Cập nhật: 19/11/2014 09:28:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cuối năm 2015 sẽ chấm dứt xe quá khổ, quá tải; phấn đấu về đích sớm 2 năm mục tiêu 100% xã có đường ô tô; làm gần 8.000 cầu treo mới cho dân vùng khó khăn; sẽ có dự án đường sắt khổ lớn để từ Hà Nội-TPHCM chỉ mất 10 giờ…

Đây là những khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng khi trả lời trên hội trường Quốc hội với những câu hỏi chất vấn đa dạng về lĩnh vực từ các đại biểu đại diện ý kiến cử tri.

Cuối năm 2015 sẽ chấm dứt xe quá khổ, quá tải

Thực trạng xe quá tải, quá khổ, “né” kiểm định, gây hư hại đường, mất an toàn giao thông mà đại biểu Nguyễn Văn Phúc và nhiều ý kiến khác đề cập, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định sẽ kiểm soát, tiến tới xử lý triệt để tình trạng nhức nhối này. Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của ngành GTVT trong cả 2 năm 2014-2015.

“Với nhiều giải pháp đồng bộ, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, nhất là vai trò chính quyền địa phương, nơi quản lý, kiểm soát được các doanh nghiệp vận tải, đến cuối năm 2015 sẽ không còn chỗ cho xe quá khổ, quá tải”.

Ông Thăng cho biết, sắp tới sẽ phối hợp với Bộ Công an tiếp tục có nhiều chương trình siết chặt hơn nữa tình trạng vi phạm này.

Trả lời câu hỏi về giải pháp đồng bộ để giá vận tải, nhất là vận tải hàng không có thể cạnh tranh trong khu vực khi Việt Nam dự định sẽ là điểm vận tải trung chuyển, Bộ trưởng GTVT cho biết, vận tải chính là 1 trong 3 lĩnh vực tái cơ cấu của ngành và giải pháp chính hướng tới là tăng năng suất lao động, giảm chi phí, tăng kết nối các loại hình vận tải nhằm có cơ sở điều chỉnh giá cước cạnh tranh. Đến nay, tỷ trọng vận tải đường bộ đã giảm, đường thủy/biển với lợi thế về giá cước thấp đã tăng, giá vé đường sắt có chương trình giảm trong dịp Tết, còn hàng không Việt Nam từ lâu đã không tăng giá.

“So sánh với khu vực thì giá cước hàng không Việt Nam còn thấp hơn Thái Lan ở một số tuyến tương đương, như Hà Nội-TPHCM là Phuket và Bangkok”, ông Thăng cho biết.

“Xóa trắng” số xã chưa có đường ô tô về trung tâm vào năm 2020

Trước những băn khoăn về vấn đề đầu tư hạ tầng cho nông thôn, vùng khó khăn, Bộ GTVT cho biết, sẽ có 5/11 huyện đảo có thể sẽ được kết nối bằng cầu đường xuyên biển trong thời gian tới. Sẽ “xóa trắng” số xã chưa có đường ô tô về trung tâm vào năm 2020 , thậm chí sớm hơn 2 năm nếu có chủ trương từ cấp có thẩm quyền cùng các chính sách về nguồn lực, sự vào cuộc quyết liệt của cả Trung ương, lẫn địa phương.

Bộ GTVT đã rà soát gần 7.800 điểm cần đầu tư xây dựng cầu treo cho người dân vùng sâu, vùng khó khăn và trước mắt sẽ cố gắng trong năm 2015 làm xong 186 cây cầu diện cấp bách nhất. Ông Thăng cho biết, nếu thu xếp được nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, huy động vốn dư, tiết kiệm từ các dự án khác, cũng như kêu gọi từ các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp, thì có thể trong 3 năm tới sẽ đảm bảo làm xong số cầu này.

Thực hiện nghiêm việc quy hoạch trạm thu phí

Với chất vấn của các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà, Bạch Thị Hương Thủy lo ngại về tình trạng nhượng quyền thu phí, khai thác công trình cho tư nhân, thậm chí cho nước ngoài, có thể dẫn đến tình trạng kéo dài thời gian thu, áp phí cao gây thiệt cho người dân, người đứng đầu ngành giao thông phân tích, chính sách nhượng quyền thu hút là một biện pháp cần thiết để thu hút đầu tư trong điều kiện các nguồn ngân sách thiếu hụt hiện nay: “Ta có hơn 500km đường cao tốc, nếu nhượng quyền khai thác thì sẽ có vốn làm cuốn chiếu để năm 2020 đạt mục tiêu 2000km cao tốc đã đề ra”.

“Trong việc nhượng quyền này, như trường hợp đường Sài Gòn-Trung Lương vừa qua, nhà đầu tư phải kế thừa toàn bộ các điều kiện hợp đồng, các quy định giá của các cơ quan có thẩm quyền, không tùy tiện về giá phí hay thay đổi về thời hạn để có thể ảnh hưởng đến đi lại của người dân”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Cũng về vấn đề liên quan, Bộ trưởng khẳng định sẽ thực hiện nghiêm việc quy hoạch trạm thu phí và xây dựng Đề án trạm thu phí không dừng, tạo thuận lợi cho phương tiện cũng như quản lý tốt hơn việc thu phí, an toàn giao thông, tính toán đầu tư vận hành dự án…

Trước phản ánh về thi công các công trình giao thông đang gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt người dân, thậm chí gây ngập lụt, mất an toàn giao thông, ông Thăng kêu gọi sự chia sẻ của người dân và cam kết sẽ chỉ đạo, giám sát chặt chẽ để hạn chế tối đa các ảnh hưởng trong thi công, như một số đường cao tốc thiếu đường gom, hầm dân sinh, QL1A bị đôn cao sau cải tạo hay thi công tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông gây tai nạn…

Sẽ có dự án đường sắt khổ lớn Hà Nội-TPHCM

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho biết, Bộ GTVT đang dự kiến là nâng cấp đường sắt Bắc-Nam để khai thác tàu lên vận tốc trên mức 50-60km/h hiện nay. Cùng với đó là  xây dựng một tuyến đường đôi khổ 1.435 mm, tốc độ 160-180km/h để có thể từ Hà Nội đi TPHCM chỉ mất 10 giờ đồng hồ.

Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng GTVT đã cho biết một số thông tin khác được dư luận quan tâm, như suất đầu tư đường cao tốc của Việt Nam thấp hơn so với Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều dự án thấp hơn các nước trong khu vực.

Cụ thể, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên 4,19 triệu/km, Nội Bài-Lào Cai 6,94 triệu/km, Hà Nội-Hải Phòng hơn 11 triệu/km.

Tuy nhiên, một số dự án có mức chi phí còn cao là do đặc thù của dự án đó. Chẳng hạn như Bến Lức-Long Thành có nhiều cầu, nền đất yếu thì mới lên 25 triệu/km; dự án Hà Nội-Hải Phòng có chi phí giải phóng mặt bằng lớn, kéo dài, 106km mà 10 nút giao trị giá hàng nghìn tỷ đồng, hàng trăm đường gom, hầm chui dân sinh…

PV

Theo chinhphu.vn

Tệp đính kèm