Thời điểm bỏ thuế nhập khẩu xe từ thị trường ASEAN đang đến gần nhưng hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể nào cho công nghiệp ô tô.
Tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải tại Việt Nam đã đạt từ 30% - 50%. (Ảnh: KT)
Chỉ còn gần 3 năm nữa, thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ thị trường ASEAN vào Việt Nam sẽ giảm về 0%, điều này sẽ gây áp lực lớn hơn cho ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Cùng với việc nhiều doanh nghiệp có ý định chuyển sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc thay vì tiếp tục sản xuất, lắp ráp tại thị trường Việt Nam, đã có nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước gửi đơn kiến nghị lên Chính phủ và các bộ ngành đề nghị có các giải pháp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Trong khi đó, Chiến lược cũng như Quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ tháng 7/2014, đến nay đã qua 10 tháng, các Bộ, ngành liên quan vẫn chưa có chính sách hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô hoạch định chiến lược cho phù hợp.
Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam, định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô đã khá rõ ràng, Chính phủ cũng đã giao Bộ Công Thương phối hợp Bộ tài chính và các bộ ngành tổ chức tính lại thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển thị trường ô tô, tuy nhiên đến nay việc này vẫn chưa được thực hiện.
“Khi Việt Nam hội nhập WTO, việc xây dựng công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt như thế nào họ không quan tâm, vì thế nên tận dụng cơ hội này để xây dựng công thức tính thuế tiêu thụ đặc biệt, tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước”, ông Tuấn chỉ rõ.
Là một doanh nghiệp lắp ráp và sản xuất ô tô nội địa khá thành công trên thương trường, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Công ty Thaco thừa nhận, đến năm 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN giảm xuống bằng 0%, nếu chính sách thuế không có gì thay đổi so với hiện nay thì giá ô tô chắc chắn sẽ rẻ hơn rất nhiều.
“Bởi khi doanh nghiệp chuyển từ lắp ráp xe sang nhập khẩu xe sẽ giảm được 5% thuế nhập khẩu linh kiện và chi phí lắp ráp. Nếu trong trường hợp sản lượng tăng lên, chắc chắn sản xuất sẽ giảm, chi phí sản xuất giảm, chi phí phân phối giảm, chi phí bán lẻ giảm. Do vậy các doanh nghiệp sản xuất xe xác định đến thời điểm 2018 phải giảm 20% giá thành xe ở tất cả các khâu”, ông Dương cho biết.
Chủ tịch Công ty Thaco cho rằng, muốn làm được ô tô phải có thị trường, có chuyển giao công nghệ, sản phẩm ô tô tập trung nhiều ngành nghề do vậy sản lượng rất quan trọng. Từ năm 2018, thuế nhập khẩu bằng 0% thì thuế tiêu thụ đặc biệt cũng giảm. Nếu duy trì sản xuất ô tô tại Việt Nam thì phải có thuế xuất CKD phù hợp cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất.
Ông Dương thừa nhận, phát triển công nghiệp ô tô đối với nước ta là rất quan trọng, từ công nghiệp ô tô có thể làm được các ngành công nghiệp khác. Nếu không có các chiến lược nhất định để nuôi dưỡng và tạo điều kiện để có các dự án phát triển công nghiệp ô tô, Việt Nam chỉ là nơi mở rộng thị trường xe nhập khẩu và công nghiệp ô tô sẽ không còn.
“Đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc và xe lắp ráp trong nước, thuế tiêu thụ đặc biệt có thể bằng nhau nhưng với những dự án lớn và mang hiệu quả kinh tế cho đất nước vẫn có thể có những ưu đãi. Cách tính thuế cho xe nhập khẩu hiện nay có nhiều lỗ hổng, chưa đúng với khung quy định. Thuế tiêu thụ đặc biệt xe nguyên chiếc nhập khẩu nên áp theo giá bán buôn của doanh nghiệp nhập khẩu sẽ hạn chế được gian lận thương mại, phòng ngừa sự chuyển giá khi tính giá thuế”, ông Dương đề xuất.
Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), việc đầu tư dây chuyền lắp ráp ô tô rất dễ, vốn ít nhưng lãi lớn do có chính sách ưu đãi. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp chuyển qua sản xuất sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
“Để phát triển sản xuất xe trong nước, nhà nước cần xem lại chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt cùng việc thực thi các chính sách. Bất cập nhất hiện nay là kể cả khi có chính sách dù là minh bạch nhưng vẫn không được thực thi. Doanh nghiệp sản xuất còn khó khăn hơn khi không được hưởng chính sách ưu đãi về vốn”, ông Kiên nói.
Đại diện cho khối doanh nghiệp nước ngoài, ông Yoshihisa Maruta, Tổng Giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, để thị trường ô tô phát triển cần duy trì chính sách thuế ổn định, bởi thuế và chi phí sản xuất ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mỗi dòng xe.
Liên quan đến vấn đề thuế suất, ông Lưu Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, Bộ Tài chính đã có đoàn khảo sát các doanh nghiệp, sắp tới Bộ sẽ ban hành dự thảo quy định mới phù hợp và khả thi, đảm bảo ổn định chính sách trong vòng 10 năm, theo đúng tinh thần của Chiến lược và Quy hoạch do Thủ tướng đã phê duyệt, sau đó Quốc hội sẽ ban hành chính sách thuế này.
Đối với thuế thu nhập, ông Huy cho biết, doanh nghiệp sẽ được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, tiền thuế nhưng sẽ phải cân nhắc lại mức ưu đãi đến đâu. Đối với thuế nhập khẩu linh kiện, các doanh nghiệp nên đề xuất chính sách thuế trong thời gian tới, bởi việc nhập khẩu linh kiện không chỉ từ ASEAN mà còn từ nhiều khu vực khác.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc chậm ban hành các chính sách thuế, phí trong thời gian qua là do cần phải lấy ý kiến đồng thuận và phối hợp chung giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo tính khả thi cho Chiến lược và Quy hoạch.
Ông Trần Tuấn Anh cũng khẳng định, ngoài chính sách thuế sẽ có đồng bộ các chính sách và giải pháp khác, trong đó có các cơ chế ưu đãi được quy định trong các dự án đầu tư của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô theo Quy hoạch phát triển sẽ tiếp tục được hưởng các ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, hay các cơ chế vay tín dụng ưu đãi phục vụ cho đầu tư, xuất khẩu. Bản thân các sản phẩm phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, các sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng được hưởng các chính sách ưu đãi./.
Theo Nguyễn Quỳnh/VOV.VN