Tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn tự nguyện để thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) với hơn 65 tiêu chí để sản xuất cây trồng an toàn áp dụng suốt 6 năm qua được đánh giá là phức tạp với mô hình sản xuất nhỏ.
Trồng rau an toàn tại Lâm Đồng. (Ảnh: Phương Vi/TTXVN)
Thực tế cho thấy, 90% nông dân Việt Nam sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và hầu hết những sản phẩm nông sản làm ra được tiêu thụ trên thị trường nội địa nên rất khó có thể áp dụng VietGAP trong quá trình sản xuất.
Trên cơ sở đó, GAP cơ bản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là một bước khởi đầu giúp phần lớn nông hộ có thể áp dụng và thực hành trong sản xuất cây trồng an toàn nhưng vẫn đảm bảo các quy chuẩn đề ra.
Phát biểu tại Hội thảo về sản xuất cây trồng an toàn, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với JICA và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức sáng nay (9/12), tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) Trần Xuân Định cho biết, áp dụng quy trình kỹ thuật GAP cơ bản sẽ đơn giản hơn với người nông dân nhưng sản phẩm vẫn đạt hiệu quả cao.
“Sản xuất rau nói riêng, sản xuất trồng trọt của Việt Nam nói chung là quy mô nhỏ hẹp, chủ yếu là các nông hộ và đa dạng chủng loại. Do xuất phát điểm có trình độ thấp nên phải tìm cách hướng dẫn họ tiếp cận bắt đầu từ dưới lên và tác động thay đổi phương thức sản xuất dần dần,” Phó Cục trưởng Trần Xuân Định cho hay.
GAP cơ bản đã được đơn giản hóa bằng việc lựa chọn những tiêu chí cơ bản nhất của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành và không yêu cầu người sản xuất phải đăng ký, xin cấp giấy chứng nhận. Theo ông Định, thay vì thực hiện cả 65 tiêu chí thì bước đầu nông dân chỉ cần thực hiện tốt 26 tiêu chí cơ bản, tuy vậy vẫn đảm bảo sản xuất an toàn.
Bên cạnh đó, các tiêu chí này cũng hướng đến tính bền vững, tính khả thi là dễ tiếp cận đối với đại đa số các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ đồng thời cũng đề cao việc giám sát nội bộ, kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau trên cơ sở các tổ hợp tác, nhóm hợp tác.
Theo bà Đoàn Thị Chải, Trưởng ban quản lý dự án, việc tăng cường năng lực quản lý ngành trồng trọt của Việt Nam nhằm cải thiện sản lượng và chất lượng sản phẩm cây trồng cụ thể là việc triển khai mô hình GAP cơ bản đã làm thay đổi phần nào nhận thức của nông dân và thói quen trong sản xuất.
“Việc ứng dụng sản xuất cây trồng an toàn theo GAP cơ bản với 26 điểm kiểm soát được đánh giá là thuận lợi hơn cho các cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nông dân trong việc đánh giá so với thực hiện các GAP khác,” bà Đoàn Thị Chải khẳng định.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Okiura Fumihiko, Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng mà GAP cơ bản hướng tới là giúp giảm chi phí đầu tư, áp dụng sản xuất an toàn, đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân. Chính vì vậy, để mở rộng sản xuất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ các cơ quan ban ngành và có những chính sách cụ thể để nhân rộng mô hình.
Để nhân rộng, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục chủ trương tuyên truyền mạnh mẽ nâng cao nhận thức cả người sản xuất và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các đơn vị cần hướng dẫn công tác chứng nhận GAP cơ bản đảm bảo GAP cơ bản là sản phẩm an toàn và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, đem lại hiệu quả đầu ra có giá trị./.
THANH TÂM (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/ap-dung-va-nhan-rong-gap-co-ban-trong-san-xuat-cay-trong-an-toan/295683.vnp