Vừa qua, tại Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã tổ chức lễ công bố thông tin về sản phẩm vi mạch VNU-UET VENGME H.264/AVC@2014 (gọi tắt là VENGME H.264/AVC). Đây là vi mạch chuyên dụng mã hoá video đầu tiên của Việt Nam.
Buổi lễ công bố VENGME H.264/AVC nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ 2 (18/5/2015).
Sản phẩm vi mạch VENGME H.264/AVC là kết quả của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Đại học Quốc gia Hà Nội “Nghiên cứu và thiết kế bộ mã hoá video cho các thiết bị đa phương tiện thế hệ mới” do Phó giáo sư-Tiến sỹ Trần Xuân Tú, Trường Đại học Công nghệ chủ trì.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện nay Đại học Quốc gia Hà Nội đang thực hiện 6 chương trình nghiên cứu trọng điểm, trong đó có chương trình “Nghiên cứu và chế tạo các linh kiện micro-nano và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế.”
Chương trình này có mục tiêu tham gia chương trình phát triển 9 sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012 (9 sản phẩm đó là: Lúa gạo Việt Nam chất lượng cao; Thiết bị siêu trường, siêu trọng; Bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin; Động cơ sử dụng cho giao thông vận tải; Vắc xin phòng bệnh; Phục vụ an ninh quốc phòng; Cá da trơn Việt Nam; Nấm ăn và nấm dược liệu; Vi mạch điện tử).
Vi mạch là một sản phẩm công nghiệp cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Có thể ví vi mạch là “gạo công nghiệp”.
Việc chủ động thiết kế được các dòng vi mạch điện tử có chức năng đa dạng và cập nhật công nghệ hiện đại nhất của thế giới sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận đến 30%.
Ngoài ra, việc nghiên cứu và chế tạo thành công vi mạch còn đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức; giảm nhập siêu linh kiện điện tử và giải pháp công nghệ; tạo ra các sản phẩm có ảnh hưởng và tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đặc biệt, việc các nhà khoa học Việt Nam thiết kế và chế tạo thành công chip VENGME H.264/AVC mở ra hướng làm chủ công nghệ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng, thiết kế và chế tạo các vi mạch điện tử quan trọng trong hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, hệ thống định vị mục tiêu; bảo mật thông tin. Đây là những vấn đề không thể đặt hàng hoặc thuê nước ngoài thiết kế và chế tạo.
Ông Darence Tan, đại diện của Synopsys đánh giá, việc thiết kế và chế tạo thành công sản phẩm vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC là một minh chứng sống động cho khả năng của người Việt trong việc làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch.
Điều này đồng thời mở ra khả năng hợp tác rộng mở giữa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo chíp. Việt Nam sẽ là một trong những thị trường giàu tiềm năng về chế tạo vi mạch điện tử để các tập đoàn lớn trên thế giới quan tâm đầu tư thời gian tới.
Đại diện của Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Thông minh Sài Gòn, đơn vị ký kết văn bản nhận chuyển chuyển giao công nghệ và hợp tác phát triển thiết bị ứng dụng đối với vi mạch mã hoá video VENGME H.264/AVC của Trường Đại học Công nghệ cho biết, vi mạch mã hoá tín hiệu video VENGME H.264/AVC được thiết kế nhắm tới các ứng dụng như camera an ninh, camera giao thông, camera giám sát hiện trường hay đơn giản là các camera giám sát toà nhà, trường học, các địa điểm công cộng… và các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy quay video./.
(TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/viet-nam-che-tao-thanh-cong-vi-mach-chuyen-dung-ma-hoa-video/323245.vnp