Cập nhật: 04/06/2015 10:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng 10%/năm, nhưng Việt Nam vẫn nhập siêu rất lớn từ thị trường này.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, trong đó có vải thiều.

Đó là nhận định của ông Hà Duy Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Tài Chính tại buổi họp báo chuyên đề hội nhập kinh tế quốc tế mới đây tại Hà Nội.

Đánh giá về tác động của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), ông Tùng nhấn mạnh, Trung Quốc cam kết giảm thuế cao hơn Việt Nam. Vấn đề đặt ra là bên nào có thể tận dụng được những ưu đãi thuế quan khi tham gia ACFTA, ông nói.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan của 90% dòng thuế trong vòng 10 năm, linh hoạt đến lộ trình cuối cùng vào năm 2018. Số dòng thuế còn lại Việt Nam cam kết cắt giảm về từ 5% đến 50% vào cuối lộ trình là năm 2020.

Về phía Trung Quốc, Bộ Tài chính cho hay, Trung Quốc đã cắt bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 5% - 50% vào cuối năm 2018.

Một số mặt hàng Trung Quốc vẫn duy trì thuế suất gồm ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc, cà phê, gia vị, xăng dầu, phân bón, nhựa nguyên liệu, vải may mặc, nguyên liệu dệt may, da giày, động cơ, máy móc thiết bị, ô tô, động cơ, bộ phận phụ tùng ô tô, đồ nội thất...

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ đứng sau Mỹ). Trong 11 tháng đầu năm 2014, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc trị giá 13,53 tỷ USD, chiếm khoảng 9,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước.

Tuy nhiên, tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc còn khá khiêm tốn. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc và tốc độ nhập siêu ngày càng tăng cao, vượt xa kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này./.

 

Theo Trần Ngọc/VOV.VN

Tệp đính kèm