Cập nhật: 20/05/2015 10:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Một trong những ngành hàng nông sản đi ngược lại với chiều hướng sụt giảm về mặt giá trị trong quý I là ngành hàng sắn. Đây là cây trồng có thể đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội.

 

Ảnh minh họa

Tiềm năng từ trồng sắn

Một sự kiện diễn ra vào năm 2013 khá quan trọng với ngành sắn Việt Nam đó là Văn phòng châu Á của Hội đồng quản trị Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp nhiệt đới (CIAT) đã chuyển từ Bangkok về Hà Nội (trong khuôn viên Viện Di truyền Nông nghiệp).

Lý do của việc di chuyển văn phòng này là Việt Nam đã có bước tiến dài trong việc trồng sắn và trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới (sau Thái Lan). CIAT hy vọng với việc đặt Văn phòng châu Á tại thủ đô của Việt Nam, một đất nước có nền nông nghiệp năng động nhất, sẽ tạo điều kiện giúp CIAT hoạt động mạnh hơn.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, trong quý I năm 2015, sản lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,37 triệu tấn, với giá trị 420 triệu USD, tăng 24% về lượng và tăng 22,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Cục Trồng trọt, kim ngạch xuất khẩu sắn cũng như các sản phẩm từ sắn đang tăng cao, ổn định và có thị trường đầu ra tốt. Dự báo, tình hình tiêu thụ sắn trong thời gian tới tiếp tục tăng do thị trường tiêu thụ sắn đang tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc sử dụng sắn để sản xuất ethanol.

Hiện tổng diện tích canh tác sắn khoảng 551.000ha. So với những năm trước đây, năng suất sắn đã được cải thiện, bình quân cả nước đạt 19 tấn/ha. Sắn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng năng suất cao nhất vẫn là ở vùng Đông Nam Bộ. Sắn được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, vốn đầu tư ít, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ.

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn, diện tích trồng sắn đứng thứ 3 sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực trở thành cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất nhiên liệu sinh học. Tinh bột sắn và sắn lát Việt Nam đã trở thành 1 trong 7 mặt hàng xuất khẩu có triển vọng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo, mà còn là cây trồng có thể đem lại cơ hội lớn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, sắn vẫn được trồng theo quảng canh, năng suất thấp. Trong công nghiệp chế biến, vẫn còn xuất thô lớn và phụ thuộc quá lớn vào một thị trường và có nhiều rủi do; tiêu thụ ngay tại trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Đương đầu với khó khăn

Theo đánh giá của CIAT, phát triển cây sắn ở Việt Nam vẫn chưa bền vững vì khoảng cách chênh lệch năng suất thuộc loại lớn của thế giới.

Chẳng hạn, trong khi năng suất sắn tại Tây Ninh đạt từ 30-50 tấn/ha, thì nhiều nơi khác chỉ đạt 15-17 tấn/ha. Ngay tại Tây Ninh cũng có sự chênh lệch về năng suất giữa 2 cách canh tác: Với những diện tích không tưới, năng suất chỉ đạt 30 tấn/ha, trong khi đó với diện tích có tưới bổ sung, năng suất lại đạt 50 tấn/ha.

Việc rút ngắn khoảng cách chênh lệch năng suất bằng cải tiến giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có ý nghĩa rất lớn trong thực hiện quy hoạch không mở thêm diện tích nhưng vẫn đạt sản lượng tinh bột cao.

Một khó khăn nữa, theo ông Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam, 85% sản lượng sắn Việt Nam được tiêu thụ vào một thị trường (Trung Quốc), thị trường đó nhiều bấp bênh và lại xuất khẩu theo tiểu ngạch. Hiện Trung Quốc đang đầu tư vào trồng sắn tại Campuchia rất mạnh. Khi Trung Quốc có sản phẩm sắn từ Campuchia, Việt Nam sẽ gặp khó trong tiêu thụ.

Bên cạnh đó, việc phát triển sắn trong nước hiện vẫn thiếu bền vững, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn tiếp tục là vấn đề nan giải.

Đặc biệt, từ năm 2009 trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện 2 loại bệnh mới là chổi rồng và bệnh rệp sáp bột hồng trên sắn, được xác định là đối tượng dịch hại có nguy cơ tiềm ẩn đe dọa nghiêm trọng đến sản xuất sắn ở Việt Nam và làm giảm mạnh năng suất, chất lượng, sản lượng sắn nguyên liệu.

Theo ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể tăng năng suất sắn thông qua quy trình canh tác là thâm canh, giống, tưới nước, bón phân… Vấn đề nóng hiện nay là cần phòng chống dịch bệnh, bởi nếu không thành công năng suất sẽ giảm. Điển hình như Thái Lan đã giảm 60% sản lượng vì các bệnh này.

Để phát triển bền vững ngành sắn hiện nay, cần phải quy hoạch ổn định vùng nguyên liệu, không nên mở rộng diện tích trồng sắn quá mức. Tiếp đến là tạo vùng nguyên liệu tốt bằng các giống mới kết hợp các biện pháp thâm canh phù hợp, đảm bảo năng suất bình quân cả nước trên 30 tấn/ha.

Bên cạnh đó cần chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu sau tinh bột để sản xuất xăng sinh học - ethanol, giảm và tiến tới không xuất khẩu sắn lát (sắn thô) ra thị trường.

Nêu lên quan điểm của Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, phải tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống sắn có năng suất cao hơn.

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Tôi yêu cầu Cục Bảo vệ thực vật phải có chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh trên sắn. Trước mắt phải thâm canh, tăng năng suất, tăng tưới, quản lý dịch bệnh.

Thời gian tới, cần tăng cường công tác khuyến nông để phổ biến những quy trình canh tác thâm canh bền vững; trong tổ chức sản xuất phải đẩy mạnh cơ giới hóa và cơ giới hóa được thì con đường chính là liên kết hình thành cánh đồng lớn...”.

Đỗ Hương/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm