Giữa quảng trường rộng lớn, vi vút gió ở ngoại ô Hà Nội, cuộc hò hẹn âm nhạc "14 năm nhớ Trịnh Công Sơn" - “Nối vòng tay lớn” tối 30/5 đã đưa tới cho công chúng yêu nhạc thủ đô cảm nhận như “đêm thấy ta là thác đổ” trong tiết hè oi ả hơn 40 độ C.
Hoàng Quyên- cơn gió mát lành trong đêm... (Ảnh: Tuấn Đào)
"Đêm thấy ta là thác đổ" - cảm giác mát lành, an nhiên như được xoa dịu trong cõi nhạc Trịnh giữa đêm hè cũng là tên một ca khúc có trong chương trình qua tiếng hát lắng đọng và đầy xúc cảm của Hoàng Quyên.
Lâu lắm rồi công chúng yêu nhạc mới được nếm trải trạng thái hồ hởi, an nhiên nhưng ấm cúng chìm trôi trong cõi nhạc Trịnh suốt hơn hai giờ, trên một khoảnh đất rộng của quảng trường Vinhomes Riverside Long Biên hệt như phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” trong những thập niên 60- 70 thế kỷ trước.
Trên sân khấu được thiết kế đầy chất liêu trai, cùng di ảnh của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, gia tài âm nhạc của người nghệ sỹ tài hoa lần lượt đưa tới những cung bậc cảm xúc qua tiếng hát của những nghệ sỹ hàng đầu như Cẩm Vân, Quang Lý, Thanh Lam, Tùng Dương, Hoàng Quyên, Mỹ Linh, Việt Hoàn, Đức Tuấn…
Chính vì hội tụ những giọng ca gạo cội của làng nhạc nói chung và cõi Trịnh nói riêng mà sự xuất hiện của nữ ca sỹ trẻ Hoàng Quyên trong đêm để lại dấu ấn đặc biệt.
“Đêm thấy ta là thác đổ” qua giọng hát Hoàng Quyên mang một màu sắc mới lạ. Trong chiếc đầm vàng, Hoàng Quyên tĩnh tại và du dương trong ca từ “...Đời ta có khi tựa lá cỏ/ Ngồi hát ca rất tự do/ Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà/ Từ những phố kia tôi về...”
Ngoài chất giọng đẹp, màu và mạnh, điều tạo bất ngờ đặc biệt trong tiếng hát Hoàng Quyên đêm “Nối vòng tay lớn” ở Hà Nội có lẽ chính là cảm nhận sự trải nghiệm, và tĩnh tại khi tuổi đời của ca sỹ này còn quá trẻ.
Nói như thế, bởi trong kho tàng âm nhạc việt Nam, nhạc Trịnh ở một cõi riêng - ở cõi đó, có cả sự sâu thẳm, cô đơn nhỏ nhoi và khát vọng rộng lớn. Và vì thế bất cứ điều gì thuộc về sự nhỏ nhen và hời hợt, yếu đuối và mơ hồ sẽ khó lòng nào chạm tới được.
Ngoài sự trở lại của nữ danh ca Cẩm Vân, thì Tùng Dương và Thanh Lam cũng để lại ấn tượng khó quên trong trí nhớ khán giả.
Vẫn là Tùng Dương - Divo độc nhất vô nhị làng nhạc Việt. Trong cõi Trịnh, Tùng Dương vẫn là mình - quái tính nhưng chìm đắm trong âm nhạc.
Chất liêu trai, ma mị nhưng hun hút lẩn khuất trong tiếng hát của Tùng Dương khi cất lên những ca từ của bài “Hành hương trên đồi cao” thực sự ám ảnh người nghe như chính con đường “Độc đạo” của chính anh trong nghệ thuật:
"...Người đi hành hương mịt mù lối sương/ Người đi hành hương nhớ phố nhớ phường/ Người đi một mình, đồi dốc nghiêng xuống/ Người đi một mình, vực sâu gọi tên/ Còn đây bão lên, còn đây dấu chân/ Người đi một mình và hát lời gió/ Người đi một mình chìm sâu lời ca/ Còn đây bão qua, còn đây giấc mơ..."
Màn song ca “Hãy yêu nhau đi” của Tùng Dương và Thanh Lam giống như “cơn mưa tình yêu” dịu ngọt, mát lành trong tiết trời đêm hè nóng bức ở ngoại ô Hà Nội.
Trong cõi Trịnh, tiếng hát của hai ngôi sao hàng đầu làng nhạc nhẹ trầm bổng, đuổi bắt mang đến cảm xúc thơ thới, reo ca với người nghe.
Hát tiếp hai ca khúc “Diễm xưa” và “Hạ trắng” nữ ca sỹ Thanh Lam thực sự làm hài lòng ngay cả những khán giả khó tính nhất bởi sự đằm sâu, tình tự trong giọng hát của chị.
Liền với đó, màn kết hợp của nghệ sỹ Quang Lý, Đức Tuấn và Việt Hoàn ca khúc “Chờ nhìn quê hương sáng chói” hay tốp ca "Ở trọ- Biết đâu nguồn cội- Mỗi người tôi chọn một niểm vui" thực sự làm bừng thức cảm nhận khát vọng hòa bình trong nhiều tác phẩm của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. /.
ĐẶNG VŨ ANH (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/noi-vong-tay-lon-tai-ha-noi-de-giua-dem-he-thay-ta-la-thac-do/325562.vnp