Los Angeles, bang California, Mỹ, vẫn nổi tiếng là kinh đô giải trí của thế giới. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay ngày càng có nhiều nhà làm phim “chạy trốn” tới các địa điểm có chi phí rẻ hơn như London, New York, Canada. Đã tới lúc Hollywood lấy lại tên tuổi cho mình.
Hollywood đang lấy lại tên tuổi của mình. (Nguồn: vagendamagazine)
Trong một báo cáo gần đây, Film LA, cơ quan phát hành giấy phép quay phim ở bờ Tây nước Mỹ, cho biết: “Khán giả thường nghĩ rằng California là quê hương của ngành công nghiệp làm phim nhưng ánh hào quang quá khứ đó đang bị đe dọa."
Tom Nunan, giảng viên trường sân khấu, điện ảnh và truyền hình UCLA đồng thời là người sáng lập công ty sản xuất Bull’s Eye Entertainment chia sẻ: “Chúng tôi đang phải thuê nguồn nhân lực ngoài để sản xuất các sản phẩm tâm huyết nhất của mình."
Trong vòng 15 năm qua, ngành sản xuất phim ở California - cái nôi của ngành công nghiệp điện ảnh lớn nhất thế giới - đã sụt giảm tới 50%. Trong năm 2013, mảnh đất bờ Tây nước Mỹ này chỉ tham gia sản xuất 8% trong số 25 bộ phim lớn nhất của năm (không tính các bộ phim hoạt hình).
Bộ phim mới đây “Star Wars” được bấm máy ở London, bộ phim hành động mới nhất “Sát thủ tháng 11” với sự tham gia của Pierce Brosnan được quay tại Zagreb, trong khi đó đạo diễn người Pháp Luc Besson lại tới Đài Loan (Trung Quốc) để thực hiện bộ phim “Lucy” cùng Scarlett Johansson.
Các hãng phim vẫn đang là nguồn thu nhập chính đối với nhiều người tại Los Angeles. Theo Film LA, 108 bộ phim lớn nhất trong năm 2013 đã tạo ra nguồn thu lên tới 7,6 tỷ USD cho hàng vạn nhân công trong thành phố.
Sự thâm nhập vào Canada
Trong năm 2013, 21 trong số 23 chương trình truyền hình được sản xuất bên ngoài California. Canada đang tìm cách để thu hút các nhà làm phim khi giảm rào cản bằng việc mời chào mức khấu trừ thuế chỉ bằng 40% kinh phí một bộ phim.
“Chúng tôi bắt đầu quen với việc, nếu muốn thực hiện ý tưởng nào đó thì tìm đến Canada” - Nuna cho biết thêm.
Ngoài việc giảm thuế, các nước muốn thu hút nhà làm phim cần phải cung cấp trang phục, hóa trang hay các công đoạn phức tạp khác theo tiêu chuẩn khắt khe của các nhà làm phim Hollywood.
Trong một khảo sát vào năm ngoái, nước Mỹ đang là quốc gia có nhiều hãng phim lớn nhất thế giới với 70 hãng, vị trí thứ 2 là Canada với 15 hãng, tiếp theo đó là 12 ở Anh. Nước Pháp sở hữu 1 hãng .
Nếu xét theo tiêu chí là các thành phố thì London lại dẫn đầu bảng xếp hạng khi sở hữu 8 trong 10 bộ phim lớn với một xưởng sản xuất quốc doanh như Pinewood. Theo sau đó lần lượt là Vanouver, New York và Paris.
Thậm chí ở ngay trên đất Mỹ, California vẫn xếp sau Louisiana, nơi đây là điểm quay của 18 trong số 108 bộ phim hay nhất năm ngoái. Tiếp sau là New York và Georgia.
Trong một nỗ lực lấy lại tên tuổi, California đã tăng gấp 3 lần mức khấu trừ thuế trong năm nay cho các hãng làm phim, lên 330 triệu USD một năm so với con số 100 triệu USD trước đó.
Kế hoạch này ngay lập tức đã gặt hái được thành công khi trong quý 3/2014, sản xuất chương trình TV ở "thành phố của các thiên thần" đã tăng 31%.
“Mặc dù những con số còn khá ảm đạm nhưng Hollywood vẫn là trung tâm của ngành công nghiệp kinh doanh điện ảnh thế giới bởi vì các ý tưởng và và nhân tài đều có mặt ở đây” - Nunan nhấn mạnh./.
NGHIÊM ĐẠT (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/hollywood-quyet-tam-bao-ve-danh-hieu-kinh-do-dien-anh-the-gioi/290977.vnp