Cập nhật: 19/06/2015 09:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

845 dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật của chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi" đã mang lại diện mạo mới cho những vùng quê nghèo xa xôi. Người dân đã làm chủ công nghệ, sản xuất được nhiều loại cây, con có chất lượng cao.

Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình "Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và miền núi" (Chương trình NTMN).

Chương trình NTMN có tính chất liên ngành, liên vùng, được thực hiện thông qua các dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ; đào tạo, tập huấn nghiệp vụ và hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm thúc đẩy hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn, miền núi.

Các dự án được thực hiện thành công là cơ sở để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa, nông sản của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho cộng đồng dân cư ở nông thôn, miền núi - những vùng có điều kiện tự nhiên, xã hội khó khăn của đất nước.

Trong 15 năm qua, Chương trình đã triển khai thực hiện 845 dự án tại 62 tỉnh, thành phố, huy động lực lượng cán bộ của trên 80 cơ quan KH&CN Trung ương và các địa phương tham gia công tác chuyển giao công nghệ. Trên thực tế, hơn 4.700 lượt công nghệ đã được chuyển giao vào hoạt động sản xuất.

Thông qua 845 dự án, Chương trình đã xây dựng được hơn 2.500 mô hình sản xuất. Các mô hình này chính là những mẫu hình về chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN có tính đại diện cho địa bàn triển khai. Hơn nữa, những mô hình này do chính người dân sau khi được tập huấn kỹ thuật trực tiếp thực hiện nên có sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp cho các tổ chức và cá nhân khác mạnh dạn đầu tư vốn để tổ chức sản xuất, nhân rộng kết quả của mô hình.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết, Chương trình NTMN đã có những hỗ trợ rất lớn để phát triển kinh tế như mục tiêu đề ra của Chính phủ. Đây có thể coi là một trong những chương trình khởi đầu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Sản phẩm của các dự án trong chương trình đã góp phần xóa đói giảm nghèo tại nhiều vùng nông thôn, miền núi. "Các tỉnh, thành phố đều ủng hộ duy trì chương trình này trong giai đoạn sắp tới khi chúng tôi gửi văn bản xin ý kiến trong thời gian gần đây", ông Tạc nói.

Nhìn nhận về những khó khăn của chương trình, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho rằng văn hóa, thói quen, tập quán của người dân là một rào cản không nhỏ. Nhiều khi thực hiện triển khai trồng một giống cây nào đó mới, nhưng không thuyết phục được người dân thay đổi tập quán, hình thức canh tác thì sẽ thất bại. Trong 3 giai đoạn vừa rồi, tổng kết lại thì tỷ lệ phần trăm của các dự án không thực hiện được, hoặc đang thực hiện nhưng phải dừng giữa chừng vào khoảng 3%.

Sau khi tổng kết chương trình NTMN, Bộ KH&CN dự kiến sẽ có báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ. Tổng kết từ 3 giai đoạn cho thấy những dự án thực hiện tốt phải có công nghệ tốt, các nhà khoa học nhiệt tình đến những vùng nông thôn hẻo lánh, sẵn sàng hướng dẫn các quy trình công nghệ cho người nông dân. Ngoài ra, còn cần những chủ dự án có sự nghiên cứu sâu sắc, kỹ lưỡng về tập quán của người nông dân.

Thu Cúc

Theo Chinhphu.vn

Tệp đính kèm