Cập nhật: 04/11/2014 15:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Để mở rộng quy mô, áp dụng công nghệ mới nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp cần phải khơi thông nguồn vốn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của người nông dân. Đó đang là mục tiêu đặt ra không chỉ của ngành nông nghiệp mà cả nền kinh tế.

 

Dự án có tính khả thi cao, ngân hàng vẫn có thể cho vay với mức cao nhất (có thể gần 70% tổng vốn đầu tư). Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Theo nhận định của PGS.TS Mai Thành Phụng, Trưởng bộ phận phía Nam, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, thì phải tìm cách tổ chức sản xuất tốt cho nông dân; nâng cao ý thức đầu tư để mở rộng quy mô, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất thâm canh; tổ chức tốt chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp cũng là một “nút thắt” quan trọng để khơi thông đầu tư và nguồn vốn cho nông nghiệp nói chung và bà con nông dân nói riêng.

Dự án tốt, vốn được vay cao

Ông Nguyễn Trung Hậu, Phó Giám đốc Ngân hàng Agribank Hóc Môn chi nhánh TPHCM cho biết, mặc dù phải đảm bảo các nguyên tắc về tài sản thế chấp, về bảo toàn vốn, tránh nợ xấu, nhưng sau khi thẩm định, dự án nào tốt, có tính khả thi cao ngân hàng vẫn có thể cho vay với mức cao nhất (có thể gần 70% tổng vốn đầu tư).

Cụ thể, tính đến hết 30/9, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại Agribank Hóc Môn đạt gần 1.400 tỷ đồng, chiếm gần 65%/tổng dư nợ, tăng trưởng bình quân trên 12% trong các năm vừa qua. Hiện nay, Agribank Hóc Môn đã phát triển gần 5.000 khách hàng vay là hộ gia đình, cá nhân vay vốn thuộc đối tượng nông nghiệp-nông thôn chủ yếu là trên địa bàn TPHCM.

Vài thí dụ sau có thể nói rõ hơn về cách làm của ngân hàng.

Dự án chăn nuôi bò sữa của chị Nguyễn Thị Hường, ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Với tổng vốn đầu tư của dự án chỉ có 5 tỷ đồng, nhưng ngân hàng đã cho vay tới 3 tỷ đồng (chiếm 60% tổng dự án) để đầu tư xây dựng chuồng trại (250m2  cho 70 con bò sữa) và cung cấp cám thực phẩm cho 47 hộ chăn nuôi bò sữa khác tại xã Tân Hiệp. Một thí dụ khác, dự án trồng hoa lan của ông Nguyễn Quang Vinh, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với tổng vốn đầu tư là 10 tỷ đồng nhưng đã được cho vay tới 4,5 tỷ đồng để  trồng 500.000 cây lan trên diện tích 15.820 m2.

Hiện nay, cả hai dự án đang hoạt động hiệu quả, doanh thu bình quân trên dưới 10 tỷ đồng và thực hiện trả vốn vay đầy đủ cho ngân hàng.

Bên cạnh các hộ nông dân lẻ, Agribank Hóc Môn đã tập trung vào các doanh nghiệp có dự án tốt cho phát triển nông nghiệp.

Ví dụ, Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (cụm công nghiệp Nhị Xuân, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn) đã được vay 67/121 tỷ đồng tổng vốn đầu tư từ năm 2012 để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, chăn nuôi gà đẻ, heo giống và nhập dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghệ Hà Lan. Hiện nay, doanh thu bình quân của Công ty đạt 176 tỷ đồng/năm và đã trả được 1/5 vốn vay ngân hàng.

 

Có rất nhiều các hình thức vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Trung ương và địa phương đưa nguồn vốn đến với bà con nông dân. Ảnh: VGP/Đỗ Cường

Nhiều mô hình cho vay

Bên cạnh vay vốn ngân hàng, hiện nay có rất nhiều  hình thức vay vốn từ các quỹ hỗ trợ của Trung ương và địa phương đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai nhằm đưa nguồn vốn đến với bà con nông dân, với các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chẳng hạn, chương trình kích cầu qua đầu tư của TPHCM với tổng nguồn vốn vay lên đến 12.000 tỷ đồng, tập trung cho một số lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ ưu tiên cho những dự án ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc, các mặt hàng thiết yếu phục vụ bình ổn giá.

Đặc biệt, với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho người vay vốn, nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để giảm chi phí vay vốn, góp phần giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tùy theo từng dự án, từng lĩnh vực có thể được giảm 50-100% lãi suất với thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm và nguồn vốn được vay tối đa là 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, PGS.TS Mai Thành Phụng cho biết, bên cạnh các nguồn đầu tư của Chính phủ, vốn vay của ngân hàng, còn có nhiều nguồn vay từ các tổ chức tín dụng, các tổ chức phi chính phủ để giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn cho phát triển sản xuất.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đang nhân rộng mô hình cho vay theo nhóm do Quỹ hợp tác phát triển của Bỉ tài trợ vốn.

Theo đó, mô hình cho vay được tổ chức theo 5 dự án của 5 hộ nông dân xếp thành nhóm. Mỗi hộ nông dân, ngoài việc trình bày tính khả thi của dự án cho tổ chức quỹ tín dụng phải thuyết phục được 4 người còn lại trong nhóm thấy được khả năng, tính hiệu quả, khả thi của dự án.

Trong quá trình vay vốn và triển khai dự án, ngoài cán bộ theo dõi quỹ, 5 hộ này sẽ tự kiểm soát, kiểm định lẫn nhau để sao cho nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Bởi vì, thời gian trả vốn vay, hiệu quả sản xuất của từng hộ sẽ quyết định việc tham gia tiếp tục trong chu kỳ tới của các hộ khác.

Chu kỳ cho vay trong 10 tháng với lãi suất 2%/10 tháng. Sau khi đáo hạn, nếu hộ nông dân nào thanh toán đầy đủ, kịp thời và sản xuất có hiệu quả, quỹ sẽ tăng nguồn vốn được vay của chu kỳ sau lên 50%.

Hiện nay, với 6 tổ cho vay tại các huyện Tam Nông, Thủ Thừa của Đồng Tháp và phổ biến rộng khắp tại Long An, mô hình này đang đem đến cho hơn 13.000 hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn để góp phần phát triển sản xuất.

Bên cạnh đó, Quỹ Tín dụng nhân dân sau 12 năm hoạt động (từ năm 2012) phát triển rộng khắp trên phạm vi cả nước đã tạo dựng được niềm tin với bà con nông dân và nhờ sự hỗ trợ kịp thời của quỹ, nhiều hộ nông dân không chỉ thoát nghèo mà còn phát triển sản xuất với quy mô lớn.

Theo ThanhThủy/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm