Năm 1975, ở tuổi 18, Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên là lính pháo thủ trẻ nhất trên chiếc xe tăng 390.
Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên cùng các đồng đội trên xe tăng 390 ( Ảnh do nhân vật cung cấp)
40 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh của chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, đè bẹp cơ quan đầu não của chế độ Ngụy quyền Sài Gòn vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người lính pháo thủ số 1 - Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên. Đối với ông, được cùng đồng đội trên chiếc xe tăng năm xưa góp phần làm nên đại thắng mùa xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là niềm vinh dự lớn của cuộc đời.
Năm 1975, ở tuổi 18, Trung sỹ Ngô Sỹ Nguyên là lính pháo thủ trẻ nhất trên chiếc xe tăng 390 của Đại đội 4, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2. Ông cùng 3 đồng đội khác là Trung úy Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên đại đội; Trung sĩ Nguyễn Văn Tập, lái xe và Đại đội phó kỹ thuật kiêm pháo thủ số 2, thiếu úy Lê Văn Phượng vinh dự được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 29/4/1975, cùng với các đơn vị khác, Lữ đoàn của ông đã giải phóng toàn bộ căn cứ Nước Trong, nơi có trường sĩ quan thiết giáp của địch, tạo mũi thọc sâu cho Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn- Gia Định.
Sáng 30/4/1975, quân ta mở đường tiến vào trung tâm Sài Gòn. Nhưng, từ tổng kho Long Bình, qua cầu Đồng Nai, ngã tư Thủ Đức, ngã ba Thủ Dầu Một đến cầu Sài Gòn, địch chống trả rất quyết liệt. Tin Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Ngô Văn Nhỡ hy sinh càng thôi thúc các chiến sĩ xông lên. Chiếc xe tăng 866 đi đầu do Lê Tiến Hùng phụ trách đang qua cầu Sài Gòn thì bị trúng đạn. Xe tăng 390 phía sau được lệnh tiến lên phía trước, bất chấp sự phản kích quyết liệt của địch. Vừa đi vừa phối hợp với các xe tăng khác hợp đồng tác chiến, dập tắt các điểm hỏa lực của địch vượt qua ngã tư Hàng Xanh.
“Xe 390 và xe 843 lao sang và vượt lên chiếc xe bị cháy đến ngã tư Hàng Xanh thì lực lượng phản kích vẫn còn. Tôi thấy M113 đang còn đi ra từ ngã tư và chúng đã ngắm DKZ vào xe mình nhưng chưa trọn vẹn góc ngắm, tôi đã nổ súng. Lúc đấy đồng chí Tập lái xe và đồng chí Toàn hô “Nguyên, Nguyên, mục tiêu”, và lúc đấy pháo đã nổ” và đã tiêu diệt 2 cái M113 và nhiều GMC cũng như mũi phản kích của địch ở đấy” – ông Nguyên nhớ lại.
Vượt qua Hàng Xanh, xe tăng 390 tiếp tục tiến vào trung tâm Sài Gòn theo bản đồ tuyến xe buýt thành phố Sài Gòn- Gia Định của Chính ủy Lữ đoàn Bùi Văn Tùng và gặp xe tăng 843 của Trung úy Bùi Quang Thận phía trước. Ông Nguyên bồi hồi nhớ lại: “Xe của đồng chí Thận đang đi thì rẽ sang cổng trái rồi khựng lại trước cổng Dinh Độc lập. Thấy vậy, đồng chí Tập lái xe hỏi có nên vào hay dừng lại, thì đồng chí Toàn nói: “Cứ tông vào đi”. Ngay lập tức, đồng chí Tập nhấn ga vọt lên, húc tung cánh cổng chính của Dinh Độc Lập, tiến thẳng vào sân. 11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng do Trung úy Bùi Quang Thận kéo lên đã tung bay phấp phới trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Việt Nam cộng hòa.
“Khi vào trong dinh được 1 lúc thì đồng chí Thận lên treo cờ ở trên nóc còn đồng chí Vũ Đăng Toàn dồn Nội các Dương Văn Minh vào 1 phòng. Sau khi Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng, những bà mẹ miền Nam, các cô gái Sài Gòn ra kín đường trước sân Dinh Độc Lập. Không biết thật hay là mơ, nhiều người khóc, nhiều người ôm chặt lấy nhau và hô vang “Hòa bình rồi, hòa bình rồi các đồng chí ơi!” Nhiều người không còn nước mắt để khóc, không phải khóc cho đau thương, mà đây là mừng vui quá mà khóc…” – ông Nguyên kể lại.
Bây giờ, khi tóc đã pha sương, người lính già Ngô Sĩ Nguyên vẫn không quên thời khắc lịch sử đặc biệt ấy. Ông lại nghĩ về những đồng đội không về đủ mặt trong ngày vui chiến thắng. Họ đã hy sinh để dành phần vinh dự cho những người may mắn như ông: “Để có chiến thắng đại thắng mùa xuân 1975, khi lá cờ đã bay trên nóc Dinh Độc Lập, xe tăng 390 đâm tung cổng thì đã có không biết bao nhiêu đồng bào đồng chí đã hy sinh và không biết bao nhiêu đồng đội của chúng tôi nằm xuống ở các chiến trường. Trong cuộc chiến đấu mà lịch sử đã rất ưu ái và dành cho chúng tôi những giờ phút vinh quang thế này, tôi cảm ơn những anh hùng liệt sỹ, đồng bào đồng chí đã vì nước quên thân làm cuộc cách mạng này đã nâng bước chúng tôi có những bước xích cuối cùng ở Dinh Độc lập”.
Vì vậy, năm nào, cứ đến dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, những người lính xe tăng 390 cũng tụ hội về Bảo tàng Tăng thiết giáp để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm của thời khắc lịch sử hào hùng - những trang sử được viết nên bằng máu xương của cả dân tộc, trong đó có phần đóng góp của những người lính quả cảm như ông./.
Theo Hồng Bắc/VOV.VN