay đối với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước của Việt Nam. Tại đất nước chúng tôi có nhiều người từng học tập, làm việc ở Séc và ngày nay họ đang giữ những vị trí quan trọng. Đó là tài sản vô giá của tình hữu nghị Việt-Séc."
Đánh giá về mối quan hệ gữa hai nước thời gian gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết Việt Nam và Séc thường xuyên trao đổi các đoàn cấp cao để tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, giáo dục.
Ông đề nghị Thượng viện và Hạ viện Cộng hòa Séc tiếp tục cử các đoàn công tác và các nghị sỹ sang Việt Nam để hai bên phát huy cơ chế tham vấn, phối hợp trên các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Diễn đàn Đối tác Nghị viện Á-Âu (ASEP)... Ông đề nghị quốc hội hai nước giám sát chặt chẽ việc thực hiện các hiệp định song phương đã ký để mang lại kết quả tích cực cho cả hai bên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị hai bên tiếp tục thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa quốc hội hai nước đã đạt được nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc trước đây của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, cố gắng đạt được những kết quả cụ thể để kỷ niệm lần thứ 65 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Séc vào năm 2015.
Phó Chủ tịch Huỳnh Ngọc Sơn khẳng định Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp Séc đầu tư vào Việt Nam và Việt Nam sẽ là cầu nối để Séc tiếp cận các quốc gia ASEAN. Mặt khác, Việt Nam mong muốn Hạ viện và Thượng viện Cộng hòa Séc sớm phê chuẩn Hiệp định đối tác hợp tác toàn diện (PCA) đã ký giữa Việt Nam và EU vào tháng 6/2012, cũng như thúc đẩy tiến trình ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và EU dự kiến kết thúc vào tháng 10/2014, ủng hộ việc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn mời lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện sang thăm Việt Nam vào dịp Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132 vào tháng 3/2015.
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã chỉ cho các nghị sỹ Séc thấy rõ sự phi lý của "đường lưỡi bò" trên bản đồ Biển Đông do Trung Quốc vẽ ra, và đề nghị Cộng hòa Séc quan tâm hơn nữa đến việc ổn định tình hình ở khu vực, đảm bảo an toàn hàng hải ở Biển Đông, ủng hộ quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp trên biển bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech và Phó Chủ tịch Hạ viện Vojtech Filip hoan nghênh chuyến thăm của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và nhận lời mời tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 132.
Phó Chủ tịch Hạ viện Vojtech Filip cho biết phía Séc luôn luôn ủng hộ việc ký FTA giữa Việt Nam và EU, ủng hộ việc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Ông mong muốn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trương Tấn Sang sẽ sớm sang thăm Cộng hòa Séc để thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước.
Về vấn đề Biển Đông, Chủ tịch Thượng viện Séc Milan Stech tuyên bố: "Các tranh chấp cần được giải quyết bằng con đường hòa bình, bằng con đường pháp lý chứ không phải bằng vũ khí và đe dọa dùng vũ lực."
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã có cuộc hội đàm với Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Séc Tomas Kuchta. Phía Việt Nam quan tâm đến việc hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, trao đổi kinh nghiệm bỏ luật nghĩa vụ quân sự để thay vào đó bằng cơ chế quân nhân tự nguyện và chuyên nghiệp, xây dựng các chính sách đối với binh sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại các điểm nóng trên thế giới.
Bên cạnh các họat động song phương, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam cũng đã có buổi làm việc với cán bộ Đại sứ quán Việt Nam về Luật cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, việc xin nhập lại quốc tịch Việt Nam đối với những người đã nhập quốc tịCộng hòa Séc trước ngày 1/1/2014. Đoàn cũng đã gặp gỡ lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, các chi hội người Việt ở Brno và Pardubice.
Đại diện tòa thị chính Pardubice, ông Jan Nemec đã gặp Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, bày tỏ mong muốn của lãnh đạo thành phố được kết nghĩa với một địa phương của Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã giao cho Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Nguyễn Ngọc Thiện, thành viên của Đoàn, nghiên cứu các điều kiện cụ thể về việc kết nghĩa với thành phố Pardubice.
Sáng 20/9, Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam lên đường về nước, kết thúc chuyến thăm làm việc tại 3 quốc gia Trung Âu gồm Cộng hòa Áo, Cộng hòa Slovakia và Cộng hòa Séc./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/san-sang-tao-dieu-kien-de-doanh-nghiep-sec-dau-tu-vao-viet-nam/282199.vnp