Cập nhật: 01/11/2014 11:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp, nông dân chưa có quyền mặc cả.

Theo Liên minh “Vì quyền của người nông dân và hiệu quả của nền nông nghiệp Việt Nam”(Liên minh Nông nghiệp), cả chính sách quy định giá sàn thu mua lúa gạo và chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo đều đang có nhiều bất cập, không mang lại lợi ích thực sự cho nông dân.

Quy định giá sàn gây thiệt cho nông dân

TS Nguyễn Đức Thành, nhóm nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp cho rằng, chính sách quy định giá sàn thu mua lúa, đảm bảo nông dân lãi ít nhất 30% có dụng ý tốt đối với người nông dân, nhưng trên thực tế gây thiệt cho người nông dân.

 

Chính sách về tạm trữ lúa gạo đang còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: KT)

Bởi vì, theo khảo sát của Liên minh này, việc xác định giá thành sản xuất lúa khá phức tạp về thống kê và phí tổn thời gian để đảm bảo tính chính xác, và mang tính đại diện cho sản xuất lúa phổ biến của một vùng. Sự biến động nhanh của thị trường các yếu tố đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, hay giá lao động,… sẽ làm cho việc xác định chi phí tại mỗi thời điểm liên tục biến đổi.

Hơn nữa, ở ĐBSCL, doanh nghiệp chủ yếu thu mua lúa gạo qua thương lái, nên mức giá mà người nông dân được hưởng luôn thấp hơn mức giá thu mua của công ty.Nếu căn cứ vào con số công bố mức giá thành sản xuất lúa tại các tỉnh ĐBSCL nằm trong một khoảng rất rộng, chẳng hạn từ 3.742 – 4.908 đồng/kg như đã áp dụng đối với vụ Hè Thu năm 2014,  thì các doanh nghiệp gần như cầm chắc thu mua lúa của người nông dân ở trên mức giá thành mang tính kỹ thuật này, cộng với 30% “lãi” như kỳ vọng của chính sách.

Với mức giá thành thu mua được hình thành (kỳ vọng) như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có xu hướng đàm phán bán gạo với giá thấp cho nước ngoài và quay trở lại ép giá người nông dân. Người nông dân vì thế luôn chỉ được hưởng mức lãi thấp do bị doanh nghiệp thu mua ép giá. Hơn nữa, người nông dân sẽ không mặn mà với việc trồng các loại lúa gạo có chất lượng cao do giá thành trồng các loại giống lúa này cao hơn. Mức giá sàn này vô hình trung tạo ra một “chuẩn” thu mua thóc bất lợi cho những người nông dân trồng các loại lúa có chất lượng cao theo hợp đồng nông sản với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.Như vậy, “chính sách này không những không đem lại phần lợi nhuận nhiều hơn cho nông dân mà còn vô tình phá hoại chính sách khuyến khích nông dân chuyển dịch sang trồng các loại lúa gạo có chất lượng cao”- TS Nguyễn Đức Thành, nhóm nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp đánh giá.

Vì thề, ông Thành đề xuất: Việc ấn định giá lúa gạo phải có nhiều hơn tiếng nói của người trồng lúa. Thành viên của “Ủy ban Giá Lúa Gạo” gồm có đại diện Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương, đại diện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, đại diện Hội nông dân sản xuất lúa.

Nông dân không hưởng lợi trực tiếp từ chính sách thu mua tạm trữ

Chính sách thu mua tạm trữ được thực hiện song hành với chính sách đảm bảo người nông dân có lãi ít nhất 30%. Theo nhiều phân tích, hiệu quả của chính sách này không thực sự rõ ràng. Chỉ rõ những sự không rõ ràng này, theo TS Nguyễn Đức Thành: Thứ nhất, người nông dân Việt Nam không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này. Khác với các chính sách thu mua tạm trữ của Thái Lan và Ấn Độ, nơi các doanh nghiệp nhà nước thu mua lúa ở mức giá tối thiểu trực tiếp từ nông dân, thì ở Việt Nam, các doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ từ thương lái. Chính sách này chỉ mang lại lợi ích gián tiếp cho người nông dân nếu như giá lúa gạo tăng trở lại.

Thứ hai, trợ cấp dưới hình thức hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua tạm trữ trong một khoảng thời gian (3 tháng)  thực chất là trợ cấp miễn phí chi phí lưu kho cho doanh nghiệp bởi bất kỳ doanh nghiệp kinh doanh nào cũng thường phải lưu kho một lượng gạo nhất định.Thêm nữa, doanh nghiệp lại có lựa chọn là có thể bán luôn cả phần lưu kho trong quĩ dự trữ và chấp nhận không hưởng lãi suất. Với chính sách này, lượng lúa thu mua gia tăng thêm từ chính sách dự trữ thực chất không nhiều.Giá thu mua vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng ký được hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp. Và đó chính là lý do tại sao trong bốn lần thua mua tạm trữ từ năm 2009 đến 2012 (vụ hè thu vào các năm 2009, 2010; vụ đông xuân vào các năm 2011 và 2012) thì có đến 2 lần thất bại, giá lúa thu mua tiếp tục giảm thay vì tăng trở lại.

Liên minh này đề nghị Chính phủ nên sửa đổi chính sách này như sau: khi giá lúa trên thị trường xuống thấp hơn giá lúa do Ủy ban Giá Lúa Gạo công bố, Nhà nước cho phép các HTXNN vay tiền theo khối lượng lúa của các xã viên đang tạm trữ được ứng trước một số tiền để đáp ứng cho các nhu cầu cấp bách của nông hộ. Đến khi giá lúa tăng trở lại thì họ sẽ bán lúa và trả lại tiền tạm ứng của Nhà nước. Số lượng lúa tạm trữ sẽ được hỗ trợ tối đa 100% lãi suất cho HTXNN. Như thế người nông dân sẽ hưởng hoàn toàn sự hỗ trợ của nhà nước./.

 

 

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm