Nhiều nước trên thế giới đang khẩn cấp thảo luận cũng như thực hiện các biện pháp nhằm đối phó với dịch Ebola đang có chiều hướng lan rộng.
Theo số liệu vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cách đây 2 ngày (15/10), khoảng 4.500 người đã thiệt mạng do virus Ebola.
Châu Âu nhóm họp
Ngày 16/10, Bộ trưởng Y tế các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận các giải pháp tăng cường sự phòng vệ của châu Âu trong việc đối phó với dịch Ebola.
Bộ trưởng Y tế các nước thành viên EU nhất trí sẽ phối hợp đồng bộ các biện pháp ở cấp quốc gia tại các sân bay, cảng biển nhằm kiểm soát dịch, cũng như tăng cường chia sẻ thông tin liên quan đến dịch. Các Bộ trưởng cũng nhất trí về bảng câu hỏi chung được được đưa cho các hành khách tại sân bay để qua đó các quốc gia thành viên có được thông tin về các hành khách đến từ các quốc gia vùng dịch. Trước diễn biến phức tạp của dịch Ebola, hôm 14/10, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC), Bộ Y tế đã họp khẩn nhằm bàn giải pháp ứng phó. Tuy nhiên, các nước thành viên chưa nhất trí được về việc có nên tiến hành sàng lọc y tế các hành khách đến từ vùng dịch tại sân bay hay không. Hiện mới chỉ có Pháp, Anh và Cộng hòa Séc tuyên bố bắt đầu kiểm tra sàng lọc y tế các hành khách tại các sân bay của các nước này nếu đó là các hành khách này đến từ các quốc gia vùng dịch.
HĐBA LHQ lên tiếng
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng và mở rộng phạm vi hỗ trợ các nước đang bị virus Ebola hoành hành và có chiều hướng lan rộng.
Tuyên bố của HĐBA cảnh báo thế giới chưa có những nỗ lực tương xứng để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và đã thất bại trong việc dự báo trước nguy cơ lây lan của virus Ebola. Tuyên bố cũng hối thúc tất cả quốc gia thành viên và tổ chức đa phương nhanh chóng mở rộng đáng kể việc cung ứng nguồn lực, tài chính hỗ trợ khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh, đồng thời kêu gọi thành lập phòng thí nghiệm lưu động, bệnh viện dã chiến, đào tạo nhân viên y tế, liệu pháp điều trị, vaccine cũng như dụng cụ phòng hộ.Bên cạnh đó, HĐBA LHQ hối thúc quốc gia cũng như các công ty vận tải và hàng không duy trì chế độ thương mại linh hoạt, mở và kết nối du lịch với hầu hết các nước Tây Phi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Ebola.
Mỹ đề nghị sử dụng căn cứ không quân tại Tây Ban Nha
Trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của dịch Ebola, Mỹ đã đề nghị Chính phủ Tây Ban Nha cho phép sử dụng các căn cứ không quân của Mỹ tại nước này cho các hoạt động phòng chống dịch.
Theo đó, các căn cứ không quân được sử dụng như một điểm trung chuyển các đơn vị hậu cần và các kỹ sư tham gia xây dựng bệnh viện dã chiến tại Liberia và Sierra Leone, hai nước nằm trong vùng dịch Ebola.Sân bay quốc tế Barajas ở thành phố Madrid của Tây Ban Nha hôm 16/10 tiếp tục được đặt trong tình trạng khẩn cấp sau khi một hành khách trên chuyên bay của hãng hàng không Pháp hạ cánh tại sân bay này được phát hiện là nghi nhiễm virus ebola.Giới chức y tế Đan Mạch cùng ngày cho biết một người đã phải nhập viện do bị nghi nhiễm virus Ebola. Bệnh nhân này đã được cách ly và theo dõi tại Bệnh viện Hvidovre ở Copenhagen, đồng thời được điều trị bằng các phương pháp dành cho người nhiễm Ebola. Nếu kết quả xét nghiệm người này dương tính với virus Ebola, đây sẽ là ca nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện tại nước này.Một nữ y tá điều trị cho bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên đã buộc phải nhập viện Saint-Mande ở Begin (gần thủ đô Paris, Pháp) hôm 16/10 (giờ địa phương) do nghi ngờ nhiễm virus Ebola. Nữ y tá trên có các dấu hiệu sốt cao kéo dài. Tuy các kiểm tra sơ bộ cho thấy cô chưa bị nhiễm nhưng các bác sĩ cho biết họ đang chờ kết quả xét nghiệm đầy đủ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy chuyến thăm Đảo Rhode và New York để tập trung vào công tác đối phó với các ca nhiễm Ebola mới tại Mỹ. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp ông hủy bỏ kế hoạch công tác để tập trung đối phó với dịch bệnh Ebola.Trong khi đó, trước thông tin nước Mỹ phát hiện trường hợp thứ 2 nhiễm Ebola, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) Thomas Frieden cho biết việc nước này có thêm ca nhiễm mới Ebola là rất đáng ngại. Hiện công tác điều tra, xác minh những người có liên quan đang được xúc tiến và theo dõi chặt chẽ, đồng thời cho biết CDC đang chuẩn bị cho khả năng có thêm các ca nhiễm virus này trong những ngày tới.Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng hội đàm trực tuyến với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Italy Matteo Renzi thể hiện cam kết "lớn hơn" trong nỗ lực toàn cầu để chặn đứng dịch Ebola.
Bộ trưởng Giao thông Liberia tự nguyện cách ly
Bộ trưởng Giao thông Liberia Angela Cassell-Bush thông báo bà đã tự nguyện cách ly sau khi tài xế của bà tử vong do nhiễm virus Ebola.Bộ trưởng Cassell-Bush khẳng định mặc dù không có bất cứ tiếp xúc trực tiếp nào với tài xế trên, song bà đã tự cách ly trong 21 ngày, thời gian ủ bệnh tối đa đối với virus Ebola. Hiện chưa rõ thời điểm tài xế trên tử vong. Trước đó, Bộ trưởng Cassell-Bush cũng đã có thời gian cách ly tương tự sau khi một đồng nghiệp của bà thiệt mạng vì dịch bệnh trên.
Theo Chinhphu.vn