Cập nhật: 22/04/2015 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nhà nước đang rót hàng trăm tỉ đồng cho Bộ Công Thương đi xúc tiến thương mại, nhưng theo chuyên gia kinh tế, hiệu quả thấp.

Tình trạng khó tiêu thị dưa hấu lặp đi lặp lại nhiều năm nay (Ảnh minh họa: KT)

Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 sáng nay trở nên “nóng” hơn khi nhiều chuyên gia đề cập đến hạn chế trong tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam.

Kêu gọi mua dưa hộ nông dân là giải quyết vấn đề ở phần ngọn

Nhìn bối cảnh thị trường có nhiều bất thường thời gian gần đây, đặc biệt là có yếu tố lặp lại một số bế tắc trong tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam, TS Cao Sỹ Kiêm thẳng thắn: Nền kinh tế có nhiều tín hiệu khả quan, nhưng thực tế khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn rất rõ, thậm chí còn tăng lên, nhất là trong nông nghiệp. Biểu hiện của khó khăn đó, ông Kiêm dẫn chứng: Vừa qua, có tình trạng nông dân đổ sữa ra đường, hay bộ ngành phải vận động cán bộ mua dưa hấu… Tất cả chỉ đang là giải quyết vấn đề ở phần ngọn, không phải gốc.

Theo ông Kiêm, một trong những nguyên nhân căn bản để nảy sinh tình trạng trên là do nhiều chính sách ban hành ra là tốt, nhưng triển khai thực hiện trong thực tiễn còn chậm, thậm chí nhiều vấn đề liên quan đến hội nhập, thị trường chung… doanh nghiệp còn chưa hiểu.

Với thực tế này, ông Kiêm lo lắng rằng, “thị trường hội nhập đến nơi rồi, nhưng nhiệm vụ lớn về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và chuẩn bị điều kiện cho hội nhập của doanh nghiệp hiện còn vướng mắc. Trong đó, có tình trạng doanh nghiệp chưa hiểu hội nhập cụ thể là gì, cơ chế hội nhập thế nào, hội nhập sẽ tác động tích cực hoặc tiêu cực đến doanh nghiệp và người lao động như thế nào? Nếu tiếp tục tình trạng không hiểu như thế, sẽ rất khó khăn trong hội nhập”.

Đồng quan điểm này, TS Lê Đăng Doanh còn đặc biệt lưu ý, dù kinh tế được đánh giá diễn biến có triển vọng hơn. Nhưng, thực tế, tình hình kinh tế xã hội còn diễn biến khá căng thẳng, nhiều sự kiện nảy sinh phức tạp. Dẫn những vụ việc cụ thể biểu hiện cho sự căng thẳng đó, ông Doanh cho biết: Vụ việc liên quan đến gây ô nhiễm của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 khiến người dân bức xúc mà chặn quốc lộ; Vụ việc nhiều hộ nuôi cá, tôm trên vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa) đã mang số cá bị chết trong các lồng bè mà họ cho rằng do việc hút cát nhiễm mặn của hai đơn vị đang thi công trên vịnh gây nên; Hà Nội chặt cây xanh, dự án lấp sông ở Đồng Nai; tắc dưa hấu tại cửa khẩu…

Trong khi đó, quan điểm của ông Doanh là phải đặt các vấn đề đó ra trong các báo cáo liên quan tại Diễn đàn này.  “Cần phân tích cả vào những vụ việc cụ thể đó để có những giải pháp căn cơ. Nếu không, tình hình sẽ phức tạp hơn”- ông Doanh kiến nghị.

Xúc tiến thương mại kém hiệu quả

TSKH Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính trị thế giới, thì nhìn nhận việc dưa hấu tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn và nhiều cơ quan phải kêu gọi nhân viên mua dưa hỗ trợ nông dân, có nguyên nhân sâu xa là từ công tác phát triển mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của Việt Nam còn kém.

TS Võ Đại Lược phân tích: Vấn đề  bế tắc trong tiêu thụ nông sản liên quan đến công tác điều hành vĩ mô. Vì trách nhiệm của cơ quan nhà nước là mở cửa thị trường. Ví dụ, Bộ Công Thương và có địa phương phải tìm kiếm thị trường không chỉ trông vào mỗi Trung Quốc mà hướng đến các thị trường khác như Mỹ, châu Âu… Còn hiện nay, nông dân vẫn ở tình trạng phải tự sản, tự tiêu, có mỗi một cách bán hàng sang Trung Quốc cho gần thì hậu quả như vừa rồi là tất nhiên.

Hiện nay, với sản phẩm nông nghiệp, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương thiếu hẳn một việc tìm kiếm khai mở thị trường cho nông sản. Ở các nước khác, Chính phủ không chỉ đi mở đường mà còn phải bỏ tiền ra hỗ trợ cho nông dân xuất khẩu. Còn Việt Nam chưa có ngân sách hỗ trợ cho nông dân, nhưng lẽ ra ít nhất cũng phải hỗ trợ họ khai mở thị trường. Nếu làm được việc đó thì có thể sẽ giải quyết được vấn đề, còn cứ để nông dân tự sản tự tiêu thì chắc chắn không thể giải quyết được.

Còn tình trạng hiện nay, nhà nước đang rót hàng trăm tỉ đồng cho Bộ Công Thương đi xúc tiến thương mại, theo ông Lược, Bộ này làm hiệu quả thấp. Hơn nữa, người phụ trách những chương trình xúc tiến này lại mới chú ý nhiều hơn đến hàng công nghiệp. Trong khi đó, chủ yếu hàng công nghiệp này do nhà đầu tư nước ngoài làm ra, họ tự lo, họ đã có thị trường, không cần nước mình xúc tiến.

Quan điểm của tôi là, lẽ ra chúng ta dành tiền đó tập trung nhiều hơn cho việc khai phá xúc tiến thị trường tiêu thụ cho nông sản. Chứ hiện nay vẫn chưa tập trung cho nông nghiệp, hiệu quả thấp, không giúp ích cho nông sản xuất khẩu”./.

Theo Xuân Thân/VOV.VN

Tệp đính kèm